Khởi sắc Ia Hrung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 1979 đến 1981, theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, hàng trăm hộ dân huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) tự nguyện vào xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) xây dựng vùng kinh tế mới. Trải qua bao thăng trầm, đời sống của những hộ di dân và thế hệ con cháu họ đã có nhiều đổi thay.
Một thời gian khó
Đã 41 năm trôi qua nhưng ký ức về hành trình di dân vào vùng đất mới vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Lê Công Chức-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung. Ông Chức kể: “Năm 1977, Nhà nước đã điều một đoàn nhân công vào trước để tiến hành một số công việc như: khai hoang, phát rẫy, đào giếng, làm nhà… Đến năm 1979, khi các điều kiện được chuẩn bị đầy đủ, Nhà nước mới chính thức đưa dân từ ngoài Bắc vào. Đó là đợt di dân đầu tiên với 37 hộ. Vùng đất này lúc bấy giờ được gọi là Điểm 4, B6, Hợp tác xã Thắng Hồng, huyện Chư Pah thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Khi đưa dân vào, Nhà nước lo tất cả mọi thứ, từ chia đất, hỗ trợ tiền làm nhà, đào giếng, cấp lương thực 13 tháng, dầu hỏa để thắp sáng, thuốc men, cùng với nhiều dụng cụ lao động”. Năm đó, ông Chức 28 tuổi, đã có vợ và 2 con nhỏ. Vốn quen với cách thức canh tác lúa nước ở ngoài quê nhưng khi được các kỹ sư nông nghiệp xuống tận nơi hướng dẫn, ông cũng như nhiều hộ nhanh chóng thích nghi với điều kiện sản xuất mới.
Một góc thôn Thanh Hà 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Ảnh: V.T
Một góc thôn Thanh Hà 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Ảnh: V.T
Theo những bậc cao niên ở thôn Thanh Hà 1, cuộc di dân được tiến hành thành 3 đợt vào các năm 1979, 1980, 1981. Những năm sau đó thì di dân rải rác. Đến nay, nhiều hộ di dân đợt đầu đã có thế hệ thứ 4 như gia đình ông Lê Đăng Tiến (86 tuổi).  Ông Tiến tâm sự: “Năm 1979, theo chính sách di dân của Đảng và Nhà nước, chúng tôi từ huyện Thanh Hà vào đây lập nghiệp. Ngoài một số chế độ Nhà nước cấp thì người dân phải khai hoang thêm đất đai để mở rộng diện tích sản xuất. Ở ngoài quê, chúng tôi quen với cách thức sản xuất lúa nước, còn những năm đó phải làm lúa rẫy, năng suất rất thấp mà lại vất vả hơn. Có thời điểm làm chẳng đủ ăn, nhà lại đông con, cuộc sống vô cùng túng thiếu. Vợ chồng tôi và 2 đứa con lớn phải đi làm công nhân mỏ đá, kiếm củi, đánh cỏ tranh bán cho các nông trường; vào mùa mưa thì đi hái măng đem ra chợ huyện bán. Thời đó, gặp gì làm nấy, miễn có tiền nuôi sống gia đình. Dần dà, cuộc sống cũng ổn và có chút tích lũy để mua thêm đất trồng cà phê.
Mặc dù nơi đến là Điểm 4, B6, Hợp tác xã Thắng Hồng nhưng các hộ di dân thường gọi là Thanh Hà để nhớ về nơi mình sinh ra. Mãi đến năm 1985, khi Nhà nước xóa bỏ hợp tác xã và mô hình tập đoàn sản xuất thì cái tên Thanh Hà mới chính thức được đặt cho thôn. Theo lời kể của ông Chức, vùng đất Thanh Hà ngày đó rất rộng, có đến trên 500 hộ dân sinh sống, trong đó có khoảng 80% là người ở huyện Thanh Hà di dân vào. Sau khi có quy định mới về số hộ, thôn Thanh Hà được tách ra thành 3 thôn, làng. Hiện đa phần người dân quê ở huyện Thanh Hà sinh sống ở thôn Thanh Hà 1.
Ngày mới vào Ia Hrung, bà con luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới mặc dù có một số người qua đời vì sốt rét. Nhiều người vì quá vất vả đã bỏ đi nơi khác làm ăn, có người nản chí trở về quê. Phải mất khoảng 3 năm, người dân mới dần thích nghi với cuộc sống mới. Qua quá trình bám trụ nơi đây, các hộ nhận thấy vùng đất này vẫn dễ làm ăn hơn so với quê cũ bởi đất đai trù phú, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ giờ là những điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chung tay xây dựng quê hương thứ hai
Năm 1992, người dân thôn Thanh Hà 1 chuyển đổi đất lúa rẫy sang trồng cà phê. Chỉ sau 3 năm, nơi này đã trở thành vùng chuyên canh cà phê bạt ngàn. Nhiều người bắt đầu đưa anh em, họ hàng vào để cùng nhau lập nghiệp. Đời sống kinh tế cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều hộ đã có của ăn của để, có tiền làm nhà, mua xe. Được mấy năm trúng giá, cà phê lại mất giá, cuộc sống của không ít hộ trở nên khó khăn. Để lấy ngắn nuôi dài, ráng cầm cự với cây cà phê chờ giá lên, gia đình nào cũng trồng xen hoa màu, chăn nuôi phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Gia đình ông Lê Đăng Tiến là một trong những lớp người tiên phong di dân vào Ia Hrung lập nghiệp. Ảnh: V.T
Gia đình ông Lê Đăng Tiến là một trong những lớp người tiên phong di dân vào Ia Hrung lập nghiệp. Ảnh: V.T
Trải qua nhiều khó khăn để thích nghi và định hình cuộc sống trên vùng đất mới, các hộ dân từ chuyên canh cây cà phê đã chuyển nhiều diện tích già cỗi sang trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, mới hưởng lợi từ hồ tiêu được vài năm thì nhiều hộ lại trắng tay với loại cây này khi giá liên tục chạm đáy, rồi dịch bệnh khiến vườn cây chết hàng loạt. Ông Lê Tất Đỗ-Trưởng thôn Thanh Hà 1-cho hay: Cả thôn có hơn 200 ha cây công nghiệp và rau màu. Do tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng thời tiết mà nhiều hộ trồng hồ tiêu bị thất bại phải chuyển sang làm những nghề phụ để trang trải cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Ngô Duy Huyến cho biết: Ia Hrung đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Quá trình xây dựng nông thôn mới, cả 7 thôn, làng đều có sự đổi thay, nhất là ở thôn Thanh Hà 1. Toàn thôn hiện có 252 hộ, trong đó có khoảng 15% hộ giàu, 60% hộ thu nhập trung bình-khá. 
Chứng kiến những đổi thay trên quê hương thứ hai, anh Lê Đăng Hưng phấn khởi tâm sự: “Tôi là thế hệ thứ 2 trưởng thành trên vùng đất này. Dù kinh tế chưa thật sự dư dật nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy những nỗ lực của gia đình mình được đền đáp xứng đáng. Gia đình tôi vừa trồng cà phê, vừa nuôi thêm 1.000 đàn ong. Nhờ đó, kinh tế cũng khá hơn ngày trước rất nhiều”. 
Trải qua 41 năm, từ một vùng đất hoang hóa, thôn Thanh Hà 1 giờ đã khoác lên mình diện mạo mới. Những con đường đất đỏ bụi mù ngày trước đã được bê tông hóa, nhựa hóa phẳng lì. Các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư xây dựng bài bản, đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân. Đó là thành quả ghi dấu sự nỗ lực không biết mệt mỏi của những hộ di dân đầu tiên từ năm 1979 và lớp con cháu họ sau này trên mảnh đất mà họ coi như quê hương thứ hai. 
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.