Lâm Đồng: Hạn khốc liệt, cà phê chết héo, dân phải chắt nước đục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng ngàn ha cà phê và hoa màu tại 6 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng đã khô héo chờ chết do thiếu nước tưới. Nước sinh hoạt người dân địa phương phải “mót” từng can, trong khi đó, công trình nước sạch được đầu tư từ năm 2007 lại “đắp chiếu” nhiều năm khiến tình trạng khô hạn trở nên khốc liệt hơn.
Khốn khổ cảnh “đi tắm nhờ, đi xin nước”
Những ngày cuối tháng 2, phóng viên đã có mặt tại thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal (huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) để ghi nhận tình trạng hạn hán trên địa bàn huyện. Gặp chị Đào Thị Loan (35 tuổi), chị ngao ngán cho biết: “Nước uống, sinh hoạt còn không đủ nữa là nước tưới cho cây trồng, chưa thấy năm nào hạn như năm nay...”.
Chị Đào còn cho hay, giếng của gia đình chị chỉ bơm được 5 phút là hết nước, phải mót từng xô nước để dùng cho sinh hoạt. Nước bị đục phải đợi lắng mới có thể dùng. Đặc biệt chị cho biết: “Toàn bộ nước nấu ăn phải mua nước bình lọc ở thị trấn Đạ Tẻh cách xa hơn 30 km. Có hôm cả gia đình 5 người phải bồng bế nhau về nhà người quen dưới huyện để tắm rửa, giặt dũ, nghĩ tới cái cảnh đó thấy nó khổ”.
Người dân tại thôn Tôn K’Long phải đi chở những can nước sinh hoạt cách hàng chục km về để sử dụng.
Người dân tại thôn Tôn K’Long phải đi chở những can nước sinh hoạt cách hàng chục km về để sử dụng.
Được biết, tại thôn Tôn K’Long, có một công trình nước sinh hoạt nông thôn được Hiệp hội L’Appel (Cộng hòa Pháp) tài trợ xây dựng từ năm 2007 để phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho 280 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số và gần 800 nhân khẩu tại thôn Tôn K’Long. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, thượng nguồn suối Đạ Cọ bị người dân ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) chặn dòng khiến công trình nước sinh hoạt ở Tôn K’Long “đắp chiếu” làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cho đến hôm nay.
Công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2007 ngừng hoạt động khiến hạn hán trở nên khốc liệt hơn.
Công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2007 ngừng hoạt động khiến hạn hán trở nên khốc liệt hơn.
Ông K’ Brèo, (53 tuổi, cán bộ mặt trận thôn Tôn K’Long) cho biết: “Khi biết nước trên đầu nguồn bị chặn, tôi và một số hộ dân thôn Tôn K’Long lên đầu nguồn xin tháo nước cứu cây trồng nhưng bị nhiều hộ dân xã Lộc Tân cho “giang hồ” vây đánh, dọa giết... nên chúng tôi rất buồn. Mong chính quyền địa phương tìm giải pháp cứu lấy cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại thôn Tôn K’Long chúng tôi”
Hàng ngàn ha cà phê khô héo
Nói về công trình nước sạch tại thôn Tôn K’Long bị chặn nước tại đầu nguồn, ông Chu Quang Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đạ Pal cho biết, do việc này nằm ngoài địa giới hành chính của huyện, vì vậy trong nhiều cuộc họp, ông Tuấn đã thông tin và xã có nhiều công văn gửi UBND huyện Đạ Tẻh tìm giải pháp tháo gỡ. Dù lãnh đạo huyện Đạ Tẻh đã đến làm việc thực tế, tuy nhiên hiện vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại 6 huyện phía Nam của Lâm Đồng gồm Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP. Bảo Lộc, nhiều người dân đổ xô mua máy nổ, dây ống, đào múc ao hồ, khoan giếng chống hạn cứu cây trồng, nhất là cây cà phê...
Nhiều diện tích cà phê, cây trồng của người dân tại xã Đạ Pal khô héo chờ mưa.
Nhiều diện tích cà phê, cây trồng của người dân tại xã Đạ Pal khô héo chờ mưa.
Hiện nay, theo thống kê tại huyện Di Linh với khoảng 44.000ha, huyện Bảo Lâm khoảng 35.000ha và 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên có đến hàng chục ngàn ha cây trồng đang trong tình trạng thiếu nước, cây héo úa, rụng lá vì nắng hạn.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, mùa khô năm nay đến sớm hạn hán khốc liệt nhiệt độ trung bình trong ngày quá cao hơn 34 độ C và đang có chiều hướng tăng cao khiến nhiều khu vực lòng hồ thủy điện bị thiếu hụt nước.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân đào ao hồ nhỏ để tạo nguồn nước tưới, phối hợp với cơ quan chuyên môn áp dụng các biện pháp kỹ thuật chống hạn cho cây trồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động theo sát tình hình diễn biến của thời tiết, đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi làm tốt công tác điều tiết nước đảm bảo phục vụ cho người dân sản xuất tránh thiệt hại nặng nề mùa vụ tới.
 
Nhiều diện tích cà phê của người dân thôn Tôn K’Long khô héo do thiếu nước nhiều ngày.
Nhiều diện tích cà phê của người dân thôn Tôn K’Long khô héo do thiếu nước nhiều ngày.
Theo Văn Long (Dân Việt)

http://danviet.vn/nha-nong/lam-dong-han-khoc-liet-ca-phe-chet-heo-dan-phai-chat-nuoc-duc-1064171.html

Có thể bạn quan tâm