Krông Pa hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Năm 2011, Krông Pa có 6.425 hộ đồng bào DTTS nghèo, chiếm trên 80,1% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Để giảm hộ nghèo, huyện đã triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền, các ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn triển khai thực hiện cuộc vận động một cách quyết liệt, có chiều sâu. Trong đó, huyện ưu tiên hỗ trợ hộ đồng bào DTTS đầu tư về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, điện nước, hỗ trợ bảo hiểm y tế khám-chữa bệnh, hỗ trợ học tập cho con em đồng bào DTTS và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu… Đến cuối năm 2021, toàn huyện còn 3.318 hộ đồng bào DTTS nghèo.

 Người dân tham quan mô hình trồng giống lúa mới SHPT3 tại xã Ia Rmok. Ảnh: Lê Nam
Người dân tham quan mô hình trồng giống lúa mới SHPT3 tại xã Ia Rmok. Ảnh: Lê Nam


Năm 2020, gia đình ông Nay Hoa (buôn Ia Jip, xã Chư Drăng) vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thông qua ủy thác của Hội Nông dân huyện để chăn nuôi dê. Ông Hoa cho biết: “Dê dễ chăm sóc và phát triển đàn nhanh, cứ 2 năm thì đẻ 3 lứa, mỗi lứa 1-3 con. Đến nay, với mô hình chăn nuôi dê, bò, gia đình tôi đã trả xong nợ ngân hàng, làm được ngôi nhà khang trang và có cuộc sống ổn định hơn”.

Trước đây, gia đình chị Rơ Châm HVót (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) cũng thuộc diện hộ nghèo. Từ năm 2016, sau khi tham gia tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và được hướng dẫn chi tiêu trong gia đình hợp lý, tiết kiệm, gia đình chị đã thoát nghèo. “Nhà tôi có gần 3 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây mì cho năng suất cao hơn. Ngoài ra, tôi còn áp dụng luân canh giữa cây mì với các cây ngắn ngày khác như: mè, đậu đen, bắp. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tiết kiệm 30-50 triệu đồng. Hiện nay, gia đình đã làm được căn nhà sàn rộng 90 m2, có xe máy, ti vi và có điều kiện lo cho con học hành”-chị HVót vui vẻ nói.

Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã lồng ghép triển khai các phong trào như: “Vận động hộ hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, “Nói không với tín dụng đen”, “Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, vận động hộ phụ nữ DTTS tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn vay và hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu như: ma chay, cưới hỏi tổ chức dài ngày, mê tín dị đoan... Bà Phan Thị Chương-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện-cho hay: “Với số tiền tiết kiệm được, chị em sẽ có điều kiện để chăm lo cho con em mình học tập, mua sắm các vật dụng thiết yếu hoặc tái đầu tư sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

Người dân buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây thuốc lá. Ảnh: Lê Nam
Người dân buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây thuốc lá. Ảnh: Lê Nam


Trao đổi với P.V, bà Cao Thị Viễn Phương-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ đồng bào DTTS có chuyển biến tích cực trong nhận thức, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo. Cuộc vận động cũng đã đi vào chiều sâu, nhằm góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

“Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ban ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động. Đồng thời, nhân rộng mô hình đến các buôn, làng có đồng bào DTTS sinh sống, mỗi buôn chọn 4-5 hộ làm điểm để tuyên truyền, vận động giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo. Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trích từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ mỗi xã 3-5 hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”-bà Phương thông tin thêm.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.