Tạ Văn Sỹ với tình yêu Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước nay, bạn bè văn chương trong Nam ngoài Bắc ai cũng biết Tạ Văn Sỹ làm thơ, mà là thơ ra thơ chứ chẳng phải vè như nhiều “nhà thơ” khác. Anh còn được trìu mến gọi là “nhà thơ xe thồ”, “thi sĩ nông dân”.
Đến nay, nhà thơ Tạ Văn Sỹ đã trình làng 3 tập thơ “Trời xa”, “Mặt đất” và “Cõi người”. Nói chuyện với anh, thấy anh yêu thơ, yêu người đẹp, cũng là lẽ đương nhiên như bao thi sĩ khác trên mặt đất này. Nhưng đặc biệt là Tạ Văn Sỹ yêu... đất. Kon Tum, mảnh đất anh đã lớn lên, nếm trải những thương đau mất mát và hưởng những niềm vui nho nhỏ, mảnh đất anh một đời nhọc nhằn “cày” vã mồ hôi, cày trên đồng ruộng, cày trên đường ở mỗi cuốc xe ôm và “cày” miệt mài trên trang viết. Cho nên, mỗi góc phố, mỗi bụi cây bên đường, mỗi dòng suối, từng buôn làng ở mảnh đất Kon Tum này đều in đậm trong tâm hồn anh, đến độ có hôm buồn ngơ ngác. Gặng hỏi thì anh mới rưng rưng: “Trời ơi, cái cây ở chỗ ấy người ta chặt mất rồi!”.
Thì muốn đô thị rộng rãi khang trang, phải mở rộng đường ra, phải chặt cây cũ, trồng cây mới chứ. Tạ Văn Sỹ ngậm ngùi: “Bây giờ trông cái cây bên cạnh đó nó chơ vơ, nó đơn độc, nó lẻ loi, côi cút, tồi tội thế nào ấy mày ạ!”. Nghe mà tưởng như anh đang là cái cây bên cạnh, chứng kiến bạn mình bị “thịt” vậy.
 Nhà thơ Tạ Văn Sỹ. Ảnh: Đ.M.S
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ. Ảnh: Đ.M.S
Cứ ngỡ tình yêu của Tạ Văn Sỹ dành cho Kon Tum chỉ là nỗi buồn bâng quơ, là thoáng chạnh lòng thi sĩ trong quá trình đô thị hóa. Nào ngờ, trong anh còn một cấp độ sâu hơn của tình yêu, đó là yêu lịch sử bi thương và hào hùng, yêu văn hóa phong phú và đặc sắc của vùng đất này. Một dạo, khó tìm Tạ Văn Sỹ để “chém gió”, hỏi mới biết anh đi tìm… thơ. Ơ hay, thi sĩ đi tìm thơ trong tâm hồn mình chớ đâu phải đi... mót khoai đâu mà phải rong ruổi? Anh có vẻ bí mật lắm. Nhưng chỉ được vài ngày. Hôm gặp tôi, nhà thơ hồi hộp kể: “Vừa rồi, đang đêm, đi tìm một bài thơ ở Gia Lai về, tao gặp 2 thằng cướp nó rượt tao từ Pleiku đến thị trấn Phú Hòa. Chúng nó dữ lắm nhưng cuối cùng chúng nó thua tao”. “Anh dùng võ Tây Sơn nhà anh à?”. “Không, tao dùng kế. Chúng nó áp sát tao quá, tao tạt vào nhà dân bên đường dõng dạc hô to: “Ba về rồi, mấy thằng thanh niên chúng mày dậy, lấy rượu mời 2 người bạn đi với ba mau!”. 2 thằng kia nghe vậy quay đầu bỏ chạy.
Thì ra Tạ Văn Sỹ đang tập làm nhà biên khảo. Bẵng đi một thời gian không thấy nhà thơ gọi cà phê, mới hay anh tốn tiền đầu tư vào mua card điện thoại. Chắc là nhà thơ bỏ dự án biên khảo mà dại dột chạy theo bóng hồng nào rồi!
Một hôm Tạ Văn Sỹ gọi, giọng gấp gáp: “Ra ngay, việc trọng!”. Một là cưa đổ bóng hồng nào rồi, hai là vừa cắt đuôi được “đối tác” đeo bám nào chăng? Quán vắng người, anh ngồi ở một góc quán, tay ôm một cái túi to màu nâu đen, trông như tay buôn lậu đang đợi chuyển hàng cấm. Nhìn vẻ nghiêm trọng của anh, tôi thấy chột dạ. Chưa hỏi han được câu nào, Tạ Văn Sỹ đã vội run run mở túi lấy ra một tập sách, hai tay nâng niu như một báu vật, mắt nhìn lại lưu luyến lần nữa trước khi trao cho tôi. “Chú giữ lấy, quý lắm! Anh mất bao nhiêu là tâm lực, là thời gian và tiền điện thoại liên hệ xin bài, xin thông tin về tác giả đấy”-anh nói.
Trước mắt tôi là một tập sách đầy đặn, bìa cứng. 123 bài thơ của 123 tác giả từng gắn bó với Kon Tum hay viết về Kon Tum. Bìa do nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vẽ. Tiếp đó là một bài tổng quan do Tạ Văn Sỹ viết giới thiệu toàn bộ tiến trình thơ Kon Tum và lý do lựa chọn thơ của tác giả. Tập sách đã trân trọng đưa vào phần đầu những bài thơ của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày trong nhà ngục Kon Tum. Đây thực sự là tư liệu quý, giúp ta hiểu thêm về một thời anh hùng và bi tráng của những người tù cộng sản trên mảnh đất “rừng thiêng nước độc” một thời. Ở phần sau, tập thơ giới thiệu nhiều bài thơ của tác giả thơ ở Kon Tum hoặc viết về Kon Tum. Có nhiều bài thơ hay, có bài hay vừa, phản ánh một cách chân thực và sinh động suy tư, xúc cảm của nhiều thế hệ ở vùng đất cực Bắc Tây Nguyên, thực sự là một dàn đồng ca, đa thanh, đa nhịp điệu.
Tập sách cho thấy sự công phu và cách làm sách khá khoa học của một nhà thơ yêu quý và trân trọng giá trị tinh thần của bao người làm thơ. Đọc tập thơ, thấy rưng rưng trước bao điều tâm sự được tỏ bày trên trang giấy mà thêm quý, thêm trân trọng công sức của Sỹ, anh nhà thơ chân chất, giản dị đến thô mộc của chúng ta. Tình yêu Kon Tum đã thấm đẫm trong tâm hồn Tạ Văn Sỹ, rạo rực chảy trong huyết quản anh, để bây giờ thêm một lần nữa thể hiện một cách rõ ràng và sâu lắng theo cách riêng của một nhà thơ.
 ĐẶNG MINH SÁNG 

Có thể bạn quan tâm