Kông Pla với nhãn hiệu "Rượu ghè men lá rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm biến rượu ghè truyền thống thành sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla (làng Groi, xã Kông Pla, huyện Kbang, Gia Lai) đã hướng các thành viên sản xuất theo mô hình liên kết, xây dựng nhãn hiệu. Không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, việc này còn giúp các thành viên nâng cao thu nhập từ sản xuất rượu ghè.
Biến rượu ghè thành sản phẩm hàng hóa 
Bao đời nay, rượu ghè là thức uống được người Bahnar ở làng Groi sử dụng trong các dịp lễ, Tết và đãi khách quý. Vì thế, khi nào rảnh rỗi, phụ nữ nơi đây lại bắt tay ủ những ghè rượu thơm nồng để sẵn trong nhà. Được mẹ chỉ dạy cách ủ rượu từ nhỏ, khi tham gia HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla, chị Đinh Thị Nghiếc đã sản xuất rượu ghè để bán ra thị trường. Chị cho hay: Rượu làm từ hạt cào có mùi thơm, vị ngọt đậm đà hơn so với các nguyên liệu khác. Ngoài ra, muốn rượu ngon còn phải sử dụng men lá rừng tự nhiên. Men được kết hợp bởi nhiều nguyên liệu như củ riềng, lá rừng, rễ cây rừng, ớt, gạo... Những nguyên liệu này giã nhỏ, trộn đều với nước vỏ cây dram, nặn thành bánh để trên gác bếp khoảng 15 ngày thì dùng được và có thể lưu trữ trong vòng 2-3 năm. 
Theo chị Nghiếc, khi ủ rượu ghè cần lưu ý vo hạt cào thật sạch để loại bụi bẩn, vỏ trấu để uống không bị ngứa cổ. Nấu hạt cào phải không quá khô hoặc quá nát, để thật nguội, rắc men và trộn đều rồi bỏ vào ghè với lượng vừa đủ. Sau đó, lấy lá chuối đã được hơ qua lửa cho mềm phủ lên miệng ghè, dùng dây quấn chặt không cho hơi bên trong thoát ra cũng như bên ngoài lọt vào làm hư rượu. Ghè rượu để ở nơi thoáng mát, khoảng 1 tháng là sử dụng được và có thể bảo quản từ 6 tháng đến hơn 1 năm. 
   Các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla (xã Kông Pla, huyện Kbang) bên những ghè rượu men lá rừng. Ảnh: N.M
Các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla (xã Kông Pla, huyện Kbang) bên những ghè rượu men lá rừng. Ảnh: N.M
Qua đôi bàn tay khéo léo và áp dụng đúng công thức truyền thống, rượu ghè do chị Nghiếc làm ra luôn được khách hàng tin tưởng chọn mua. Vào dịp lễ, Tết, chị đều bán được hàng trăm ghè rượu, tùy loại mà giá dao động từ 130 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/ghè. “Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về trên 20 triệu đồng/năm từ bán rượu ghè”-chị Nghiếc cho hay.
Cũng được mẹ truyền cho bí quyết và chịu khó học hỏi nên những ghè rượu do anh Đinh Líp-thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla-làm ra luôn rất ngon. Hàng năm, anh bán được hơn 100 ghè rượu, thu về gần 8 triệu đồng. “Từ khi vào HTX, việc tiêu thụ rượu ghè của tôi thuận lợi hơn. Riêng Tết Nguyên đán Canh Tý, tôi đã nhận hơn 10 đơn đặt hàng với gần 200 ghè rượu các loại”-anh Líp phấn khởi cho hay. 
Xây dựng nhãn hiệu
Thành lập đầu năm 2018, đến nay, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla có 25 thành viên với các ngành nghề như: thu mua nông sản, vật tư nông nghiệp; cung ứng cây giống và sản xuất rượu ghè truyền thống. Ông Đinh Rang-Giám đốc HTX-cho biết: “Trên 90% thành viên HTX biết ủ rượu ghè và trồng cây cào lấy hạt. Xác định sản xuất rượu ghè truyền thống là nghề chủ đạo nên chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Rượu ghè men lá rừng” với slogan “Hương vị núi rừng”. Dự kiến đến tháng 4-2020, HTX sẽ nhận chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm rượu ghè”.
Ông Rang cho rằng, từ khi HTX đi vào hoạt động, việc sản xuất rượu ghè của các thành viên tăng cả về chất lượng và số lượng. Nếu năm 2018, các thành viên bán được trên 300 ghè rượu thì năm 2019, lượng tiêu thụ tăng lên hơn 700 ghè. Rượu ghè của các thành viên được bán ở các tỉnh như: Bình Định, Quảng Ngãi, Bến Tre, Long An, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Cũng theo ông Rang, có được kết quả này là bởi trong quá trình sản xuất rượu ghè, các thành viên đã áp dụng đúng công thức truyền thống với nguyên liệu gồm hạt cào và men lá rừng tự nhiên, từ đó cho ra những ghè rượu ngon ngọt, thơm nồng đặc trưng, uống không bị đau đầu, có cảm giác sảng khoái, được nhiều người tin dùng đặt mua. 
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Từ lâu, rượu ghè đã trở thành một nét văn hóa của người dân bản địa ở xã Kông Pla nói riêng và huyện Kbang nói chung. Việc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla chủ động xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Rượu ghè men lá rừng” sẽ giúp những thành viên liên kết sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo đầu ra, qua đó tăng thu nhập và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của người bản địa. Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với ngành chức năng tạo điều kiện để HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở các hội chợ, ngày hội du lịch; hướng dẫn HTX hoàn thiện cơ sở vật chất; tiếp tục giúp HTX làm hồ sơ để dán tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.