Gia Lai: Đột phá từ những chương trình trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, sát với tình hình thực tế nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định 4 chương trình trọng tâm. Đó là tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bứt phá về kinh tế

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho biết: Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện 2 trong 4 chương trình trọng tâm. Đó là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch nhằm phát huy hết các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.

Ký kết giữa Sở kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần Tập đoàn Alphanam. Ảnh: Kim Linh
Ký kết giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần Tập đoàn Alphanam. Ảnh: Kim Linh

“Các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài được tỉnh chú trọng. Theo đó, thời gian tới, Sở tập trung rà soát, tham mưu giúp UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án lớn. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu giải pháp.

Đối với huyện Krông Pa, ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy-cho hay: Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông-lâm nghiệp; xây dựng cánh đồng lớn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế dưới tán rừng, hình thành vùng chuyên canh rau, hoa, cây ăn quả, vùng sản xuất cây dược liệu… Khai thác tối đa tài nguyên đất nông nghiệp để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; khuyến khích thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vốn là lợi thế lớn của huyện.


Trong khi đó, 1 trong 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Pleiku lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) là phát triển du lịch. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các điểm du lịch trên địa bàn như: Công viên Diên Hồng, thắng cảnh Biển Hồ, các làng nông thôn mới, làng văn hóa du lịch, khu phố ẩm thực, chợ đêm gắn với phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, tâm linh, lịch sử, cộng đồng; phát triển mạnh các ngành nghề và giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương.

Ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao

Trồng rau công nghệ cao tại Công ty Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Trồng rau công nghệ cao tại Công ty Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Bên cạnh ưu tiên phát triển du lịch, Đảng bộ TP. Pleiku cũng tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết chuyên đề về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã An Phú và xã Chư Á, từ đó nhân rộng ra toàn thành phố. Mục tiêu là chuyển đổi 100% diện tích đất lúa 1 vụ sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phấn đấu đến năm 2025 bình quân đạt 350 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2030 bình quân đạt 400 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân: Để đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra, thành phố vận động Nhân dân đổi mới tư duy, cách thức sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách “dồn điền đổi thửa”, “tập trung ruộng đất”, tạo động lực phát triển nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là rau xanh, hoa thương phẩm chất lượng cao.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian tới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ tập trung theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để vươn ra thị trường lớn. Việc thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng này là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành.

Phát triển lâm nghiệp bền vững

Quan tâm đến nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp của tỉnh, ông Ksor Phước-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy-cho rằng: Thu hút đầu tư là việc cần thiết song phải đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích. “Diện tích rừng trồng tăng lên, song tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn tiếp diễn. Vì thế, các ngành chức năng phải kiên quyết xử lý, giải quyết để giữ được rừng, vì đây là tài nguyên vô cùng quan trọng và bền vững”-ông Ksor Phước nhấn mạnh.

  Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên


Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sở có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình trọng điểm để cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết. Trong đó, huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao hạ tầng sản xuất lâm nghiệp; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp hình thành các nhà máy thu mua nguyên liệu cho người dân. Mục đích hướng đến là nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; tạo sinh kế cho bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thông qua phát triển kinh tế xanh, kinh tế rừng.  

Nâng cao hiệu quả công tác cán bộ

Bàn về vấn đề xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ông Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy-khẳng định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu của nhiệm kỳ mới. Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về công tác cán bộ ở địa phương để triển khai thực hiện phù hợp, đúng quy định; xây dựng tiêu chí đánh giá, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ; thực hiện phương châm “động” và “mở” trong xây dựng quy hoạch cán bộ.

Quan tâm chương trình trọng tâm về công tác cán bộ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới mà Trường Chính trị tỉnh là “đầu tàu”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho rằng: Trường Chính trị tỉnh phải nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ việc biên soạn tài liệu, lựa chọn đối tượng, thời lượng và phương thức truyền đạt phù hợp, sát thực tiễn và hiệu quả. Phối hợp tốt với các ban, ngành, địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên cập nhật các nghị quyết, chỉ thị, quyết định cũng như tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để nâng cao chất lượng dạy và học. Đảm bảo sau khi kết thúc khóa học, các kiến thức lý luận được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác của cán bộ.

Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, cấp ủy và chính quyền các địa phương sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

 

 MINH TRIỀU-PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.