Lửa ấm mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phố toàn nhà hộp. Ở cái một tầng duy nhất còn sót lại, chủ nhà không chịu đập đi để xây mới mà cho khách thuê. Khách là hai mẹ con. Người con thì đi làm ở đâu đó. Bà mẹ thì ra vào ngơ ngẩn, tóc tai bù xù và lắm khi cứ vớ được thứ gì là nhóm lửa.

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Từ hôm mới dọn về phố, một bà hàng xóm đã nói với Thủy đại loại là: đất này dữ, nhất là vía bà hỏa. Cái nhà đầu phố thì chập điện một lần, may ngày ấy cả dãy còn là khu tập thể nên có cầu giao tổng nên ngắt được. Rồi thì nhà có cửa sắt màu xanh kia có lần bát hương bốc cháy, bén vào trần… Thủy vâng dạ cho xong nhưng vẫn cẩn thận mở một cái cửa phụ ra khoảng sân có con đường phía sau nhà, cô rất hay kiểm tra các ổ điện. “Miệng mấy mụ già ngồi lê là thiêng lắm”.
Người ta bảo mệnh thủy khắc hỏa. Tên cô đặt theo mệnh. Năm Thủy lên ba tuổi, một hôm mẹ đưa cô về ngoại để sáng hôm sau mẹ lên đường đi công tác. Thủy ôm một con búp bê và đưa bàn tay bé xíu lên vẫy chào mẹ và bập bẹ rằng nếu mẹ không mua quà, con ứ cho mẹ vào nhà. Đêm ấy, một sự cố chập điện làm căn nhà bùng cháy, cả bố và mẹ của cô đã mãi mãi ra đi vì ngọn lửa tàn ác ấy. 
Thủy nhớ ra mấy bữa dắt xe ra cửa đi làm, lần nào cô cũng bắt gặp bà cụ đứng ngẩn ngơ đầu phố. Người già cả, bệnh tật thì ở đâu cũng có nhưng họ ở chốn phố xá này lại thành cái họa cho người khác. Dù chẳng  hay thóc mách hàng xóm láng giềng nhưng Thủy cũng hiểu được, từng ấy con người trụ được ở đây cũng đều là loại toan tính, nanh nọc. Giữa bon chen, người ta không còn tâm trí để thương sót lấy một người khác.
Sau mấy lần bị khách hủy đơn hàng, Thủy đâm ra bi quan. Mấy tháng trời dịch bệnh hoành hành, các hoạt động nhập khẩu hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Mấy lô hàng nhập cuối năm vẫn chật vật. Khi thì khách đòi giá thấp, khi thì bị người cùng team chơi xỏ. Thấy vậy, một đứa bạn gái thân rỉ tai Thủy:
- Mày phải đi xem, buôn bán ám quẻ thế là không ổn.
- Xem thì xem, cũng đang bị qủy ám đây.
Ông thầy bói có đôi mắt ti hí cứ nhìn Thủy và láy đi, láy lại: “Cô là không được gần lửa, nhất là khi sắp khởi sự. Nếu không, có làm mấy cũng tiêu tán hết”.
Từ hôm ấy, Thủy toàn ăn quán, chẳng nấu nướng gì. Vậy mà một hôm, sếp phát hiện ra Thủy cho khách nợ đến tỉ rưỡi. Mặc dù cô cố thanh minh đây là khách quen, đã nhập hàng lâu năm nhưng sếp của cô vẫn không thể chấp nhận được lý do ấy. Khi Thủy và người của công ty đến nhà, lão khách hàng đã cao chạy xa bay. Mọi giấy tờ bằng chứng đều chống lại cô. Tỉ rưỡi là đủ để đẩy cô ra khỏi ngôi nhà của mình. 
Trưa ấy, Thủy mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay. Cô cảm thấy như có tảng đá đè lên ngực khiến cô không làm sao cựa quậy được. May sao đúng lúc đó chiếc điện thoại của cô vang lên hồi chuông nên mới có thể bật dậy được. Một người gọi điện hỏi mua nhà. Một cuộc ngã giá nhanh gọn. Người đó không hề mặc cả, xin bớt. Nghe xong cuộc gọi, cô nhận ra có mùi gì khen khét như đốt vàng mã xộc vào mũi, một cảm giác ớn lạnh. Cô vội mở tung các cánh cửa và bật hết các bóng điện trong nhà.
Dưới sân, ở phía gần cái cột điện, bà cụ Cẩm đang ngồi thu lu bên con chó nhỏ. Mùa đông, gió đồng thổi vào lạnh buốt mà bà cụ chỉ phong phanh manh áo. Chắc bà đốt mấy tờ vàng mã để sưởi ấm cho một con chó nhỏ đang ôm khư khư trong tay. Người ta bảo bà bị đãng trí hay tâm thần bất ổn gì đó nhưng được cái lành và thật thà. Khi  đã mất đi căn nhà bao năm dành dụm, Thủy bỗng thấy thèm một thứ gì đơn giản như bàn tay bà cụ đang vuốt ve chú cún kia.
Từ hôm ấy, Thủy dành cả thời gian có thể để chơi với hai số phận bé nhỏ này. Khu phố sạch sẽ, đến cả một chiếc lá, một hòn sỏi cũng không có để chú chó nô nghịch. Bà cụ cũng không thể bắt chuyện với ai khác ngoài Thủy. Những người ở đây luôn bận rộn, luôn cảnh giác với mọi cử chỉ thân thiện. Thủy nhìn họ lại nhớ đến những chú gà tre trong lồng, nhớ đến một chú sóc lạc trên hàng cây giữa phố. 
Người đến xem nhà còn trẻ. Anh ta có vẻ không mấy mặn mà với việc hỏi han về hàng xóm hay tình hình an ninh. Thủy đoán anh ta chỉ gom nhà chờ bán lại hoặc cho thuê. 
Một tuần qua đi, Thủy không thấy anh ta đến nhận nhà. Cô gọi điện không thấy nhấc máy. Thật ra, khi họ đã chuyển tiền vào tài khoản của cô thì không có điều gì phải lo lắng. Nhưng có điều, cô muốn mọi chuyện được giải quyết càng sớm, càng tốt. Một hôm, cô nhận được tin nhắn từ người mua nhà:
“Tôi xin lỗi vì không thể đến lấy chìa khóa chỗ cô được. Hiện giờ tôi đang là FO điều trị tại bệnh viện… Phiền cô mang chia khóa trao cho bà cụ Cẩm, ở cùng dãy nhà cô. Bà cụ chính là chủ nhân mới”.
Thủy làm theo lời anh mà chẳng mảy may gì. Hôm sau, Thủy quay lại ngôi nhà cũ vì nhớ ra còn một con búp bê nhỏ cất trong ngăn kéo. Cô bắt gặp bà cụ và con cún nhỏ đang ngồi nhìn ra phía cửa sổ ngôi nhà. Căn nhà dường như vẫn ấm áp thân thuộc. Khi cô kéo ngăn kéo ra, có một  bức ảnh nhỏ đã rớt xuống. Dù không tò mò với vật dụng của người khác nhưng cô có một linh cảm kì lạ. Khi cô nhặt lên, bức ảnh hiện ra cảnh ngôi nhà xưa có bà ngoại, có mẹ cô và một người đàn bà bé nhỏ và xấu xí. Cô nhớ có lần đã nghe kể về người con riêng của ông ngoại. Một người từ nhỏ đã có vấn đề về trí nhớ. Cô hạ bức ảnh xuống, nhìn ra cái bóng ở cửa sổ. Đúng là đôi vai ấy, dáng người ấy mà bao lâu nay cô không nhận ra. Một tin nhắn khác lại được gửi đến điện thoại của cô: 
“Chào cô Thủy. Tôi cảm ơn cô đã đón bà cụ sang nhà. Thực ra chính tôi là người đã gây tai nạn khiến con trai của cụ Cẩm tử vong. Tôi muốn mua căn nhà này để làm một điều gì đó chuộc lỗi với người đã mất. Mong rằng nếu có thể, cô hãy coi bà như một người mẹ. Bà cụ chẳng còn ai và tôi biết cô cũng không còn người thân nào. Cảm ơn cô rất nhiều”.
Ở phía sân sau, nơi bà cụ Cẩm và con cún đang ngồi nhìn ra, Thủy đang nhóm một đống lửa nhỏ ấm áp bằng những mảnh gỗ nhặt nhạnh được. Đốm lửa bừng lên ấm áp trong gió mùa. Trong làn khói, Thủy nhìn về phái cửa thấy bóng những người thân như đang hiện ra. Dường như ở phía những điều mà cô sợ hãi, né tránh có một cánh cửa ấm áp như thế…
BÙI VIỆT PHƯƠNG (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...