Kết quả đánh giá Bộ chỉ số DDCI: Vẫn còn "điểm nghẽn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) năm 2019 đã thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh ta, đồng thời cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” cần khắc phục.
Bộ chỉ số DDCI có 8 chỉ số thành phần (49 chỉ số con) gồm: tính minh bạch, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và vai trò người đứng đầu. Bộ chỉ số này được triển khai khảo sát trên 2 nhóm, gồm nhóm các sở, ban ngành và nhóm địa phương cấp huyện. Năm 2019, việc khảo sát được triển khai tại 14 sở, ban, ngành và 12/17 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của 775 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Tác động tích cực
Theo nhận định từ kết quả DDCI 2019 của tỉnh, ở nhóm đánh giá các sở, ban, ngành, 3 đơn vị có vị trí cao nhất lần lượt là: Bảo hiểm Xã hội tỉnh (70,57 điểm), Cục Thuế tỉnh (70,55 điểm), Sở Kế hoạch và Đầu tư (70,23 điểm). Trên bình diện chung, điểm số trung vị của các chỉ số thành phần ở mức khá. Ở nhóm các sở, ban, ngành, doanh nghiệp đánh giá cao nhất về chỉ số chi phí thời gian và thấp nhất là chỉ số cạnh tranh bình đẳng. Trong chỉ số chi phí thời gian, 96,9% doanh nghiệp đánh giá cao việc cán bộ hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ. 92,6% doanh nghiệp cho biết, các thủ tục hành chính được xử lý đúng hẹn hoặc sớm hẹn. Về tiêu chí thanh-kiểm tra, 92,99% doanh nghiệp đánh giá tốt là giúp cho doanh nghiệp khắc phục các sai sót trong hoạt động kinh doanh.
 Quang cảnh hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh  các sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) năm 2019. Ảnh: H.D
Quang cảnh hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) năm 2019. Ảnh: H.D
Ở nhóm đánh giá cấp huyện, 3 địa phương có vị trí cao nhất lần lượt là: huyện Đức Cơ (69,72 điểm), TP. Pleiku (67,21 điểm) và thị xã Ayun Pa (64,46 điểm); huyện Chư Pưh xếp thứ 11 (43,91 điểm) và xếp cuối là huyện Chư Pah (41,4 điểm). Qua khảo sát, các doanh nghiệp đánh giá cao nhất đối với cấp huyện ở chỉ số thành phần thiết chế pháp lý và thấp nhất là cạnh tranh bình đẳng. 88,75% doanh nghiệp đã đánh giá rất cao khi các địa phương đã làm tốt “Việc thực thi văn bản pháp luật nghiêm minh, theo đúng quy trình, quy định”; 79,27% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp luôn được giải quyết thỏa đáng”.
Tại buổi công bố kết quả DDCI năm 2019 vừa được tổ chức hôm 27-2, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá: “Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện, nhưng rõ ràng việc triển khai DDCI đã có những tác động rất tích cực, tạo sự thay đổi trong cung cách làm việc đối với doanh nghiệp, với người dân của các đơn vị, các địa phương. Đây là động lực để chúng ta vươn lên. Từng đơn vị, từng địa phương vươn lên thì tỉnh tất nhiên sẽ tốt lên”.
Khắc phục  “điểm nghẽn”
Đây là năm đầu tiên tỉnh Gia Lai triển khai khảo sát DDCI với mục tiêu thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Chương trình thể hiện đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với các sở, ban, ngành và địa phương, đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị, địa phương nhìn nhận lại và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, chức năng của mình cho những năm tiếp theo. 
Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Đức Thụy
Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Đức Thụy
Tuy nhiên, kết quả khảo sát DDCI bộc lộ một số bất cập cần khắc phục khi vẫn có 12,49% doanh nghiệp cho biết bị các sở, ban, ngành thanh-kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm; 14,4% doanh nghiệp cho biết bị thanh-kiểm tra trùng nội dung trong cùng một năm; đặc biệt, 35,5% doanh nghiệp cho biết bị thanh-kiểm tra ngoài phạm vi trong quyết định thanh-kiểm tra. 
Nói về kết quả đánh giá ngành mình, ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, sự phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Riêng Cục Quản lý Thị trường luôn thực hiện nghiêm theo kế hoạch của ngành và địa phương; chỉ khi nắm được thông tin từ người dân, chúng tôi mới tiến hành kiểm tra đột xuất và 100% đợt kiểm tra đột xuất đều phát hiện vi phạm. Qua đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm số DDCI đối với Cục Quản lý Thị trường năm 2019 chỉ đạt 68,33 điểm, xếp thứ 12/14. Theo đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn”.
Ông Nguyễn Tiến Quang-Giám đốc VCCI-Chi nhánh Đà Nẵng-cho rằng: “Với câu hỏi sở, ban, ngành có thường xuyên quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không thì chỉ có 15% doanh nghiệp đánh giá là có thường xuyên quan tâm. Đơn vị được đánh giá cao nhất cũng chỉ đạt tỷ lệ 15,38%, đây là tỷ lệ khá thấp và cần cải thiện trong thời gian tới. Nên chăng, tỉnh cần có biện pháp quán triệt đến các sở, ban, ngành thực hiện tốt Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để có thể cải thiện tình trạng này. Thêm nữa, ở các địa phương, tình trạng này cũng tương tự khi chính quyền địa phương có xu hướng quan tâm tới người dân nhiều hơn mà ít quan tâm tới doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành yêu cầu phải nâng cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu. Ảnh: Hà Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành yêu cầu phải nâng cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu. Ảnh: Hà Duy
Ở nhóm các địa phương, có khá nhiều điểm số chỉ số thành phần khá thấp, như chỉ số tính minh bạch, điểm số thấp nhất của các địa phương là 2,47 điểm, tương tự ở cạnh tranh bình đẳng là 2,57 điểm, tính năng động là 2,89 điểm, thiết chế pháp lý là 3,11 điểm, chi phí không chính thức là 3,51 điểm, vai trò người đứng đầu là 3,63 điểm... Bên cạnh đó, các tiêu chí của một số địa phương cũng có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khá thấp như “Cấp huyện chủ động nghiên cứu, trao đổi trong việc giải quyết những vấn đề mới phát sinh”, thấp nhất chỉ 9,62%; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “Cấp huyện thường xuyên quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, thấp nhất là 9,43% ...
Cạnh tranh bình đẳng và chi phí không chính thức là 2 chỉ số thành phần thấp điểm nhất của cả 2 nhóm sở, ban, ngành và cấp huyện (trung vị của 2 chỉ số này ở nhóm sở ban ngành lần lượt là 5,26 điểm và 5,59 điểm; ở nhóm cấp huyện là 5,04 điểm và 5,29 điểm). Điều này cho thấy, việc tăng cường công khai và minh bạch thông tin, nguồn lực nhà nước cần thiết cho doanh nghiệp là một biện pháp khá hữu hiệu để giảm sự ưu ái giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công trong giải quyết thủ tục hành chính cũng sẽ giúp hạn chế việc đối xử thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp cũng như giảm nguy cơ nhũng nhiễu của các đơn vị. Cùng với đó, việc xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng được đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là những chỉ đạo tâm huyết của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại hội nghị.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.