Huỳnh đàn: Một thời "bí hiểm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rừng Kbang đã bao phen nóng lên bởi các vụ săn lùng gỗ quý, nhưng chưa bao giờ nóng bằng nạn săn gỗ huỳnh đàn những năm 2005-2007. Đồng bào địa phương chưa từng thấy sự lạ là gỗ lại có thể bán bằng cân, bán nguyên khúc hay cả các thứ trước đây có cho làm củi đun cũng chẳng ai cần. Người ta đồn rằng: Người nước ngoài mua để phục chế cung điện, làm hương liệu ướp xác… Chuyện “săn” gỗ huỳnh đàn bởi thế càng nóng, càng huyền bí. Trước lúc xuống địa bàn, tôi tìm tài liệu tra cứu xem huỳnh đàn là gỗ gì mà lâm tặc săn lùng ghê gớm thế?
Huỳnh đàn thực ra là gỗ giáng hương quả to, tên khoa học là Pterocarpus. Giáng hương có các loài: giáng hương quả to, huê mộc, hương mộc, giáng hương Campot (trước đây được coi là 3 loài khác nhau). Giáng hương thuộc loại gỗ nặng, được xếp vào nhóm I trong bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng ngày 26-11-1997 của Bộ Lâm nghiệp; nhưng theo danh mục động-thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm ban hành kèm Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ thì giáng hương lại xếp nhóm II.
Tôi còn nhớ, Giám đốc Lâm trường Krông Pa lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đức Giáo. Chuyện trò cùng tôi khi đó, ông có vẻ “oải” khi được hỏi chuyện gỗ huỳnh đàn: “Từ Tết đến giờ, chẳng đêm nào tôi được ngủ yên giấc. Cả đời làm nghề rừng, chưa khi nào tôi phải đối phó với lâm tặc vất vả và dai dẳng thế này”.
Được coi là rốn gỗ huỳnh đàn nên lâm tặc trên địa bàn lâm trường hầu như không giới tuyến: những kẻ từng săn lùng gỗ huê tận Quảng Bình vào; những “nữ quái rừng xanh” từ Kon Tum xuống. Rồi dân buôn bán vãng lai, dân cư trú tại chỗ. Đối phó với lâm tặc mà nghe như… bắt thuốc phiện.
Do không cần nguyên khúc, thước tấc như với các loại gỗ khác nên lâm tặc có thể biến hóa việc mua bán, vận chuyển trong vô vàn phương cách: Kẻ rạch yên xe máy rồi nhồi gỗ vào trong, kẻ để gỗ vào những chiếc va li rất đẹp, ăn mặc bảnh bao ngụy trang như cán bộ đi công tác. Có kẻ còn mặc áo lạnh để tuồn gỗ vào bụng.
Cây huỳnh đàn. Ảnh: Internet
Cây huỳnh đàn. Ảnh: Internet
Lại có trường hợp tháo cả bình xăng xe máy để lấy chỗ giấu gỗ rồi câu bình xăng ra ngoài… Thôi thì thiên hình vạn trạng, không thể kể hết những thủ đoạn mà lâm tặc dùng để qua mặt lực lượng chức năng. Tinh vi là vậy nhưng thực ra những thủ đoạn này cũng chỉ cần cảnh giác là phát hiện được. Khó khăn nhất là tìm bắt những kẻ khai thác. Rừng thì mênh mông, tìm thấy gỗ, lâm tặc chỉ cần vạc mấy miếng cũng đủ không gây tiếng động, không để lại dấu vết. Ban đêm, chúng cũng vào rừng dùng đèn khai thác. Lực lượng của Lâm trường phát hiện được chúng đã khó, bắt để xử lý cũng không dễ dàng vì bọn này rất côn đồ…
Bấy giờ, ngay cả thủ trưởng cơ quan kiểm lâm, giám đốc các lâm trường cũng không thể biết giá đích thực của 1 m3 gỗ huỳnh đàn là bao nhiêu. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của một số lâm tặc thì chỉ 2 phân khối (0,02 m3) huỳnh đàn từ Krong chở ra thị trấn Kbang (khoảng 40 km) nếu trót lọt, người chở thuê sẽ được trả công 500 ngàn đồng.
Như vậy, có thể phỏng đoán: 1 m3 gỗ huỳnh đàn ra khỏi huyện sẽ có giá không dưới 300 triệu đồng! Còn việc nước ngoài mua để phục chế cung điện hay làm hương liệu ướp xác thì chỉ là những lời đồn thổi. Tuy nhiên, chắc chắn, gỗ huỳnh đàn phải có những giá trị sử dụng đích thực thì lâm tặc mới săn lùng và mua với giá như vậy. Và với cái giá “khủng” này thì có “cắt cổ” lâm tặc cũng không ngán, nói gì chỉ xử phạt bằng tiền hay thậm chí đi tù (!).
Ngay khi cơn sốt gỗ huỳnh đàn đang sùng sục, đoán là sẽ có một “chiến dịch” trồng huỳnh đàn diễn ra, một cán bộ ngành lâm nghiệp đã nhạy bén lập vườn ươm giống huỳnh đàn. Với số lượng 10 vạn cây, giá bán 10.000 đồng/cây, anh đã thắng lớn. Tôi được anh tặng 10 cây nhưng mang về trồng chỉ sống được 1 cây. Cây sống đó giờ đường kính gốc cũng đã gần 20 cm. Giá như là thời sốt huỳnh đàn thì đã bán được bao nhiêu là tiền. Thế nhưng hiện nay thì không thấy ai hỏi đến.
Không riêng tôi, nhiều người trồng huỳnh đàn ngày ấy cũng cho biết chẳng thấy ai hỏi. Có vẻ như nó đang bị lãng quên. Vậy thì, cơn sốt gỗ huỳnh đàn cách nay 15 năm là thật hay ảo? Cho đến bây giờ, xem ra vẫn chưa ai trả lời chính xác và như vậy việc săn lùng thứ gỗ này bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.