Xích lô Pleiku xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ ra đường tìm đỏ mắt không thấy bóng dáng một chiếc xích lô, loại phương tiện “chuyên chở công cộng” đã từng rất phổ biến ở các đô thị trước đây. Ngày còn bé, có lần tôi theo mẹ đi chợ, lúc về được đi xích lô. Nhà tôi trên đường Trần Quý Cáp (nay là Lý Tự Trọng), bác phu xe hì hục đẩy chiếc xe đến đỉnh dốc phải xin nghỉ một lúc mới đi tiếp được, thấy rất thương. Sau này, có dịp đến Đà Nẵng hoặc Sài Gòn, tôi thi thoảng cũng dạo phố bằng xích lô, đúng nghĩa đi dạo với bạn đồng hành là người phu bởi đường bằng, họ nhẹ nhàng đạp xe và trò chuyện cùng, khá thú vị. Nghĩ đến xích lô Pleiku thấy họ cực quá!
Pleiku đường sá đi lên, đi xuống toàn dốc không cao thì cũng thoải, cứ tưởng không phù hợp với xích lô. Ấy vậy mà, tự xửa xưa đến tận cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, hình ảnh chiếc xích lô là một phần ký ức của Phố núi. Các tuyến cố định và xa một chút như Diệp Kính-Biển Hồ hoặc từ bến xe tỏa đi các địa điểm lân cận như Biển Hồ nước, Tiên Sơn, Biển Hồ chè, Ninh Đức, Lệ Chí, Bầu Cạn, Thanh An, Mỹ Thạch, Phú Nhơn, Phú Thọ, An Mỹ, Lệ Trung, Lệ Cần... đã có nghiệp đoàn xe lam đảm nhiệm. Xích lô loanh quanh nội thị và tất nhiên ai đi đâu cũng chở.
Xích lô ở Pleiku trước năm 1975 (ảnh tư liệu).
Xích lô ở Pleiku trước năm 1975 (ảnh tư liệu).
Không thống kê được số lượng xích lô ở Pleiku thuở ấy là bao nhiêu chiếc, nhưng tôi còn nhớ, nếu vào ban ngày cũng không khó tìm một chiếc khi cần. Nơi đỗ chờ khách của các bác xích lô thường ở bến xe đò, cổng chợ Mới (nay là Trung tâm Thương mại Pleiku), bệnh viện dân y, ngã ba Diệp Kính..., lúc nào cũng sẵn xe. Đa phần phu là người đã luống tuổi, còn trẻ ít ai chọn việc này. Địa hình dốc ngắn dài cũng lấy đi nhiều sức của họ lắm, thoai thoải thì cố gò lưng đạp, dốc nữa thì nhảy xuống đẩy. Dốc Hội Phú là một thử thách cho ai muốn hành nghề xích lô đạp ở thị xã ngày ấy. Trong khi đó, cùng là cao nguyên, Buôn Ma Thuột cũng có xích lô nhưng số lượng không nhiều như ở Pleiku, còn dốc Đà Lạt quả thật khó hơn cho xích lô nên thành phố này có đặc điểm “3 không”, trong đó không có xích lô.
Loại xe đạp 3 bánh chở khách này là một biến thể của nguyên mẫu từ năm 1939, khoang chở khách hẹp hơn xích lô ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thêm nệm ngồi và dựa để khách thoải mái hơn. Xích lô Pleiku thường nhận chở hàng, đưa đón trẻ con các gia đình có điều kiện đi học mỗi ngày, chở người bệnh và các bà bầu đang chuyển bụng theo mối đặt trước.
Tìm hiểu một chút về lai lịch thì được biết, xích lô là một phát minh của ông Tây Coupeaud. Năm 1939, xích lô ra mắt bằng một cuộc hành trình mang tính trình diễn với chiếc xe chở khách chạy bằng 3 bánh từ Phnom Penh (Campuchia) tới Sài Gòn, với 2 người đạp thuê thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km trong thời gian 17 giờ 23 phút. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì một loại xích lô tương tự (người đạp phía trước kéo hành khách ngồi phía sau) đã có mặt ở Singapore vào năm 1920. Trong khi đó, kiểu xích lô người đạp phía sau, hành khách ngồi trước, thì năm 1936 đã xuất hiện ở Jakarta (Indonesia).
Trong nước cũng có nhiều “biến thể” xích lô. Loại xích lô ở Pleiku trước đây có khoang khách ở phía trước, khác với xe lôi rất phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam bộ lúc đó có khoang khách phía sau. Xích lô có gắn thêm động cơ nổ thì gọi là xích lô máy, xuất hiện nhiều ở Sài Gòn, tiếng nổ rất ồn và phun khói mù mịt, rất may Pleiku không có chiếc nào.
Sau ngày giải phóng, tôi vẫn còn thấy vài chiếc xích lô hoạt động thưa thớt ở Phố núi Pleiku, một thời gian sau thì biệt tích. Có lẽ xe ôm xuất hiện với sự cơ động đã nhanh chóng “khai tử” chiếc xích lô một thời mà không cần đến biện pháp hành chính nào. Nhưng hiện ở Hà Nội, Huế vẫn còn đội quân xích lô khá hùng hậu; phương tiện cũng không còn mang dáng vẻ lam lũ mà được trang trí rất đẹp để khai thác trong ngành du lịch và cũng để nhắc nhớ một thời.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.