Gập ghềnh con đường VietGAP ở Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhiều nông sản Lâm Đồng sản xuất Vietgap nhưng giá bán không cao. Ảnh: Mai An
Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) vừa được thông qua sẽ được cho là đòn bẩy tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD. Tuy vậy, muốn đẩy mạnh vào thị trường tiềm năng nhưng “khó tính” này, các DN Việt phải tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và đủ niềm tin, nhất là nông sản. Nhưng điều này còn đầy rẫy khó khăn...
Sự định danh không rõ ràng
Chứng nhận VietGAP được coi là tờ “giấy thông hành” để nông sản thâm nhập vào các thị trường khó tính, nhất là xuất khẩu. Để đạt tiêu chuẩn VietGAP đã khó nhưng con đường nông sản được nhận diện, được định danh rõ ràng đúng giá trị của mình cũng không mấy dễ dàng. Và khó khăn lớn nhất của nông dân sản xuất Vietgap hiện nay chính là nguồn vốn sản xuất và thị trường đầu ra.
HTX Hội Toàn xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng là một trong những đơn vị có sản lượng rau xuất khẩu và đi vào các siêu thị lớn của địa phương, có hợp đồng cung ứng cho Công ty cổ phần rau sạch 5 sao Đà Lạt - Lâm Đồng, Công ty Phong Thúy, HTX Nông nghiệp Tiến Huy, Công ty Lmax...
Hiện HTX đạt sản lượng khoảng 15  tấn hecta rau, củ, quả, doanh thu khoảng  2,5 tỉ đồng/1 vụ. Tuy nhiên HTX này  chỉ sản xuất VietGAP ở quy mô nhỏ theo đơn đặt hàng chứ không dám triển khai rộng đến các thành viên HTX vì chưa có đầu ra ổn định trên thị trường.
Ông Trương Văn Hội - Giám đốc HTX Hội Toàn - Đức Trọng  - Lâm Đồng nói: Dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng giá cả lại phụ thuộc vào thị trường. Ngoài sản lượng theo hợp đồng tôi không dám cho xã viên mở rộng Vietgap vì nếu vậy rất rủi ro. Có thể khẳng định với trình độ canh tác và sự ham học hỏi của nông dân Lâm Đồng thì bà con hoàn toàn làm chủ những kỹ thuật khắt khe của quy trình sản xuất Vietgap. Trở ngại lớn nhất vẫn là nguồn đầu tư, bởi khi sản xuất VietGAP đòi hỏi nông dân phải sử dụng thiết bị nhà kính, hệ thống tưới và các vật tư nông nghiệp đạt chuẩn. Ngoài ra phải sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ... Tất cả đều có giá thành cao hơn sản phẩm hóa học, vì vậy nông dân ngại tham gia các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là trong bối cảnh nhiều nông sản đang mất giá như hiện nay.
Ông Lương Đình Nghĩa - Giám đốc HTX NN Khải Hoàn - TP.Đà Lạt nói thêm Sản xuất theo VietGAP thì tốn nhiều thời gian, chi phí mà giá bán càphê lại thấp nên huy động các thành viên góp vốn vào HTX rất khó khăn.
Cần một chính sách sát thực tiễn
Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong quá trình cấp giấy chứng nhận VietGAP, tuy nhiên có một bất cập là mức hỗ trợ cho một đơn vị là 25 triệu đồng, không phân biệt diện tích hay chủng loại cây trồng. Chính sách mang tính “cào bằng” này không sát với thực tiễn, cần sớm điều chỉnh phù hợp. Mặc dù là tỉnh dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP với khoảng 3.600ha,  nhưng diện tích này cũng chỉ mới chiếm hơn 10% tổng diện tích canh tác của Lâm Đồng.
Để khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất VietGAP, ngành chức năng Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp như, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn, hỗ trợ mã tem truy xuất nguồn gốc nông sản đồng thời kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận VietGAP theo từng loại cây trồng cụ thể.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi Cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng - cho biết: Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và xúc tiến đầu tư, chúng tôi sẽ có mức hỗ trợ kinh phí cụ thể cho từng mô hình, từng loại cây trồng.
Nông sản sạch là hướng đi của Lâm Đồng và là mục tiêu mà người tiêu dùng mong đợi.  Tuy nhiên để nông sản sạch được cấp giấy chứng nhận VietGAP được thị trường chấp nhận và đánh giá đúng giá trị sản xuất của nó thì cần  có sự minh bạch trên thị trường tiêu thụ và sự lựa chọn thông thái từ những người tiêu dùng. Có như vậy các nông hộ đi theo con đường VietGAP mới bớt gian  nan. 

Tháng 1.2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

MAI AN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm