Nghé hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lại nói Huệ Khanh, cháu ruột của Tạ Đức sinh ra ở Phủ Khoái Châu, lộ Đông bên kia sông Cái. Cha là thầy thuốc có tiếng ở trong vùng. Bệnh nhân không chỉ ở lộ Đông mà ngay ở kinh thành Thăng Long, hàng ngày vẫn nườm nượp cưỡi đò sang. Thầy chỉ chữa theo bệnh, chứ không chữa theo tiền.
 
Người nghèo thầy chữa không mà vẫn bốc thuốc tốt thậm chí thuốc quý. Bệnh nhân ở xa có nơi ăn chốn ở tươm tất. Thầy tâm niệm người bệnh khỏi là thầy sướng, thầy vui. Điền sản có tới trăm mẫu thuốc loại “thượng đẳng điền”. Trâu cày có tới năm chục con.
Huệ Khanh là con thứ ba. Đầu là anh cả. Tiếp là chị hai. Từ bé đã nghịch như con trai. Thậm chí cầm đầu cả lũ con trai. Ngoài chuyện trèo cây - trèo cối, bẫy chim trong làng, câu cá, Huệ Khanh còn đòi đi học. Mười một tuổi đã đọc được sách chữ Nho. Không thích đọc tình cảm, chỉ thích đọc sách lịch sử với những anh hùng có chí chọc trời khuấy nước. Truyện Hai Bà Trưng, bà Triệu, Huệ Khanh thuộc làu làu. Huệ Khanh cũng rất thích xem hát bội (tuồng), nhất là các vở tuồng lịch sử. Một lần ở Hà Nam bên kia sông đang diễn vở Hạng Vũ bái biệt Ngu Cơ. Đang mùa lũ lớn, nhưng dân có máu mặt cũng tụ tập, cưỡi thuyền lớn sang xem. Trong số đó có Huệ Khanh vừa tròn mười ba tuổi. Khanh chen lấn, xô đẩy chiếm được chỗ sát trên sân khấu. Tuồng cổ vốn lấy hùng và bi làm tích diễn chính. Sự diễn tiến từ hùng sang bi thật mau lẹ, dồn dập khiến trái tim non nớt của Huệ Khanh vô cùng thổn thức.
Vừa mới sáng Hạng Vũ - Bá Vương của nước Sở trong một ngày giao chiến đã đánh bại tới tám chục tướng Hán. Thì ngay sau đó, màn đêm buông xuống, Trương Lương - quân sư của phía Hán - lên nói Kẻ Minh thời một khúc tiền buồn tê tái. Giữa đêm khuya, gió thu lạnh lẽo, trăng thu buồn bã như ánh vàng nhạt nhẽo, rắc trên các ngọn cây cao. Tiếng tiêu mỗi lúc một bi ca, ai oán, réo rắt gieo vào lòng người nỗi buồn viễn chinh không lối thoát. Kèm theo tiếng tiêu là bài bi ca: “Đêm thu mù mịt trời sương/ Có người thiếu phụ quê hương lạnh lùng/ Sa trường vó ngựa/ Trầy gót tinh nhung/ Con thơ nheo nhóc mịt mùng dặm xa/ Cơ hàn đau đớn mẹ cha/ Canh khuya vò võ tuổi già đợi con/ Mơ màng nửa giấc ba sinh/ Một đi, một nhớ, một mình canh thâu”.
Quân sĩ mặt mày ủ rũ, ngồi đứng không an. Rồi chúng không nghe lệnh các tướng, cùng nhau bỏ trốn đi hết. Chỉ trong chốc lát dinh Sở trống không. Các tướng thấy vậy cũng bỏ trốn theo. Chỉ còn Chu Lan và Hoàn Sở cùng tám trăm quân cố thủ cửa trại. Một lát sau Hạng Vũ thức dậy, nhìn thấy doanh trại trống không, thất kinh chạy ra hỏi:
- Quân Hán đã chiếm được doanh trại rồi sao?
Chu Lan và Hoàn Sở khóc lóc thuật lại mọi chuyện và khuyên Hạng Vũ:
- Xin Đại vương phải đánh gấp phá vòng vây, chậm trễ quân Hán kéo đến thì không thể thoát được!
Hạng Vũ chạy vào trướng bảo với Ngu Cơ.
Ngu Cơ than rằng:
- Trời cố diệt chúng ta chăng?
Hạng Vũ thấy Ngu Cơ khóc lướt mướt cầm tay nói:
- Tướng sĩ đã trốn hết. Ta định từ giã nàng, liều mình phá vùng vây. Tuy nhiên lòng ta lại không nỡ.
Ngu Cơ nghẹn ngào nói:
- Thiếp đội ơn Đại vương thương tưởng, nguyện khắc cốt ghi lòng. Dẫu có chết xin được hóa kiếp thành cỏ may bám vào ống quần chàng.
Hạng Vũ sai bầy rượu để hai người đối ẩm. Hạng vương ngâm mấy câu thơ buồn: “Tấm thân lấp biển vá trời/ Thanh gươm yên ngựa một đời dọc ngang/ Giờ đây mưa gió phũ phàng/ Anh hùng mạt lộ, giang san tiêu điều”.
Ngu Cơ cũng đáp lại bằng mấy câu “Cát đằng nương bóng cội tùng/ Bấy lâu khăng khít thủy chung một lòng/ Tơi bời vì ngọn gió đông/ Cột tùng siêu vẹo, cát đằng bơ vơ”.
Chu San và Hoàn Sở từ bên ngoài vào giục:
- Trời sắp sáng rồi, mong Đại vương khởi hành.
Hạng Vũ nói với Ngu Cơ:
- Chúng ta thề cùng sống chết. Nàng hãy lên ngựa, ngồi sau lưng ta. Cùng ta phá vây, chém tướng.
Ngu Cơ quỳ xuống nghẹn ngào nói:
- Không! Không! Thiếp không thể để liên lụy tới chàng được.
Rồi bất thần vùng dậy, tuốt thanh gươm bên sườn Hạng Vũ kề vào cổ mình, cứa mạnh một nhát...
Hạng Vũ đau đớn hét lên một tiếng, toàn thân run rảy. Chu Lan và Hoàn Sở bước tới đỡ Hạng Vũ và nói:
- Xin Đại vương lấy giang san làm trọng. Đừng quá bi lụy như vậy.
Hạng Vũ nghiến răng lên ngựa, vung đao xông ra. Hạng Vương đánh mấy chục trận, thoát khỏi trùng vây. Chu Lan và Hoàn Sở không ra nổi ngửa mặt lên trời nói lớn: “Đại vương ơi! Chúng tôi đã kiệt sức rồi.” Nói xong hai người rút gươm tự sát. Hạng Vũ chỉ còn mười tên quân, chạy đến sông Ô. Quân Hán không dám đuổi theo. Người đình trường Ô giang đã cắm thuyền đợi sẵn, giục:
- Đại vương mau xuống đi! Giang Đông tuy nhỏ nhưng đất vuông ngàn dặm, có thể lập lại cơ đồ được.
Hạng Vương thở dài, lắc đầu nói:
- Ta khởi binh đến nay, bách chiến bách thắng. Nay chỉ thua một trận mà mất cả cơ đồ. Nhớ khi xưa, năm ngàn con em nước Sở theo ta, nay chẳng còn một ai. Nay dù dân chúng yêu mến vẫn tin ta làm vua, nhưng ta còn mặt mũi nào trong thấy các bô lão nước Sở nữa. Nói rồi rút gươm kề vào cổ và trước khi cứa gọi lớn: “Ngu Cơ ơi! Nàng hãy đợi ta cùng đi!”
Có lẽ người xem chăm chú nhất vở tuồng chính là cô bé mười ba tuổi Huệ Khanh. Tim đập dồn dập, dường như tất cả máu trong người dồn lên mặt, khiến hai má cháy bừng bừng. Đến đoạn kết, Huệ Khanh hét lên một tiếng: “Đừng” rồi gần như ngất lịm đi. Những người đi cùng phải vực cô bé xuống thuyền.
Nửa đêm về sáng Huệ Khanh không sao chợp mắt được. Hình ảnh dũng mãnh phi thường của Hạng Vũ trong vở tuồng cứ mỗi lúc một xoáy sâu vào đầu óc còn non nớt của cô bé. Từ “mê mệt” Hạng Vũ, cô bé chuyển sang “si mê” diễn viên tuồng đóng vai nhân vật này. “Anh ta chắc cũng phải là anh hùng phi thường lắm”. Canh năm, tiếng gà đã gáy dồn. Huệ Khanh chợt có một quyết định lạ lùng và táo bạo vô cùng là phải trở lại bên kia sông, gặp bằng được người đã đóng vai Hạng Vương. Sang muộn, sợ đoàn tuồng dời đi nơi khác. Huệ Khanh khẽ khàng mở cổng tay xách theo cây kiếm gỗ xuống chuồng trâu, đến chỗ nhốt riêng một con trâu đực vô cùng lực lưỡng và hung dữ. Cánh thợ cầy - dù là thợ lành nghề, giầu kinh nghiệm mỗi khi phải cày với nó là vô cùng sợ hãi. Đang cầy dở dang, nó đốc chứng kéo cày chạy băng băng trên đồng thì hỡi ơi!... phải bỏ của mà chạy lấy người. Có lần một anh đô vật, khỏe nhất làng, lại là thợ cày nổi tiếng của hương, của huyện cầm cày nó. Gần trưa, bỗng dưng nó nổi xung lên. Anh này cũng không vừa, quấn thừng vào tay mấy vòng; ghìm đầu nó xuống. Nó giả vờ ngoan ngoãn, cầy tiếp. Đến lúc tháo cầy, nghỉ trưa, nhìn hai con mắt nó đỏ như hai hòn than đang đượm lửa anh thợ cày nhanh trí nhảy tạt lên bờ. Nếu không, chắc đã bị nó húc cho lòi ruột. Những lúc như thế chỉ có Huệ Khanh là khuất phục được nó. Chỉ với ba tiếng Nghé hoa ơi! ngọt ngào và âu yếm, con vật dù đang nổi cơn điên đến đâu, đôi mắt cũng dịu lại, hiền lành như vốn có của loài trâu.
...Huệ Khanh mở gióng dắt con Nghé hoa ra. Nó khịt mũi liên hồi vui mừng đánh hơi người thân. Cô bé phải vỗ vào cái trán rộng, từ đó trổ ra cặp sừng không kềnh càng, to lớn lắm, nhưng thật đanh gọn và nhọn hoăn hoắt, thì thầm bảo: “Yên nào! Mọi người thức dậy thì chết!”
Hai cô trò nhằm hướng bờ sông. Lúc này nước lũ đỏ ngàu đã ngấn tới thân đê.
- Nghé hoa này! Em hãy gắng sức đưa chị sang bên kia sông nhé! Chị không thể không sang được. Huệ Khanh thì thầm vào tai, rồi đẩy nó xuống nước. Còn mình thì nhảy tót đứng lên tấm lưng đen bóng to như mặt sập gụ. Càng xa bờ nước sông càng chảy xiết. Huệ Khanh phải liên tục hô “vắt! vắt!” và kéo sợi căng giây thừng xỏ qua mũi điều khiển nó bơi chéo lên phía thượng lưu. Thỉnh thoảng lại dùng cây kiếm gỗ đánh yêu vào quả mông căng tròn to hơn lồng bàn và bảo: “Nào, Nghé hoa! Hãy cố lên!”
Con trâu đã thở phì phò. Cả lúc đã tưởng đuối sức khi vào chỗ nước xoáy. Nhưng rồi những cái đánh yêu cộng với lời động viên của cô chủ đã giúp nó vượt lên. Nhưng rồi một sự cố đã xảy ra. Do nước xoáy cuộn lên, lưng trâu trơn nhẵn khiến cô bé suýt trượt xuống sông. May còn nắm được sợi dây thừng. Nhưng than ôi sợi dây sỏ qua mũi con Nghé hoa bị kéo căng khiến đầu nó nghẹo về một bên. Nghé hoa cứ theo sự điều khiển của sợi dây ấy mà quay vòng tròn, giữa dòng nước lũ. Huệ Khanh xoạc hai chân cố bám chặt trên lưng nó, mặc cho nước bắn tới tận ngực, ướt như chuột lột. Một lúc sau, cô bé mới định thần, thả lỏng sợi dây ra lái Nghé hoa theo hướng đã định. Thật là hú vía! Vật lộn gần nửa canh giờ hai cô trò mới sang được bờ bên này. Huệ Khanh dắt nó đến bụi tre ở rìa làng, buộc dây thừng vào thân tre rồi dặn:
- Chịu khó chờ chị nhé! Đừng sốt ruột đấy!
Rồi mặc cho quần áo ướt lướt thướt, cô bé rón rén bước về phía đình làng, nơi đoàn tuồng trú ngụ qua đêm. Chợt gặp một người đàn bà đứng tuổi từ trong sân bước ra. Không giấu được vẻ hồi hộp cô bé hỏi:
- Bác ơi! người diễn Hạng vương đêm qua ngủ ở đâu ạ!
- Cô muốn tìm người ấy làm gì?
Người đàn bà ngạc nhiên hỏi lại.
- Cháu muốn...muốn nói chuyện...với anh ấy!
Huệ Khanh lắp bắp nói.
- Chắc cô đã mê anh ta chứ gì?
Người đàn bà tinh quái đáp lại.
Huệ Khanh đứng tim không biết nói sao.
Người đàn bà ra vẻ tận tình bảo:
- Đi ra sau đình! Làng ai cho ngủ ở chốn linh thiêng này! Ngay rạp dựng đầu tiên...là chỗ ngủ Vua Hạng Vương đó!
Không kịp cảm ơn, cô bé rón rén bước vòng theo sự chỉ dẫn của người đàn bà.
Mới đứng phía ngoài Huệ Khanh đã nghe tiếng ngáy rất to của ai đó như tiếng kéo bễ lò rèn. Mạnh bạo nhìn vào trong, thấy một ông già to xương, cao lớn nằm cong queo trên nền đất. Râu tóc bạc phơ. Má hóp, trán nhăn. Tiếng bễ lò rèn tỏa ra mùi nồng nặc rất khó chịu, kinh khủng hơn cả mùi nước điếu cày đổ ra nền gạch. Mặt nạ cũng râu tóc đen mượt vứt lung tung dưới đất!
Đấy! Hạng Vương của cô đấy! Anh hùng vô địch thiên hạ đấy!
Không có ai ở bên nhưng sao Huệ Khanh nghe rõ mồn một tiếng người đàn bà hồi nãy rót vào tai như cười đùa, như riễu cợt.
- Không thể như thế được! Không! Không thể có chuyện này xảy ra! Lần đầu tiên trong đời, cô bé mười ba tuổi được nếm trải nỗi thất vọng vô bờ bến là như thế nào?
Huệ Khanh vừa chạy trở lại phía bờ sông trong đầu vừa vang lên những câu như thế. Như người vô hồn, cô bé tháo trạc trâu dắt Nghé hoa lên bờ đê. Lúc này trời đã sáng rõ. Nắng hè chói chang khiến dông lũ như càng hung dữ hơn. Bờ bên kia sao mà xa lắc vậy!
Trong khi đó ở nhà mọi người nháo nhác chạy đôn chạy đáo vì không thấy Huệ Khanh đâu. Hồi sau có một người đến báo cuối canh năm thấy cô bé dắt Nghé hoa ra phía bờ sông. Nó dắt nghé hoa ra bờ sông làm gì nhỉ? Thôi chết rồi, có thể mê gánh tuồng quá, nó đem con trâu đi bán lấy tiền làm lệ phí cũng nên? Những câu hỏi ấy dồn dập đến trong đầu bố mẹ Huệ Khanh. Phải thuê thuyền vượt sông
ngay. Không gánh hát dời đi thì làm sao tìm thấy con bé đây?
Khi con thuyền lớn với bốn tay chèo lực lưỡng vượt dòng nước lũ cập được bến bên kia, mọi người vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, vừa kinh hãi thấy Huệ Khanh đang gục mặt vào đầu gối cùng với những tiếng khóc vẫn còn tấm tức. Bên cạnh là chú Nghé hoa vừa thở phì phì vừa thản nhiên gặm cỏ.
Bà mẹ khốn khổ ào đến ôm đứa con gái, mà ở tuổi này đã có thể gả chồng được rồi[1]. Nhưng mà nó cứ ngỗ ngược thế này hồi môn có tới mười mẫu ruộng, năm bảy con trâu cũng không ai dám rước.
Tiếng khóc tức tưởi vì thương con thì nhiều mà giận con thì ít khiến Huệ Khanh như bừng tỉnh. Bà mẹ hỏi dồn dập trong nước mắt:
- Sao mà ra nông nỗi này hả con? Ai đưa con cùng...Nghé hoa sang sông?
- Không ai đưa cả?
Huệ Khanh đáp theo phản xạ.
- Không ai đưa cả? Thế là thế nào? Hay con tôi bị ma nó ốp dẫn giải qua đây?
Bà mẹ càng khóc to hơn.
Đến lúc này thì Huệ Khanh như đã tỉnh hẳn, cô bé nói thật:
- Con đứng trên lưng Nghé hoa...quất vào mông nó.. thúc nó bơi qua đây!
- Thôi thế này thì con tôi bị.. ma quỷ ốp thật rồi!
Bà mẹ càng khóc to hơn.
Người cha, thày lang giỏi giang và hiền từ nhất vùng bảo:
- Thôi con nó còn sống mà lành lặn là mừng nhất rồi. Đưa nó về nhà thôi. Chuyện ma ốp tính sau.
Một năm yên ả trôi qua, hàng ngày Huệ Khanh lúc thì đọc sách lúc thì chơi đùa thỏa thích với lũ trẻ con cùng trang lứa trong làng. Hình như vừa lớn tuổi, vừa phổng phao hơn, nên được chúng nó tôn là chị. Bà chị thường đem cam thảo thái lát và táo tầu mềm ngọt lịm là hai vị thuốc quý của cha ra chia khiến lũ đàn em càng thêm yêu quý.
Lại nói ở hương (tương đương với xã bây giờ) có hai làng, cùng chung một cánh đồng cỏ tự nhiên chừng hai chục mẫu[2] là nơi thả trâu bò. Cũng vì cái sự chung này mà nhiều phen sóng gió đã nổi lên. Khơi mào cho mỗi lần là một kiểu. Lần này, nhà bá hộ ở làng bên chả biết tậu được ở tận đẩu tận đâu một con trâu rừng đực cực kỳ to lớn và hung dữ. Khi nó ra cánh đồng gặm cỏ là lũ trâu bên này sợ mất vía. Có người bảo đây là giống trâu ở phương bắc. Ông ta (chỉ nhà bá hộ) tậu về gây giống nhằm độc chiếm bãi chăn thả chung của hai làng. Đúng là một âm mưu thâm hiểm. Đàn trâu của nhà Huệ Khanh có bãi chăn riêng. Bởi thế phải dăm bẩy mười ngày nghe lũ đàn em kháo Huệ Khanh mới biết tin này. Tự nhiên thấy lòng sôi sục lên. Huệ Khanh bảo lũ trẻ trâu dẫn ra tận mục sở thị. Thì trời ơi! Đó là con quái vật chứ đâu phải là trâu nữa. Cái đập vào mắt Huệ Khanh đầu tiên là tấm thân khổng lồ gấp ba lần trâu thường, bộ lông dài như rễ si, thả gần sát mặt cỏ. Và cặp sừng kềnh càng vươn ra từ hộp sọ to như trống cái. Nó ung dung một mình một chợ tự tin gặm cỏ.
- Nó đích thị là Ngưu ma vương rồi!
Huệ Khanh nói với lũ trẻ.
- Thế làng mình thua à?
Một đứa hỏi lại.
- Thua là thua thế nào? Huệ Khanh vặc lại. Để chị tính đã.
Chiều hôm sau, Huệ Khanh đem một bó cỏ tươi nõn vứt vào chuồng cho Nghé hoa. Một lúc sau mở dóng dắt nó đi nhằm về phía bãi chăn thả. Gần chục đứa trẻ đi theo. Huệ Khanh im lặng vẻ mặt căng thẳng. Lũ trẻ cũng không đứa nào hé miệng nói nửa lời.
Đến bìa làng tất cả dừng lại. Giữa bãi cỏ trống trải chỉ có một mình con Ngưu ma vương tự tung tự tác. Huệ Khanh chỉ con quái vật và nói với Nghé hoa:
- Nó đấy! Em trông thấy chưa?
Nghé hoa khịt khịt mũi đánh hơi. Khứu giác của nó tuy không bằng loài chó nhưng có phần nhạy cảm hơn thị giác. Nó chậm rãi tiến lên vài bước. Đôi mắt như đang tập trung tinh lực. Có vẻ như nó đã nhận ra kẻ thù. Tim Huệ Khanh đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Hồi hộp - lo lắng cực độ. Nhỡ Nghé hoa chết thì sao! Nhưng điều mà Huệ Khanh sợ nhất lúc này là Nghé hoa tháo lui. Ôi! Thế thì nhục nhã quá. Nếu chuyện này xảy ra thì Huệ Khanh sẽ không chơi với Nghé hoa nữa! Nhưng kìa, hai con mắt của nó đang đổi mầu, đỏ dần lên. Như vậy là nó đã quyến đấu rồi. Huệ Khanh vừa mừng vừa lo. Nhưng vẫn đủ bình tĩnh nói:
- Họ! Họ! Dừng lại một chút để chị quấn cái chạc lên...cho gọn. Không lúc chạy vấp vào thì khốn!
Quấn xong, Huệ Khanh thét lớn. Lũ trẻ chưa bao giờ nghe tiếng thét nào dữ dội và đanh gọn như thế:
- Nghé hoa! Chết đứng còn hơn sống quỳ! Xông lên!
Cùng với tiếng thét cây kiếm gỗ trong tay Huệ Khanh vụt đen đét vào cặp mông rất mẩy, đen tròn của nó. Những cú vụt cực mạnh lúc này có tác dụng như liều thuốc kích thích.
Nghé hoa chồm lên - lao vút về phía trước. Phía bên kia, con Ngưu ma vương không tỏ ra bị bất ngờ. Nó cũng đã đánh hơi và nhìn rõ đối thủ. Dường như loài trâu khi lâm trận không hề gầm thét như các loài thú khác mà vẫn lặng lẽ như khi đi trên luống cầy. Nhưng sức lực của chúng đổ ra thật là kinh hoàng. Chỉ sau mấy cái chớp mắt hai con trâu đã lao vào nhau. Va một tiếng “rầm” âm vang mà khô khốc vang lên.
Mắt vẫn mở căng, nhưng vẻ mặt hồng hào thường thấy của Huệ Khanh đã tái đi. Ồ kìa! Huệ Khanh khẽ kêu lên khi thấy tấm thân kềnh càng của con Ngươi ma vương đổ xuống. Cùng lúc đôi chân của nó quay ngang ra đạp đạp vào không khí. Huệ Khanh bật chạy lên. Một cảnh tượng thật bất ngờ và khủng khiếp. Một chiếc sừng cong, to, dài bật long ra khỏi cái sọ của con Ngưu ma vương. Và tấm thân to lớn thì đổ vật nghiêng xuống. Còn Nghé hoa hai mắt vẫn đỏ đòng đọc như hai hòn than và cặp sừng vẫn ghìm xuống giữ cái đầu của đối thủ. Nó không hiểu được rằng đối thủ của nó đã chết.
Dân gian có câu rất chí lý thế này: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang. Đánh người xong thì mặt vàng như nghệ”. Huệ Khanh lúc này cũng như thế. Cô bé thấy lo sợ hơn là vui mừng, vội gỡ đôi chạc vắt gọn quanh cổ Nghé hoa ra, rối rít giục:
- Nghé hoa ơi! Về thôi! Trốn thôi! Chủ nó biết...sẽ ra giết chết mình mất!
Thế là cả người và trâu hớt hải chạy về.
Tin con Nghé hoa nhà thầy lang húc chết con Ngưu ma vương ở làng bên chả mấy chốc mà bay từ xóm trên xuống xóm dưới, luồn vào tận bụi tre, ngõ ngách, hang cùng ngõ hẻm. Người đổ ra bãi chăn thả một lúc một đông nghịt. Cuối cùng tin đó cũng đến tai cha mẹ Huệ Khanh. Vốn hiền lành, đôn hậu, chưa bao giờ to tiếng với ai, thầy lang cho người sang làng bên xin mua lại con Ngưu ma vương. Tất nhiên là mua với giá trâu sống. Trâu mới tậu ở phương bắc về. Viên bá hộ vừa để gỡ lại vốn, vừa muốn giữ thể diện, đồng ý. Nhưng giá cả xin được tính đã tiền mua trâu, công chăn dắt từ miền ngược về. Tổng cộng là sáu mươi quan tiền. Thực ra chỉ bốn mươi quan đã lãi chán.
Cha Huệ Khanh cho người đem tiền sang trả. Sau đó nhờ mấy tay đồ tể trong làng mổ con quái vật chia cho mỗi nhà một miếng. Trẻ con có thịt trâu ăn thì sướng lắm. Còn người lớn thì nghĩ sâu sa hơn, thế là âm mưu độc chiếm bãi chăn thả đã được chặn lại.
Tuy nhiên bố mẹ Huệ Khanh thì rầu lòng lắm. Một tối bà mẹ nói với ông chồng:
- Nhà mình nhiều đời nay ăn ở nhân đức. Vậy sao lại nẩy nòi ra con nặc nô này?
Ông chồng bình tĩnh hơn đáp lại:
- Người ta thường nói con hư tại mẹ. Tôi lại nghĩ khác cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tôi đã tính kỹ rồi, tính từ năm ngoái khi còn bé cả gan đánh con Nghé hoa vượt lũ sông cái sang ấy. Bây giờ thì quyết thôi! Quyết ngay thôi!
- Ông định thế nào?
- Tôi tính đưa nó lên kinh... Đưa lên nhờ chú Tạ Đức nuôi dưỡng chăm sóc. Thím Ngô Thị Dung là người đàn bà đẹp người, đẹp nết. Công - Dung - Ngôn - Hạnh vẹn toàn cả. Nhờ chú thím ấy dạy bảo, uốn nắn... biết đâu nó thay đổi tính thì phúc cho nhà mình quá. Cũng nhờ chú thím ấy tìm cho nó một tấm chồng. Không cần giầu sang phú quý. Chỉ cần nó yêu thương con bé là mừng rồi.
Mươi ngày sau, vào một sáng giữa tiết trời thu, Huệ Khanh được đưa lên thuyền. Đã gần mười lăm tuổi rồi, tính Huệ Khanh vẫn như đứa trẻ lên mười. Người mẹ cùng mấy gia nhân đầy tớ (nam có, nữ có) đưa Huệ Khanh đi. Cô bé dắt theo Nghé hoa ra bờ sông. Cùng đi tiễn còn lố nhố có hơn chục đứa bạn, có đứa bé còn ở tuổi chưa phải mặc quần cũng lũn cũn chạy theo. Một tay dắt Nghé hoa, tay kia ôm theo con lợn đất quết sơn đỏ có vẻ rất nặng (tất nhiên đồ dùng có người hầu kẻ hạ lo).
Đến gần chiếc thuyền gỗ khá to, Huệ Khanh quay lại, úp mặt vào đầu Nghé hoa, hai tay với lên nắm lấy cặp sừng hình cánh ná nhọn hoắt, nghẹn ngào nói:
- Chị phải đi đây! Chị phải lên kinh đô Thăng Long...thì mới lấy được chồng. Ở làng thì... chó nó cũng chả thèm! Nghé hoa ở lại ngoan nhé! Chịu khó cày cuốc... Đừng đốc chứng không có chị ở nhà bênh... Nghé hoa đốc chứng là bị đánh đòn... Thậm chí bị mổ thịt đấy!
Có lẽ những vật nuôi trong nhà vô tâm, vô tính, nhất chỉ là con trâu. Bởi thế trước lời nói nhất mực nghẹn lòng, nó cũng chỉ ngước đôi mắt rất đỗi hiền lành lên nhìn, ngoài ra không có bất kỳ một phản ứng nào.
Quay lại đám trẻ đi theo, Huệ Khanh bảo:
- Chị đi đây! Các em ở lại... thiếu chị, chớ có buồn. Chị đi... chị nhớ các em lắm. Chị có ít quà cho các em. Đừng chê ít... và cũng đừng tỵ nhau người được hơn, được kém nhé!
Nói xong Huệ Khanh đến trước mũi thuyền, đập con lợn đất sơn đỏ vào đấy. Một đống tiền xu vàng chóe đổ ra, xen lẫn có cả một vài đồng bạc trắng. Huệ Khanh vẫy các bạn lại gần, bốc cho mỗi đứa một nắm. Đặt tiền vào tay đứa nào xong, Huệ Khanh đều chụp hai bàn tay mình vào, nắm chặt một lúc mới rời ra. Lũ trẻ được tiền thì thích lắm! Nhưng hình như chúng cũng hiểu được rằng đây là giờ phút chia ly tiễn biệt nên tất cả đều rầu rầu im lặng.
Mái chèo khua nước. Con thuyền gỗ rời bờ. Huệ Khanh không quay nhìn lại, đăm đăm nhìn về phía bờ bên kia. Trong đầu suy nghĩ mông lung, không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao?
* * *
[1] Thời phong kiến, nạn tảo hôn thường diễn ra với câu “nữ thập tam, nam thập lục” là có thể dựng vợ, gả chồng.
[2] Một mẫu Bắc Bộ rộng 3.600m2
TRUYỆN NGẮN CỦA BÙI VIỆT SỸ (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa/nghe-hoa-877039.ldo

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...