Độc đáo hang đá cách mạng làng Klot

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bao năm qua, ngọn núi Đak Grok vẫn sừng sững chở che ngôi làng Klot (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Gia Lai). Người làng kể rằng, trên ngọn núi này có nhiều hang đá từng là nơi trú ẩn của Ban Cán sự Khu 9 cũng như của dân làng, bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

 

Về nguồn

Một ngày tháng 4, chúng tôi về thăm vùng đất Kon Gang (huyện Đak Đoa) Anh hùng. Nắng vàng trải dài trên con đường dẫn đến làng Klot. Từ đây, theo chân ông Xuân-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, anh An-Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Kon Gang và anh Hring-tổ bảo vệ rừng của làng, chúng tôi tìm đến hang đá cách mạng nằm trên sườn núi Đak Grok cách làng chừng 5 km.

 Lối vào hang Klot nhỏ hẹp nằm giữa khoảng hở của các tảng đá lớn. Ảnh: P.L
Lối vào hang Klot nhỏ hẹp nằm giữa khoảng hở của các tảng đá lớn. Ảnh: P.L



Từ trục đường chính, chúng tôi đổ dốc theo con đường đất ngang qua một con suối trong vắt. Cung đường dẫn lên núi chạy qua những nương cà phê đang vào mùa ra quả, đồng lúa xanh rì, cảnh vật trông thật thanh bình, yên ả. Ngọn núi Đak Grok càng lúc càng gần hơn, cao lớn, sừng sững. Sinh ra và lớn lên ở đây, anh An rành rẽ từng con đường lên núi. “Trên ngọn núi này có nhiều hang đá lắm. Ngày xưa, cây cối um tùm, rậm rạp chứ không chỉ tre nứa và cây bụi như bây giờ”-anh nói.

Để xe tại một chòi rẫy nơi chân núi, chúng tôi tìm đường đến hang đá thứ nhất. Khác với tưởng tượng, thay vì leo lên núi chúng tôi lại đi xuống thung lũng. Ngang qua một đám lúa, hang đá đầu tiên hiện ra sau bóng đa cổ thụ. Nhìn từ ngoài vào rất khó phát hiện ra hang đá do bị tán đa che rợp. Đá lớp lớp xếp chồng lên nhau. Rễ cây đa len lỏi, bám sâu trên từng phiến đá tạo thành điểm tựa vững chãi cho việc di chuyển. Chui vào kẽ hở giữa 2 tảng đá, anh An nói vọng ra: “Hang này khá hẹp nên khi xưa bà con thường làm nơi trú ẩn tạm khi có địch càn trong lúc đang làm rẫy. Đôi khi cũng dùng để cất giấu lương thực, vũ khí, đạn dược”. Những lối đi nhỏ hẹp, lắt léo giữa các phiến đá khiến mọi người phải cúi gập người.

Rời hang đá đầu tiên, anh Hring đi trước mở đường, đưa chúng tôi đến với hang đá lớn hơn. Hang này nằm ở lưng chừng núi, lối đi nay đã bị cây cỏ che lấp. Đi thêm 15 phút nữa thì tới hang đá Klot. Thêm một lần nữa, chúng tôi chứng kiến sự sắp đặt tài tình của tạo hóa. Từng tầng đá xếp lớp lên nhau, chỉ chừa lại một khe nhỏ đủ 2 người chui lọt. Đặt chân vào miệng hang đã cảm nhận được không khí mát lạnh. Bên trong vòm hang rộng rãi, thoáng đãng. “Hang này dài và rộng lắm, có thể chứa một lúc 200 người. Đầu bên kia hang thông ra một khu rừng khác. Ở trong hang tối lắm, phải đốt đuốc hoặc có đèn pin mới thấy đường. Dưới hang cũng có mạch nước ngầm nữa. Ở đây là nơi trú ẩn an toàn nhất đấy”-ông Xuân vui vẻ nói. 

“Mái nhà” che chở cách mạng

Hang đá Klot từng là nơi trú ẩn của dân làng và là nơi đóng chân của Ban Cán sự Khu 9 từ năm 1969 đến 1975. Nằm trên núi cao, xa dân cư nên hang đá trở thành “mái nhà” chở che cho cách mạng, cho dân làng thoát khỏi đạn bom của giặc. Ngồi bên hiên nhà, ông Krung Yuir (72 tuổi) đưa mắt nhìn về núi Đak Grok nhớ lại: “Khi ấy, giặc Mỹ đánh phá liên tục nên bà con phải vào sống trong hang. Ban ngày thì bàn chuyện đánh giặc, tranh thủ lúc sáng sớm hoặc chập tối mới ra ngoài trồng trỉa ít mì, chuối để có lương thực. Trồng lúa không được vì trồng đến đâu bị giặc phá đến đó”.

Ông Yuir (bìa trái) kể chuyện sống trong hang đá những ngày kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Phương Linh
Ông Yuir (bìa trái) kể chuyện sống trong hang đá những ngày kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Phương Linh



Tháng ngày gian khổ nơi hang sâu ấy không khuất phục được quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ của dân làng Klot. “Mọi sinh hoạt trong hang đều theo giờ giấc, mệnh lệnh. Khi nào thì được ra ngoài sản xuất, khi nào thì phải lập tức vào hang. Bộ đội và dân làng còn bố trí trận địa, bẫy đá, hầm chông xung quanh đường lên hang đá để tránh sự xâm nhập, lùng sục của địch. Nhờ đó mà cán bộ và bà con luôn được an toàn dù cho địch càn quét liên tục”-ông Yuir nhớ lại. Tinh thần đoàn kết, niềm tin vào cách mạng đã giúp dân làng vượt qua gian khổ, khó khăn vững tin đến ngày giải phóng. Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku (1945-2005) ghi lại: “Từ khi cơ quan Ban Cán sự Khu 9 chuyển về đứng chân ở bàn đạp Kon Gang (Huyện 3), cán bộ Khu 9 gần như trực tiếp xây dựng xã này về mọi mặt”; “Nhân dân ở đây thật sự gắn bó với cán bộ Khu 9, nuôi dưỡng cán bộ ốm đau, thương binh, quyên góp lương thực, thực phẩm cho cán bộ cơ quan. Dân quân du kích phân công canh gác bảo vệ cơ quan an toàn, chống mật báo, gián điệp”.

Là lớp người đi sau nhưng anh An rất hứng thú với câu chuyện về hang đá. “Ông nội tôi từng tham gia du kích. Ông biết nhiều chuyện hay về hang đá này lắm. Ông kể trên đỉnh núi Đak Grok có sân bay dã chiến của địch. Dân làng cùng bộ đội trú ẩn trong hang ngay dưới chân núi mà không bị phát hiện suốt nhiều năm liền. Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất mà”-anh An nói.

Giờ đây, hang đá ngày xưa là điểm dừng chân nghỉ ngơi của người làng trên đường lên rẫy hay khi tuần tra bảo vệ rừng. Ông Xuân tâm sự: “Dù không lui tới nhiều nhưng nhắc đến hang đá Klot thì dân làng đều rất tự hào. Vì đó từng là mái nhà che chở cho dân làng, cho cách mạng mà”.

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.