Có nên ghi hình thức đào tạo vào bằng đại học?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới đây đã công bố dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều quan niệm trái ngược nhau. Ở bài viết này, chúng tôi xin có mấy nhận xét xung quanh việc ghi nội dung trên văn bằng đại học sao cho phù hợp để chủ thể và các đối tượng sử dụng bằng cấp được dễ dàng, thuận lợi nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến việc sẽ bỏ phân loại chính quy hay tại chức, xếp loại tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp đại học. (Ảnh: HN/ nguồn LĐO)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến việc sẽ bỏ phân loại chính quy hay tại chức, xếp loại tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp đại học. (Ảnh: HN/ nguồn LĐO)
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019, ở Điều 38 về văn bằng giáo dục đại học có ghi: “1. Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương… 3. Cơ sở giáo dục đại học thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; công bố công khai mẫu văn bằng, thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học”. Luật này cũng quy định: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng…”.
Như vậy, vấn đề về luật định đã rõ và việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo thông tư mới có 10 nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp đại học để tham khảo lấy ý kiến là việc bình thường và có thiện chí. Vấn đề được bàn cãi là trong các nội dung mới đưa ra trong dự thảo thông tư này so với nội dung ghi trên văn bằng giáo dục đại học trước nay (theo Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT ngày 24-5-2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp đại học) thì đã bỏ đi 2 thông tin thiết yếu: một là lược bỏ hình thức đào tạo ghi trên bằng: chính quy, vừa học vừa làm, học từ xa, tự học có hướng dẫn; hai là ghi xếp loại tốt nghiệp: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá và trung bình. Còn việc ghi ngành đào tạo cụ thể thì các cơ sở giáo dục đại học trước nay đã thể hiện rõ trên văn bằng: ngành kỹ thuật ghi cụ thể kỹ sư, kiến trúc sư; ngành y-dược ghi bác sĩ, dược sĩ hoặc cử nhân; các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế… ghi cử nhân.
Theo ý kiến một số nhà giáo và chuyên gia trong ngành GD-ĐT thì việc thay đổi cách ghi nội dung trên văn bằng giáo dục đại học là để phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung cũng như tiệm cận với cách ghi bằng cấp của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, trong các cơ sở giáo dục đại học ở các nước: Anh, Mỹ, Đức… họ giao cho các trường đại học quyết định về mẫu bằng và nội dung ghi trên bằng. Về hình thức đào tạo, ở các nước thường có 2 loại hình là full time (chính quy) và part time (vừa học vừa làm), nhưng đa phần họ không ghi trên bằng cấp mà chỉ thể hiện trên bảng điểm. Còn về xếp loại thì nhiều trường không thể hiện trên văn bằng, cũng có một số trường đại học ghi nhưng chỉ ghi loại xuất sắc (first class), còn giỏi, khá trở xuống không ghi như Đại học Durham (Vương quốc Anh). Ở Nga thì họ dùng bằng tốt nghiệp màu đỏ cho loại xuất sắc, còn lại đều màu xanh. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là đa phần giáo dục đại học ở các nước tiên tiến đều đào tạo theo tín chỉ, có sự kiểm soát chặt chẽ ở đầu vào và đầu ra nên dù hình thức đào tạo nào thì chất lượng cũng như nhau. Đối với các cơ sở sử dụng nhân lực thì bằng cấp chỉ là thủ tục và tham khảo, việc tiếp nhận hay không tùy thuộc vào năng lực thực tế qua kỳ phỏng vấn sát hạch.
Còn đối với giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng không nên quá cứng nhắc việc ghi hay không ghi nội dung về hình thức đào tạo và xếp loại vào bằng tốt nghiệp đại học mà để các cơ sở giáo dục tự chủ, nhưng phải đúng luật (tức không phân biệt hình thức đào tạo chính quy với các hệ đào tạo không chính quy). Tuy nhiên, các trường đại học phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; dù hình thức đào tạo nào cũng phải thống nhất một đầu vào và một đầu ra, không có trường hợp ngoại lệ cho các hệ đào tạo khác nhau. Hiện nay, chất lượng đào tạo hệ chính quy và không chính quy đang có khoảng cách nhất định nên dư luận không đồng tình với việc bỏ nội dung ghi trên bằng về hình thức đào tạo. 
Chúng ta cần tránh các khuynh hướng cho rằng, bằng cấp là không quan trọng mà căn cứ vào thực tế làm việc, giải quyết vấn đề như thế nào. Ngược lại, cũng không nên quá chú trọng vào bằng cấp, vì thực tế có nhiều người cầm bằng giỏi, xuất sắc nhưng hiệu quả công việc rất thấp, không bằng người có học lực trung bình. Học tập có tri thức tốt là một việc nhưng kỹ năng áp dụng vào thực tế đời sống, lao động là việc khác, đòi hỏi có sự học tập và rèn luyện, phấn đấu không ngừng của mỗi người theo mục tiêu đề ra.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).