Dịch Covid-19: Doanh nghiệp "điêu đứng" vì… gãy chuỗi giá trị cung ứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịch bệnh Covid-19 đang làm nền kinh tế cả nước bị thiệt hại nhiều mặt, trong đó chuỗi giá trị bị "đứt gãy" khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc. Đặc biệt, việc tìm kiếm đối tác mới, nguồn cung nguyên phụ liệu mới… cũng không phải dễ dàng trong “một sớm một chiều".
Tại TP.HCM, nhiều ngành hàng từ dệt may, thương mại, du lịch… đến sản xuất công nghiệp đều đang gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị "đứt gãy". Trong khi đó, một số DN tưởng chứng như ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch Covid-19, như nhựa, gốm sứ… cũng bắt đầu “nếm đòn” khi các đơn hàng từ Trung Quốc đột ngột bị cắt giảm.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá những tác động của Covid-19 với kinh tế Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá những tác động của Covid-19 với kinh tế Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)
Nhiều DN “điêu đứng”
Ông Lý Huy Sáng, Phó tổng Giám đốc Công ty Minh Long (Gốm sứ Minh Long) cho biết, tác động của Covid-19 khá nghiêm trọng và ngành gốm sứ tưởng chừng như ít bị ảnh hưởng nhất lại đang đang có những tác động hết sức nặng nề. Theo lời ông Sáng, mới đây nhất Minh Long tham dự một Triển lãm quan trọng nhất năm của ngành hàng này được tổ chức tại Đức. Đây là một triển lãm rất quan trọng, vì từ triển lãm này Minh Long luôn ký được những hợp đồng lớn cho cả năm. Năm nay thì khác, có khoảng 700 doanh nghiệp không đến tham dự triển lãm đều là doanh nghiệp Trung Quốc; còn bất ngờ là năm nay có thị trường Nga quan tâm và đặt hàng, tuy nhiên, cũng chưa biết thế nào về thị trường này.
“Năm nay Minh Long thuê hai gian hàng, tổng chi phí thấp nhất cũng vài chục nghìn USD nhưng số lượng khách tham gia triển lãm cũng giảm khoảng 60% so với năm trước. Tại các showroom của Minh Long ở trong nước, số lượng người tham quan mua sắm cũng giảm khoảng 30%”, ông Sáng cho hay.
Cũng không ngờ tới Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đại diện Công ty nhựa Duy Tân cũng cho biết, chúng tôi không nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, mà nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc và các nước khác, nên khá ung dung khi cho rằng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đầu vào. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu của Duy Tân là đầu ra. Kinh tế khó khăn nên nhu cầu mua sắm giảm bớt, bởi nhựa lại không phải là ngành hàng nằm trong các nhu cầu nhu yếu phẩm. 
“Song bây giờ, nguyên liệu đầu vào cũng bị ảnh hưởng luôn vì Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng dịch bệnh hoành hành. Chính vì thế, doanh nghiệp cũng đang phải đưa ra rất nhiều kịch bản để đối phó trong khi chờ đợi những phương án cứu trợ của Nhà nước”, đại diện Công ty Duy Tân cho hay.
Đại diện DN hỏi ý kiến chuyên gia về cách vượt qua khó khăn do Covid-19
Đại diện DN hỏi ý kiến chuyên gia về cách vượt qua khó khăn do Covid-19
Một loạt DN ngành du lịch lữ hành, khách sạn ở TP.HCM mới đây cũng lên tiếng kêu cứu vì tình hình làm ăn khó khăn, trong đó, các DN đều đề xuất các phương án để tăng cường kích cầu, đẩy mạnh tiếp thị, truyền thông và kiến nghị chính phủ hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp bị thiệt hại… TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho hay: “Dịch bệnh Covid-19 đang làm kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhiều mặt, nhất là các ngành hàng xuất nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, hàng không… Chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc nay gián đoạn, tác động này là tác động kép cả đầu vào và đầu ra. Đặc biệt, ngành du lịch cũng đang bị ảnh hưởng rất nặng nề”.
“Tôi mới nhận được thông tin ngành du lịch thế giới năm nay có thể thiệt hại 22 tỷ USD. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngành này sẽ phải tìm cách đẩy mạnh khai thác du lịch trong nước, giảm giá dịch vụ. Cụ thể, các DN có thể điều chỉnh, khai thác nguồn khách trong nước với mục tiêu quan trọng nhất là duy trì hoạt động để không bị đóng cửa. Ngay một số địa phương trong nước đến giờ chưa bị dịch, là điểm đến nổi tiếng có thể được DN quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút du khách để có nguồn thu, bên cạnh việc chờ sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước…
Riêng với các hãng lữ hành quốc tế, giải pháp của DN là tìm kiếm thị trường khách mới như Liên bang Nga, Tây Âu. Tôi biết có nước hiện nay đang âm vài chục độ C, nếu khai thác thị trường này để đưa họ về với biển xanh nắng vàng ở Nha Trang thì còn gì bằng”, ông Doanh nói.
Các DN gồng mình… “chống giặc Covid-19”
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các DN đều đang cố sức “gồng mình” để ổn định sản xuất kinh doanh qua mùa dịch. Tại Công ty Minh Long, đơn vị này cho biết đang tập trung nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm mới với nhu cầu mới như ly sứ đựng nước suối giữ nhiệt mang theo và tiếp tới là các hộp đựng đồ ăn mang theo khi đi làm… Đây là những sản phẩm hiện nay cung không đủ cầu nên cũng không lo đầu ra.
Trong khi đó, với nhựa Duy Tân, hiện DN đang phải xây dựng kịch bản để ứng phó dịch sao cho không phải ngừng sản xuất, tích cực tìm kiếm các thị trường nguyên liệu thay thế. Cùng với kế hoạch ứng phó, DN này kỳ vọng vào những chương trình đồng hành, hỗ trợ của nhà nước để vượt khó…
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, thì chia sẻ, kinh nghiệm xử lý tình huống kinh doanh thời dịch bệnh là ngoài sự linh hoạt trong quản trị, DN phải có tâm thế chủ động ứng phó với thị trường và giải bài toán khủng hoảng thị trường. Theo ông Viên, ngay trong lúc này, DN nên tập trung đẩy mạnh doanh số, tăng thu và giảm chi; làm sao biến chuyển những chi phí hằng ngày như lương nhân công, điện, nước… thành những hình thức khoán doanh số bán hàng.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn chiến lược sản xuất, kinh doanh phương thức bán hàng theo hướng tăng doanh số, bảo toàn vốn. Đặc biệt, một trong những giải pháp hỗ trợ DN duy trì ổn định thị trường và không giẫm chân nhau là đẩy mạnh liên kết ngành. Phải thống nhất vai trò của từng đối tượng, ở từng khâu, tránh cạnh tranh không lành mạnh để tăng hiệu quả liên kết và phát triển bền vững trong chuỗi cung - cầu.
“Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cộng đồng DN như hoãn giãn nộp thuế thu nhập DN, ngân hàng giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ… Bản thân các DN cũng cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tìm kiếm đối tác mới, nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tránh quá phụ thuộc và một thị trường, đối tác…", ông Viên gợi ý.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, thiệt hại về sản xuất do Covid-19 gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, với các DN lúc này là phải bình tĩnh chấp nhận rủi ro này như một thử thách đau đớn và coi đó là cơ hội để các doanh nghiệp  liên kết lại với nhau và cùng đứng dậy.
“Chúng ta vẫn còn nhà xưởng máy móc người lao động vấn đề là phải sáng tạo để có những phương án vượt qua thách thức”, ông Doanh nói.
Theo Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.