Những "người vác tù và" chống dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đồng hành với lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch là những già làng, trưởng thôn. Không ngại khó khăn, những “chiến sĩ” ấy vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng bảo vệ “vùng xanh” để cuộc sống trở lại bình thường.
“Lá chắn” giữ thôn làng bình yên
Ở tuổi gần 60 nhưng già làng Puih Phyim (làng Dọch Tung, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) vẫn luôn vui vẻ, nhanh nhẹn. Bà được người dân tin tưởng, kính trọng và là chỗ dựa tinh thần, trung tâm đoàn kết của ngôi làng miền biên viễn. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dân làng Dọch Tung đã được già làng Puih Phyim tới truyền đạt, nhắc nhớ việc thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch, nhất là thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, bà vận động dân làng không tiếp tay cho người vượt biên, khi phát hiện người lạ thì lập tức thông báo cho chính quyền và bộ đội Biên phòng để xử lý phù hợp. “Trước đây, người dân làng mình ít có thói quen dùng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Nhưng sau khi được già làng tới từng nhà nói rõ những quy định trong phòng-chống dịch, bà con đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tùy vào từng đối tượng, già Phyim có cách tuyên truyền khác nhau, vừa phù hợp lại dễ hiểu, dễ tiếp thu”-ông Siu Leih nhận xét.
Cùng tôi dạo một vòng quanh làng, già Phyim dừng lại nơi nhà rông. Bà đưa mắt ngắm nhìn đầy vẻ thân thương. Ngôi làng này thân thuộc với bà như máu thịt. Bà tự nguyện làm “lá chắn” bảo vệ sự yên bình của nó. Bà bảo: “Là nữ già làng nên mình có lợi thế riêng. Với người Jrai, mọi việc trong nhà phần lớn do người phụ nữ quyết định. Vì vậy, mình dễ tiếp cận với chị em phụ nữ, tạo mối quan hệ gắn kết thân tình, gần gũi để gặp gỡ, trao đổi kể cả việc chung lẫn chuyện riêng”. Nhờ vậy, nhận thức của bà con trong làng được nâng lên rõ rệt. Mỗi người một hành động nhỏ, họ chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Ông Rơ Châm Thon-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krai-cho biết: “Với vai trò là già làng, bà Phyim luôn giải quyết các công việc một cách hài hòa, thấu tình đạt lý. Bà như “cánh chim không mỏi” trong cuộc chiến chống dịch, bảo vệ thôn làng”.
Già làng Puih Phyim (bìa trái; làng Dọch Tung, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng-chống  dịch Covid-19. Ảnh: Trần Dung
Già làng Puih Phyim (bìa trái; làng Dọch Tung, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Dung
Những ngày trở trời, đôi chân già làng Ksor Hyuih (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đau nhức khiến việc đi lại rất khó khăn. Tuy vậy, ông không quản ngại mưa gió để đến từng nhà tuyên truyền về công tác phòng-chống dịch. Ông trầm ngâm nói: “Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố, tôi rất lo lắng. Là làng ven đô nên việc đi lại của người dân cũng khá phức tạp. Vì vậy, tôi làm mọi cách để bà con nắm đầy đủ và cụ thể từng nội dung trong các công văn của UBND tỉnh, TP. Pleiku cũng như chỉ đạo của UBND phường về phòng-chống dịch để nghiêm túc thực hiện”. Nghĩ là làm, già Hyuih cùng với lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như: pa nô, loa di động... Mặt khác, già còn trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để dân làng hiểu rõ hơn các quy định phòng-chống dịch. 
ông Ksor Hyuih-già làng Bruk Ngol (phường Yên Thế, TP. Pleiku luôn tin rằng, khi dịch bệnh được đẩy lùi, tiếng cồng chiêng của làng trong các lễ hội sẽ lại ngân vang… Ảnh Trần Dung
Già làng Ksor Hyuih (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP. Pleiku) luôn tin rằng, khi dịch bệnh được đẩy lùi, tiếng cồng chiêng của làng trong các lễ hội sẽ lại ngân vang. Ảnh: Trần Dung
Gương mẫu, uy tín, nói đi đôi với làm và rất có năng lực vận động quần chúng là nhận xét của hầu hết người dân làng Bruk Ngol dành cho già Hyuih. Ông Ksor Mien bộc bạch: “Đã thành thói quen, gần 10 năm qua, sáng nào già Hyuih cũng dành thời gian dạo một vòng quanh làng. Già là “thủ lĩnh tinh thần” của dân làng Bruk Ngol từ năm 2013 đến nay. Trong suốt khoảng thời gian ấy, già Hyuih luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện cuộc sống. Còn hôm nay, khi dịch bệnh xuất hiện, già Hyuih lại cùng dân làng phòng-chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Nếu trước đây, dân làng Bruk Ngol thường tập trung làm rẫy thì nay họ nghe lời già Hyuih, ruộng nhà ai nấy làm, không tụ tập đông người. Các lễ hội trong làng cũng được tạm hoãn để phòng dịch. Có già Hyuih, chúng tôi vững tâm hơn rất nhiều”.
Già Hyuih cho rằng, các lực lượng nơi tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống chọi với đại dịch thì ở hậu phương, già cùng dân làng cố gắng làm tốt những gì có thể để chung tay phòng-chống dịch. “Với tất cả những gì chúng ta đã làm được và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, già tin rằng cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ thắng lợi”-già Hyuih khẳng định.
Những “chiến binh” không mỏi
Trời vừa hửng sáng, ông Siu Bro-Trưởng thôn Bloi (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đã có mặt ở nhà rông để dán lại một số thông báo về công tác phòng-chống dịch Covid-19. Anh Vũ Hồng Trường-công chức Văn hóa-Xã hội UBND thị trấn Ia Ly nói về vị trưởng thôn bằng sự kính phục: “Suốt hơn 10 năm làm trưởng thôn, ông Siu Bro luôn hết lòng vì dân làng và chưa cho phép mình có một ngày ngơi nghỉ, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Trong quá trình tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gần đây là các quy định trong phòng-chống dịch Covid-19, ông Bro khéo léo chuyển sang tiếng Jrai với nội dung ngắn gọn, đúng, đủ, rõ ràng để bà con dễ tiếp nhận và làm theo”.
Trưởng thôn Siu Bro luôn được người dân tin yêu, kính mến bởi những cống hiến thầm lặng của ông .  Ảnh Trần Dung
Ông Siu Bro-Trưởng thôn Bloi (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) hướng dẫn người dân cách phòng dịch. Ảnh: Trần Dung
Hình ảnh ông Bro chở chiếc loa phát bằng tiếng Jrai chạy dọc các con đường trong làng đã trở nên quen thuộc với bà con nơi đây. Lau vội giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông Bro cho hay: “Làng mình có 170 hộ với 763 khẩu, 100% là người Jrai. Đó là một lợi thế để mình tuyên truyền, vận động. Trong tình hình hiện nay thì trách nhiệm và quyết tâm của mình càng phải cao hơn, không để bà con hoang mang hay chủ quan trước dịch bệnh”. Nhờ sự nhắc nhở, tuyên truyền của Trưởng thôn Bro, người dân đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Bà Siu Kríu phấn khởi kể: “Khi gia đình tôi có người đi làm ăn xa trở về phải cách ly ở nhà, ông Bro đã tới động viên và hướng dẫn cách phòng dịch. Ngoài ra, ông còn vận động mọi người trong làng mang thực phẩm tới hỗ trợ gia đình”. Với dân làng Bloi, ông Bro đã trở thành “cầu nối” để những chủ trương, chính sách, biện pháp phòng-chống dịch đến gần với người dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, chiến đấu với đại dịch và góp phần cho cuộc sống được an toàn, bình yên.
Khi TP. Pleiku hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân thôn 3 (xã Diên Phú) rất vui mừng. Mọi người đều yêu mến nhắc đến người “vác tù và hàng tổng” Hoàng Văn Kiểm-Trưởng thôn ngày đêm nỗ lực để nắm bắt và chỉ đạo công tác phòng-chống dịch trong thôn. Ông là người tiên phong tham gia tổ Covid cộng đồng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giám sát. Gần 300 hộ dân trong thôn được phân bố rải rác trên địa bàn rộng nhưng thôn 3 luôn là một trong những “vùng xanh” vững chắc của xã.
Ông Hoàng Văn Kiểm (bìa trái; Trưởng thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku) trao đổi với người dân về công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Trần Dung
Ông Hoàng Văn Kiểm (bìa trái; Trưởng thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku) trao đổi với người dân về công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Trần Dung
Ông Kiểm trực tiếp kéo loa tay vào đến những ngõ nhỏ để tuyên truyền, vận động bà con phòng-chống dịch. Khi được hỏi về sự vất vả, ông xua tay cười xòa: “Có gì đâu, mình còn sức khỏe thì phải góp phần vào “trận chiến” chống dịch Covid-19. Khi nghe tiếng loa tuyên truyền lưu động với những thông điệp về cách phòng-chống dịch bệnh trực tiếp mỗi ngày, bà con sẽ nâng cao nhận thức và chủ động hơn, trách nhiệm hơn”. Điều đặc biệt, vị trưởng thôn này còn nhanh nhạy lập nhóm phòng-chống dịch của thôn trên Zalo, Facebook để cập nhật thông tin và tình hình trong thôn, ai đến, ai đi, rà soát toàn bộ biến động của thôn. “Ban đầu triển khai tuyên truyền trên nhóm Zalo, tôi khá lo lắng vì sợ nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhưng rất ngạc nhiên là ngay từ những bước đi đầu tiên, tôi đã thành công khi vận động được bà con sử dụng Zalo và cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone”-ông Kiểm vui mừng chia sẻ.
Nhận xét về những đóng góp của ông Kiểm, Chủ tịch UBND xã Diên Phú Nguyễn Thị Thúy Diễm cho hay: “Ông Kiểm là cán bộ thôn rất trách nhiệm, nhiệt tình, đặc biệt là sát cánh cùng xã trong quá trình phòng-chống dịch. Ông luôn chủ động trong mọi việc. Đúng như tinh thần “Mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một “pháo đài” phòng-chống dịch”, người dân thôn 3 đã chủ động, bình tĩnh, tự tin, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là. Đến nay, thôn không có ca bệnh nào, đời sống của người dân cũng ổn định”. 
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.