Làm thế dân được nhờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù có "luyến tiếc" kiểu này kiểu khác, việc bỏ sổ hộ khẩu vẫn là cần thiết, là ích nước lợi nhà. Bỏ sổ hộ khẩu là bỏ cái cũ chuyển sang cái mới, tiến bộ hơn, thuận tiện hơn cho công dân.

Sổ hộ khẩu được khai tử là dân được nhờ - Ảnh minh họa: T.L
Sổ hộ khẩu được khai tử là dân được nhờ - Ảnh minh họa: T.L


Tại thảo luận về dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) sáng 10-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu đẩy nhanh tiến trình khai tử sổ hộ khẩu. Bà Ngân nhấn mạnh: "Cái gì thuận tiện cho dân, hiện đại thì ta làm, đừng luyến tiếc thủ tục hành chính rườm rà". Bà còn tâm sự: "Tôi từng bị mất hộ khẩu, làm lại rất vất vả, khai tới khai lui".

Việc đề xuất bỏ sổ hộ khẩu có từ mấy năm qua nhưng mãi chưa thực hiện được, có ý kiến còn cho rằng nên kéo dài sự tồn tại của nó cho tới năm 2025. Thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt, vậy mà quy trình bỏ sổ hộ khẩu lại khá chậm chạp khiến người dân sốt ruột.

Tình trạng "luyến tiếc" sổ hộ khẩu là có thật. Một số người trong bộ máy nhà nước chỉ thích buộc người dân hai tay trình giấy, vừa oách vừa có cớ để hạch hỏi, lại nhàn nhã khi không phải mò mẫm xác minh trong hệ thống mã số định danh cá nhân. Như thế há chẳng phải nhất cử lưỡng tiện?

Nhưng không riêng mấy anh có chức quyền, khối người dân cũng "luyến tiếc" cái sổ hộ khẩu, đặc biệt là những người "luống tuổi". Không "luyến tiếc" sao được, mấy chục năm qua họ gắn bó đời mình với sổ hộ khẩu vốn nhiều nỗi buồn nhưng ít niềm vui. Bây giờ bỗng chống chếnh khi không còn thấy sổ hộ khẩu nằm trong góc tủ, cạnh đủ thứ giấy tờ quý giá hoặc quan trọng khác.

Với nhiều người, chia tay với sổ hộ khẩu đồng nghĩa với chia tay với một thời quá khứ chứa đựng bao kỷ niệm khó quên. Rồi một ngày nào đấy họ sẽ thấy lạ bởi không còn thấy cán bộ hỏi: "Sổ hộ khẩu đâu?".

Thậm chí dân mình sẽ không còn nhớ đến câu mà nhiều năm qua ai cũng nói, cũng biết: "Ngơ ngác như mất sổ hộ khẩu"...!

Dù có "luyến tiếc" kiểu này kiểu khác, việc bỏ sổ hộ khẩu vẫn là cần thiết, là ích nước lợi nhà. Bỏ sổ hộ khẩu là bỏ cái cũ chuyển sang cái mới, tiến bộ hơn, thuận tiện hơn cho công dân.

Sổ hộ khẩu vốn chỉ có giá trị xác định nơi cư trú nhưng đã gây nhiều rắc rối cho công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính. Bỏ sổ hộ khẩu không làm thay đổi bản chất quản lý, chỉ thay đổi từ kiểu quản lý thủ công chồng chéo, phức tạp sang ứng dụng công nghệ thông tin. Bỏ sổ hộ khẩu là giúp cho công dân khỏi phải sao y, trình xuất nhiều giấy tờ, gây phiền hà tốn kém, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Sổ hộ khẩu cũng chẳng còn ích gì khi Bộ Công an hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nói tóm lại, sổ hộ khẩu đã lỗi thời, hoàn thành vai trò lịch sử, không có "lý do, lý trấu" nào để nó góp mặt mãi trên đời này.

Nhưng sao chỉ nghĩ đến bỏ sổ hộ khẩu? Trong bao la của thủ tục hành chính, còn có không ít thứ giấy tờ cần mạnh dạn "số hóa" cho dân nhờ. Hiện người dân vẫn rất đau đầu trước hàng đống giấy tờ, tốn công sức, tiền bạc vì nó.

Cơ quan hữu trách nên nghiên cứu các loại giấy tờ liên quan tới đời sống của dân như thuế, nhà đất, ngân hàng, học hành, khám chữa bệnh... và sớm "định đoạt" số phận nó như sổ hộ khẩu, đồng thời từng bước liên kết, cập nhật tất cả các loại giấy tờ vào mã số cá nhân, tiến tới gõ một cái trên bàn phím là có đầy đủ thông tin về một người nào đấy mà không cần phải hỏi giấy này giấy nọ.

Làm thế, dân được nhờ!

Theo LÊ THANH TÂM (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).