Chuyện ít biết về cuộc tháo chạy khỏi Pleiku 46 năm trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 14-3-1975, giới chóp bu của chế độ Sài Gòn gồm: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên vội vã bay ra Cam Ranh nghe Thiếu tướng Phạm Văn Phú-Tư lệnh Quân đoàn và Quân khu 2 ngụy thuyết trình về tình hình Tây Nguyên. Phạm Văn Phú báo cáo với Thiệu: “Chúng tôi đã cho Trung đoàn 44 và 45 giải tỏa Buôn Ma Thuột, nhưng lực lượng đối phương quá mạnh, đẩy lùi lực lượng tăng viện chúng ta về phía Đông quốc lộ 21. Ở Kon Tum và Pleiku, quân địch đánh mạnh vào Liên đoàn 23 biệt động quân, phi trường Cù Hanh bị pháo kích liên tục. Ở phía Đông quốc lộ 19, Trung đoàn 95 Cộng sản đánh mạnh vào Liên đoàn 4 biệt động quân và Thiết đoàn 3 kỵ binh, đã có 12 thiết giáp bị cháy…”.
Nghe xong, Thiệu hỏi Phú: “Đứng trước sự kiện đó anh nghĩ sao?”. Phú trả lời: “Xin giữ Buôn Ma Thuột mọi giá! Tôi sẽ ở lại Pleiku và hy vọng sẽ giữ được nó trong vòng 1 tháng, với điều kiện Tổng thống và tướng Viên bảo đảm yểm trợ hỏa lực không quân tối đa và bổ sung quân số cho tôi như cũ…”. Nguyễn Văn Thiệu ngán ngẩm lắc đầu và chỉ thị cho Phú: “Quân viện bị cúp, đạn và tiền đều thiếu. Địch đánh mạnh hơn năm 1968, 1972. Chúng ta không thể giữ nổi cao nguyên nữa. Tôi ra lệnh rút về giữ vùng duyên hải”.
Thế là, kế hoạch bỏ Tây Nguyên đã được định đoạt. Số phận Quân khu 2 ngụy cũng được khai tử.   
Từ Cam Ranh về, ngay tối 14-3, Phạm Văn Phú triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ở thị xã Pleiku, trình bày lại chỉ thị của Thiệu và ra lệnh rút khỏi Kon Tum, Pleiku. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm được giao thiết lập kế hoạch rút quân. Sợ lộ kế hoạch, chúng quyết định dùng mật lệnh từng giai đoạn rút, không phổ biến rộng rãi. Theo chỉ thị của Nguyễn Văn Thiệu, không được thông báo trước cho các tỉnh trưởng. Ai biết thì rút, không biết thì ở lại Tây Nguyên. Lý do là dùng lực lượng địa phương ở lại chống đỡ để bảo vệ cho chủ lực rút an toàn, mặt khác để đánh lạc hướng sự chú ý của đối phương, giữ bí mật cho cuộc tháo chạy.
Ngay chiều hôm sau, 15-3, Phạm Văn Phú và Bộ Tư lệnh nhẹ của Quân đoàn và Quân khu 2 ngụy rời khỏi Pleiku. Trước khi đi, Phú triệu tập Lê Khắc Lý-Tham mưu trưởng Quân đoàn, Đại tá Ya Ba-Tỉnh trưởng Pleiku ra lệnh đốt 30 triệu bạc còn lại ở Ty Ngân khố Pleiku để “khỏi lọt vào tay” Việt cộng.
Tướng Tư lệnh đã chuồn rồi, lòng quân làm sao mà yên được? Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Pleiku-Đại tá Ya Ba mặc dù được lệnh “Phải sống chết với dân” nhưng đến lúc này không thể không lo đến tính mạng và tài sản của mình. Vì vậy, ngay đêm đó, y đã tổ chức một nhóm gồm những người tin cậy bí mật rời khỏi Pleiku.
Cũng từ đêm 15-3, Sư đoàn 6 không quân ngụy liên tục chở quân nhân và gia đình từ Sân bay Pleiku về Nha Trang.
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Mặc dù kế hoạch rút khỏi Tây Nguyên rất nghiêm mật nhưng chả mấy chốc đã lan truyền ra dân chúng, gây nên một tâm lý hoang mang, lo sợ bao trùm nhất là các gia đình có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa. Quần chúng xôn xao. Họ vội đi mua gạo, mua than, mua dầu lửa, đồ hộp dự trữ làm giá cả tăng vọt. Để trấn an dân chúng, một chiếc xe của Ty Thông tin Pleiku chạy khắp đường phố phát thông báo lừa phỉnh: gạo đủ ăn cho Nhân dân 6 tháng, dầu lửa đủ dùng 3 tháng… Tuy vậy, phòng bán vé máy bay vẫn đông nghịt và giá vé máy bay Pleiku đi Sài Gòn đã lên tới 40 ngàn đồng. Một số sĩ quan, công chức, nhà buôn có thế lực vẫn tiếp tục đưa gia đình di tản bằng mọi phương tiện. Từ đêm 15-3, chính quyền ngụy ở thị xã Pleiku hoàn toàn không kiểm soát được tình hình. Lợi dụng sự hỗn loạn ngày một gia tăng, bọn trộm cắp, các băng cướp tự do xông vào các nhà hàng, cửa hiệu cướp tiền vàng. Trước tình hình đó, một số viên chức vội đến công sở hỏi xem tình hình ra sao thì đều được trả lời: “Hãy an tâm chờ đợi, chưa có lệnh gì mới (!)”. Để trấn an tinh thần dân chúng, ngày 16-3, tướng Cẩm đã lệnh cho Liên đoàn 22 Biệt động quân từ Chư Pao về giữ an ninh cho thị xã Pleiku. Nhưng khi về đến thị xã Pleiku, trước tình cảnh tuyệt vọng và bất lực của chính quyền, một số binh lính đã bỏ hàng ngũ chạy về với gia đình, số đông lợi dụng “đục nước béo cò” tham gia vào đội quân cướp bóc làm cho tình hình càng thêm bi thảm.
Đêm 16-3, các đơn vị công binh, thiết giáp bắt đầu rút, trong doanh trại lính đốt hồ sơ, hủy đạn dược, xăng dầu. Thấy vậy, dân chúng cũng chạy theo bằng đủ các loại phương tiện. Cuối cùng thì chẳng có lệnh gì. Mạnh ai nấy chạy. Đêm đó, thị xã Pleiku sáng rực với những đám cháy khắp nơi, súng các cỡ thi nhau nổ cộng với tiếng kêu khóc bên đường của những người chạy bộ tạo nên một cảnh tượng thật khủng khiếp. Một số người may mắn mang theo được một ít tiền, vàng và leo lên được xe nhà binh nhưng dọc đường lại bị bọn lính cướp sạch, nhiều phụ nữ còn bị chúng hãm hiếp dọc đường và cuối cùng đều nằm lại ở thung lũng Cheo Reo (thị xã Ayun Pa ngày nay). Tại đây, họ đã được các chiến sĩ Quân Giải phóng kịp thời cứu giúp, đưa trở lại gia đình. Đến đây, hầu hết chỉ còn hai bàn tay trắng, nhưng mọi người đã nhận ra và hối tiếc một thời đã quá tin vào sự hào nhoáng của một chế độ tay sai mục ruỗng.
Sau này trong trại cải tạo, các tướng ngụy: Trần Văn Cẩm, Lê Văn Thân, Nguyễn Ngọc Sang, Phạm Duy Tất… đã khai báo nhiều sự thật về cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 và đều thú nhận: Pleiku đã bị bỏ ngỏ!
HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.