Pleiku: Bao giờ xanh bóng kơ nia?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh đề xuất: “Thành phố Pleiku nên trồng cây kơ nia ở một vài tuyến phố và một số điểm du lịch như: công viên, nhà rông, giọt nước… Cây kơ nia vừa có dáng thế đẹp, vừa có ý nghĩa biểu tượng nên rất phù hợp cho việc “check-in” của du khách khi đến Phố núi”. 


"Buổi sáng em lên rẫy/Thấy bóng cây kơ nia/Bóng ngả che ngực em/Về nhớ anh, không ngủ… Buổi chiều mẹ lên rẫy/Thấy bóng cây kơ nia/Bóng tròn che lưng mẹ/Về nhớ anh mẹ khóc...". Từ lâu, bài thơ "Bóng cây kơ nia" của Ngọc Anh đã được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng vì ngắn gọn, dễ hiểu mà thể hiện được tình cảm tha thiết giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp và giữa con người với nhau. Đặc biệt, từ khi bài thơ được phổ nhạc, hình ảnh bóng cây kơ nia cùng với người phụ nữ Tây Nguyên trở nên lấp lánh và thi vị vô cùng.

Mặc dù cây kơ nia có mặt từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ nhưng phổ biến nhất ở khu vực Tây Nguyên. Với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, ngoài tác dụng lấy bóng mát và làm thức ăn từ hạt, cây kơ nia còn mang ý nghĩa tâm linh. Ngoài ra, với đặc tính chống chịu với điều kiện khắc nghiệt, kơ nia còn là biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất của đồng bào Tây Nguyên.

Theo một số tài liệu khoa học, cây kơ nia (cây cầy) có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Kơ nia là loài cây gỗ lớn, thường xanh, cao 15-30 m với đường kính thân 40-60 cm.

Tán cây hình trứng, rậm rạp, màu xanh thẫm có nhiều cành con màu nâu, nhiều bì khổng. Lá đơn mọc chụm ở đầu cành, mặt trên lá có màu xanh bóng, mặt dưới màu xanh nhạt. Hoa kơ nia nhỏ, màu trắng. Quả hình trái xoan, khi chín quả có màu vàng nhạt. Với những đặc điểm như: tán xòe rộng, chống chịu được nắng hạn và ít bị gãy đổ, loài cây này rất phù hợp khi trồng làm cây cảnh quan tạo bóng mát hoặc cây công trình.

Cây kơ nia được trồng trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Vi
Cây kơ nia được trồng trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Vi

Tuy là loài cây quý nhưng theo thời gian, kơ nia dần vắng bóng ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Nguyên nhân là do người ta chặt hạ kơ nia lấy gỗ và vấn nạn phá rừng làm nương rẫy. Trong khi đó, do đặc điểm rễ cọc ăn sâu vào lòng đất nên rất khó di thực. Ngoài ra, vỏ hạt kơ nia rất dày nên rất khó ươm.

Sau một thời gian dành nhiều tâm sức nghiên cứu, kỹ sư lâm nghiệp Nhữ Văn Vẻ-nguyên cán bộ Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã nhân giống thành công loài cây này. Những năm sau đó, ông Vẻ cung cấp cây giống để trồng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) cũng như khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đặc biệt, ông còn được tỉnh đặt hàng cây giống và trực tiếp trồng một số cây kơ nia tại Lăng Bác, Ba Vì, Tam Đảo. Theo thông tin từ ông Vẻ, hầu hết số cây này đều phát triển xanh tốt.

“Việc ươm trồng kơ nia khá phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao. Tuy nhiên, một khi đã bén rễ thì sức sống của loài cây này rất mãnh liệt, rễ ăn rất sâu vào lòng đất”-ông Vẻ chia sẻ.

Khi chúng tôi nêu ý tưởng trồng kơ nia tại một số tuyến đường và khu vực công cộng ở Pleiku, ông Vẻ cho rằng bản thân ông cũng đã từng có đề xuất như vậy, nhưng không thấy cơ quan chức năng có ý kiến gì. Khi đến Phố núi Pleiku, nhiều du khách mong muốn được “mục sở thị” cây kơ nia nhưng hoàn toàn không dễ.

Một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh đề xuất: “Thành phố Pleiku nên trồng cây kơ nia ở một vài tuyến phố và một số điểm du lịch như: công viên, nhà rông, giọt nước… Cây kơ nia vừa có dáng thế đẹp, vừa có ý nghĩa biểu tượng nên rất phù hợp cho việc “check-in” của du khách khi đến Phố núi”.

Những năm qua, cấp ủy và chính quyền TP. Pleiku đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Để xây dựng Pleiku theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, thiết nghĩ, chính quyền thành phố cần tập trung quy hoạch và phát triển hệ thống cây xanh. Về chủng loại, thành phố nên ưu tiên các loại cây bản địa mang đặc trưng của vùng đất cao nguyên, trong đó có cây kơ nia.

DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.