Đăk Lăk: Hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP quy mô lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, sau khi có đánh giá xếp hạng, tùy theo thứ hạng, tỉnh Đăk Lăk sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm (SP) trên quy mô toàn tỉnh, toàn quốc và quốc tế.
Quảng bá đa phương tiện
Theo đề án Chương trình OCOP 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Đăk Lăk, tất cả các SP đạt từ 3-5 sao đều sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại. Theo đó, các SP được xếp hạng 3-5 sao sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên quy mô toàn tỉnh. Các SP đạt 3-5 sao cấp quốc gia được hỗ trợ xúc tiến quốc gia (trên toàn quốc và quốc tế).
Sau khi xác định các SP OCOP, các cơ quan, ban ngành sẽ tổ chức khảo sát, thu thập, phân tích thông tin và dự báo thị trường, từ đó đưa ra các nhận định về các SP này. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong tỉnh, trong nước và kết nối thông tin thị trường với Trung ương... từ đó cán bộ OCOP sẽ xử lý và biên tập thành các bản tin thị trường nhằm định hướng sản xuất kinh doanh.
 SP Trà mãng cầu của Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods (xã Ea Kly, huyện Krông Păk, Đăk Lăk)- một SP nằm trong đề án OCOP Đăk Lăk, được khách nước ngoài quan tâm.  (ảnh: Duy Hậu)
Về việc quảng bá SP sẽ được thực hiện trên nhiều phương diện, nhiều hình thức, đa phương tiện. Theo đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh được giao chủ trì xây dựng các Video Clip, tin bài quảng bá cho các SP có thứ hạng sao cao (từ 3-5 sao) trên sóng truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện.
Bên cạnh đó là việc xây dựng bộ nhận diện SP OCOP từ logo, slogan, thiết kế bao bì, nhãn mác SP, thùng chứa, bảng hiệu cơ sở sản xuất; mủ/áo cho các cơ sở mua bán SP OCOP tập trung; xây dựng xuất bản ấn phẩm, tạp chí chuyên đề OCOP và về các SP đạt thứ hạng cao (3-5 sao) quảng bá trên hệ thống tuyến du lịch.
Đồng thời, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cũng chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến giao thương, giới thiệu SP hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh đưa các SP tham gia OCOP vào hệ thống siêu thị, các kênh phân phối hiện đại trong tỉnh và trên toàn quốc như hệ thống siêu thị Co.opmart, siêu thị Vincom, trung tâm thương mại…
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh được giao chủ trì công tác thương mại điện tử. Theo đó, sở này sẽ chủ trì xây dựng sàn thương mại điện tử gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ và phát triển thương mại nông thôn và giới thiệu, quảng bá sàn thương mại điện tử của tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, tập huấn hướng dẫn cách sử dụng website thương mại điện tử hiệu quả. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quảng bá, giới thiệu, thực hiện mở các gian hàng và giao dịch thương mại điện tử miễn phí trên sàn thương mại điện tử của tỉnh; xây dựng cơ chế khuyến khích, quản lý phát triển thương mại điện tử. Hình thành và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch nông sản Đăk Lăk. Xây dựng và phát triển các website chuyên nghiệp giới thiệu và bán các SP Đăk Lăk có triển vọng tiêu thụ mạnh thuộc 6 nhóm mặt hàng đã thông kê, điều tra.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng được giao chủ trì tổ chức tập huấn mỗi năm cho khoảng 20 doanh nghiệp, doanh nhân về thương mại điện tử để đưa SP OCOP Đăk Lăk lên sàn thương mại điện tử Đăk Lăk; xây dựng thêm chuyên trang Nông sản Đăk Lăk trên sàn thương mại Đăk Lăk; đồng thời hỗ trợ từ 2-3 đơn vị xây dựng website chuyên trang để giới thiệu và bán các SP trong đó có các SP tham gia đề án OCOP Đăk Lăk.
Đưa sản phẩm đến người tiêu dùng 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng giao sở này tổ chức các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ SP (ít nhất 1 lần/năm); tổ chức lễ hội các SP nông nghiệp nông thôn tỉnh Đăk Lăk 1 lần/năm. Cùng với đó, tại các hội chợ triển lãm khác, ngân sách nhà nước cũng sẽ hỗ trợ một phần để các chủ thể đưa SP OCOP đến giới thiệu.

Cùng với các biện pháp quảng bá SP OCOP nói trên, UBND tỉnh giao Sở Công Thương mỗi năm tổ chức từ 1 đến 2 hội chợ OCOP với quy mô từ 50-80 gian hàng nhằm giới thiệu các SP tham gia OCOP và các SP chất lượng ở trong tỉnh đến người tiêu dùng trên địa bàn. Để thu hút người tham quan, mua sắm các hội chợ này sẽ chọn thời gian, địa điểm gắn với các lễ hội, các mùa du lịch...

Mỗi năm, tỉnh sẽ hỗ trợ cho khoảng 4 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các SP OCOP tham gia các hội chợ trong nước và nước ngoài để giới thiệu, ký kết và bán các SP OCOP.
Ngoài ra, tại các trung tâm, điểm bán hàng giới thiệu SP, siêu thị, chợ truyền thống… sẽ hình thành các điểm bán lẻ SP OCOP. Theo đó, hình thành và phát triển một số tuyến phố chuyên doanh theo từng ngành hàng, khu phố ẩm thực... ở các khu vực trung tâm thành phố... và tại các điểm du lịch để làm phố mua sắm hàng lưu niệm, thời trang, phục vụ khách du lịch; tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển các cửa hàng kinh doanh lương thực thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch được cơ quan nhà nước kiểm định và chứng nhận tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã và các khu vực đông dân cư.
Mỗi chợ trung tâm có ít nhất 1 cửa hàng giới thiệu và bán SP OCOP. Ở các địa điểm thích hợp tại các chợ huyện, thị xã, thành phố, các điểm dừng xe... xây dựng, nâng cấp các kiot, gian hàng để giới thiệu, quảng bá và bán SP OCOP.
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm