Rực hồng lan càng cua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lan càng cua còn gọi là tiểu quỳnh, cùng họ xương rồng với hoa quỳnh. Thân cành và hoa lan càng cua trông nhang nhác như quỳnh, tuy nhỏ hơn nên gọi tiểu quỳnh là vậy!
Lan càng cua đẹp nhất vẫn là ghép cộng sinh trên cây thanh long. Thân hoa cao, dễ tạo kiểu dáng. Lan ra hoa vào dịp tháng Chạp, kéo dài hàng tháng, phù hợp cho người trồng hoa chơi Tết. Phơi nắng cả năm, đến dịp trời trở lạnh khô, cây nở hoa ngay các đầu lá. Lá lan càng cua thực ra là những mầm cành, mọc thành từng đốt như chân loài cua biển, xếp lớp trùm lên thân cây. Hoa lan càng cua nở rộ trong một thời điểm, cả cây lan quây tròn một sắc hồng tím như màu cánh sen. Lúc ấy, cây lan tựa như một bó hoa rực rỡ đúng hẹn bung hết cỡ đón xuân.
Theo nhà văn Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai” (Chương 12, viết về tháng Chạp miền Bắc) thì: Từ xưa, người Hà Nội rất yêu thích giống hoa này và gọi là lan chân cua. Cũng trong sách này, nhà văn có nói qua việc người xưa trồng lan chân cua trong chậu sứ Giang Tây, bằng cách cấy ghép mầm lan vào gốc xương rồng mà chưng trong ngày Tết.
Lan càng cua, chỉ khi được ghép vào cây khác mới cho vẻ đẹp sung mãn, cao sang. Để ghép được mầm càng cua vào thân cây khác không khó, nhưng phải lưu ý một số điểm. Cần ghép đúng mùa vụ, tốt nhất là vào cuối mùa thu. Tuy lan càng cua thuộc họ xương rồng, nhưng trong họ ấy lại có 2 ngành là xương rồng có mủ (nhựa trắng) và xương rồng không có mủ (không có nhựa trắng). Lan càng cua chỉ ghép được với các loại xương rồng không có mủ  như: quỳnh, thanh long, xương rồng cảnh... Tốt nhất là ghép với thanh long. Đồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc ghép thân vào thân. Các loại cây thuộc họ xương rồng, để tăng khả năng chịu hạn, chúng không phát triển lá (giảm bay hơi), mặt khác, thân cành được bọc bởi một lớp dày vỏ tích đầy nước. Thân cành xương rồng chỉ teo tóp lại tối thiểu như một sợi dây gọi là đọt bấc. Khi ghép lan càng cua phải vót nhọn mầm cành cho lòi rõ đọt bấc, vừa tạo sự tiếp xúc với thân cây ghép, vừa dễ cắm sâu tới đọt bấc của cây mang thân. Về phía cây làm thân ghép, khi muốn ghép cành lan càng cua vào vị trí nào, cần dùng dao nhọn, rạch sâu vào thân cây, qua phần vỏ nước, thấu được đọt bấc, rồi mới cắm chắc mầm càng cua vào.
Lan càng cua. Ảnh: Ngọc Hòa
Lan càng cua. Ảnh: Ngọc Hòa
Từ cách ghép mầm cành trên gốc thân thanh long, ta có thể tùy sở thích, tùy khiếu thẩm mỹ mà tạo ra các thế cây trực, mang tán hoa tròn đầy viên mãn. Hoặc tạo thế huyền với những mảng hoa đổ xuống từ trên một cái chậu cao. Có thể có một chùm hoa theo thế hoành khẳng khiu thơ mộng...
Lan càng cua có một tập tính lạ là khi được ghép mầm vào gốc cây thanh long, nó đâm chồi nảy lộc tốt tươi một cách tự nhiên như đó là thân gốc của mình vậy. Cũng từ đó, gốc thanh long cần mẫn một đời đỡ những nhánh càng cua mướt mát rậm rì, mọc rễ bền gốc mà hút đất hút nước nuôi cành nuôi hoa ấy khoe sắc. Thân cây thanh long ngày càng già quắt, như bị rút hết mọi tinh chất cho tán cành càng cua sum suê. Từ lúc được cấy những mầm càng cua, thân thanh long không còn lớn lên, không đâm chồi nảy lộc, chỉ một đời làm thân cỗi vì sắc hoa lạ ấy.
Đó là một cuộc giao thoa hồn nhiên ngây thơ của hai loại cây, thanh long quên mình làm gốc làm rễ, càng cua vô tư nảy chồi bung hoa, mà thành một cây hoa tuyệt mỹ!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.