Ký ức ngôi trường nơi chiến khu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã gần 50 năm trôi qua. Thời gian như mạch nước nguồn chảy mãi, nhưng nỗi nhớ về một thời là học sinh ở Khu 10, nay là Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) vẫn ngưng đọng trong tâm trí tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng ở xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Cha tôi hy sinh năm 1968. Tháng 4-1972, tôi được đồng đội của cha dẫn lên Khu 10 khi mới 14 tuổi.
Ngày đầu tiên nhập học lớp 2 Trường Nội trú của tỉnh đóng tại xã Lơ Ku, tôi cứ ngỡ mình lớn tuổi nhất, hóa ra còn nhiều anh chị người Bahnar còn lớn hơn mình. Lớp chúng tôi có khoảng 60 học sinh từ lớp vỡ lòng đến lớp 4, trong đó, số học sinh Bahnar chiếm 2/3. Trường học nằm dưới tán rừng già, mái lợp tranh, vách thưng tre, bàn ghế cũng bằng tre. Gọi là trường nhưng thực ra đó chỉ là một gian nhà lớn chia làm 2 lớp, ngồi đấu lưng nhau. Bút, mực, vở được trường cấp, riêng ngòi viết lá tre chúng tôi phải tự lấy cây le vót làm quản bút. Mực thì tận dụng lọ penicilin để đựng, cột bên hông một thanh tre để cắm xuống kẽ bàn cho khỏi đổ. Lớp thay phiên nhau học một buổi, buổi còn lại đi làm rẫy, lấy củi về nấu cơm. Riêng tôi nhận thêm nhiệm vụ làm giao liên vì biết nhiều đường ngang ngõ tắt trong chiến khu.
 Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang).          Ảnh: ĐỨC THỤY
Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: ĐỨC THỤY
Có rất nhiều kỷ niệm khó quên gắn với nơi này. Nhà chúng tôi ở cũng mái tranh, vách tre liền kề nhau, dọc theo con suối Lơ Ku. Trường và chỗ ở cách nhau một con suối, mùa nắng thì dễ dàng lội qua, mùa mưa nước lũ về chúng tôi phải làm cầu dây để vượt lũ đi học. Cứ qua một mùa, dây rừng hư hỏng phải làm lại. Có hôm lũ lớn, nước cuốn trôi cả cầu tạm. Nhiều hôm đến giờ ăn nhưng lũ cứ cuồn cuộn, các chị nuôi phải nhờ anh em bơi giỏi cột dây qua suối rồi bám theo đó để bơi sang, mang cơm canh qua trường cho chúng tôi. Quần áo rách, chúng tôi phải dùng kim tự chế, bằng cách chẻ gốc tre già vót nhỏ thành cây kim, một đầu nhọn, đầu kia đập giập, băm cho nhám, bỏ bông vào xe xoắn kéo dài thành sợi chỉ để may vá. Cực vậy nhưng không thiếu đói. Bởi, ngoài lương thực Nhà nước cấp, chúng tôi còn tự sản xuất, chăn nuôi. Nhớ có lần một chị cấp dưỡng nhận hàng nhu yếu phẩm về cho trường, trong đó có kem đánh răng hiệu Con Én của Trung Quốc. Chưa kịp phát cho học sinh thì 2 em người Bahnar tò mò lấy 2 tuýp xuống suối ngồi nặn ra… ăn hết, kết quả là phải cõng đi bệnh xá súc ruột!
Hồi ấy, đêm về, chúng tôi thường tập trung ở nhà thầy Hiệu trưởng Đoàn Văn Cạnh để nghe radio. Có hôm pin yếu, âm thanh phát ra rất nhỏ nên thầy trò phải nín thở, kề tai sát đài để nghe thời sự, ca nhạc. Hết pin, thầy nảy ra sáng kiến đục lỗ trên thân pin, nhét muối vào để “sạc” pin nghe tiếp.
Nhưng nhớ nhất là những cái Tết trong chiến khu. Từng nhóm học sinh tỏa vào rừng chặt mai về cắm dọc hai bên suối, hoa vàng rực rỡ. Với vốn ngôn ngữ Bahnar sành sỏi, tôi được phân công vào làng đổi gạo nếp, gà về ăn Tết. Vui nhất là đêm giao thừa, chúng tôi đốt một đống lửa thật to bên bờ suối, tập trung học sinh cả trường cùng các thầy cô như thầy Ngô Minh Thúy, cô HLai, thầy Hruk (con trai bok Núp). Có đợt thầy Đỗ Nộ, thầy Ksor Tuyên trên Ban Giáo dục tỉnh (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) cũng về dự, chúc Tết, động viên thầy trò chúng tôi. Những năm học ở chiến khu tuy vất vả nhưng anh em chúng tôi luôn được tặng giấy khen của trường, của Ban Giáo dục tỉnh.
Ngày thống nhất đất nước, anh em trong trường ai cũng trông mong, háo hức được ra khu hành chính của tỉnh (thị xã Pleiku). Mãi đến tháng 6-1975, Ban Giáo dục tỉnh mới đưa xe về chở chúng tôi lên Trường Nội trú mới đóng tại Trường Nam Tiểu học Pleiku (nay là Trường THPT chuyên Hùng Vương) và tiếp tục học cho đến ngày ra trường công tác.
3 năm học tập nơi chiến khu đã để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm bên những người thầy, người bạn đã đồng hành và dìu dắt chúng tôi nên người. Mới đây, tôi có dịp trở lại Khu 10. Nhìn những dấu tích còn sót lại bỗng thấy nhớ thương ngày cũ. Mong rằng lớp trẻ ngày nay được sống trong điều kiện đầy đủ nên cố gắng học tập để mai này giúp ích cho xã hội.
HỮU THÁI

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.