Truyện ngắn: Chân trần tái ngộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ miền Tây xa xôi anh 'ngựa phi đường xa' bằng xế hộp có tài xế áo bỏ trong thùng đưa đón ghé thăm tôi. Gần bảy chục, tướng tá anh phong thái và ngon cơm hơn tôi nhiều nhiều lần.

Minh họa: KIM DUẨN
Minh họa: KIM DUẨN


Cao ráo, ria mép và râu quai nón vòng từ mang tai qua mang tai mảnh như chiếc đũa con. Cha mẹ ơi... già mà đẹp vầy, tôi e thời trẻ bạn già này ra đường nếu không bịt mặt, đàn bà con gái xứ ta mười người đắm đuối anh đúng một chục.

Tôi có viết văn có in sách. Anh nói:

- Chú mày... thông cảm nghe, chú mày sinh một chín năm sáu, tao năm hai vậy tao hơn chú mày bốn tuổi. Sách có câu "nhứt tuế như huynh tam tuế như thúc", hơn một tuổi là anh, hơn ba tuổi là chú. Tao gọi chú xưng anh là phải rồi... đúng hem?

- Dạ... anh.

- Toàn bộ sách của chú mày sáng tác tao thiếu hai cuốn nên đến tận đây mua và xin chữ ký về làm kỷ niệm.

Nói rồi anh biểu tài xế mở cốp xe mang vô, nào gạo nào khô, đặc sản các cái. Thêm một can mười lít đế Gò Đen danh trấn giang hồ. Gò Đen hàng đặt đó nghe - anh bảo vậy. Vậy rồi chén khách chén chủ. Anh nói với tài xế:

- Mày ngồi chung luôn. Tối nay ngủ lại một đêm chơi với "nhà dzăn". Chừng nào xỉn thì kêu taxi đi khách sạn.

Văn chương nghệ thuật cùng tác giả tác phẩm thao thao tuôn ra từ ba cái mỏ làng. Anh đọc nhiều. Các tác giả từ Tây sang Đông từ Âu sang Á. Văn học cổ điển và hiện đại anh nói tôi nghe không dám xen một câu. Lại sành thi ca mới là ác chiến. Thích thật. Tầm cỡ này mà đi xế hộp, hạ mình, thăm viếng thì sướng luôn chứ thích là chuyện nhỏ. Hết văn chương lại tâm sự đời tôi:

- Bà mẹ nó... sau rút lui chiến thuật, tức là chạy làng, tao đang ở Huế. Đúng là "mất nhà lũ chó lăng xăng chạy, mất tổ đàn chim dáo dác bay" mày ơi. Tao cởi đồ trận vô nhà dân xin đồ xivin. Súng ống đồ trận mũ nồi đỏ đen xanh nâu vứt đầy đường. Ê... mày biết không... tao là vua đi bộ đó nghe.

Có rượu nên tôi cũng rổn rảng:

- Anh đi bộ sao qua thằng này.

- Ừ há... tao quên mày là dân "ngậm diêm mễ tìm trầm".

- Tìm trầm thì nghĩa địa gì. Đi "địu" mệt thì nghỉ. Xét cần ngồi chơi đấu láo cả buổi cũng không sao. Đi tìm may mắn không vội được. Tự do. Còn đi mà được quy định bởi thời gian mới là ác đạn.

- Là sao?

- Thì có giai đoạn gia đình rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu. Ăn sạch bách dăm ba đồng bạc lẻ, tôi phải kiếm sống bằng nghề tiều phu. Tự chặt củi, tự đem về bán cho lò than bằng cách thuê cộ bánh hơi.

Cộ bánh hơi là một cái thùng được đóng bằng gỗ, dưới thùng có nhíp có trục để gắn hai bánh xe tải, đằng trước là hai cái càng. Tài xế nắm càng khoác sợi dây lên vai, phía sau là ba bốn năm anh chị em đẩy. Trên cộ là củi để bán cho lò than.

Lúc ấy tôi ở thị trấn Phú Thạnh và đi lấy củi trên đỉnh đèo Cù Mông. Từ thị trấn lên đỉnh đèo là chục cây số. Hết đèo còn phải trèo lên đỉnh núi mới có củi. Bốn giờ sáng là cơm nắm trong mo cau cùng búa rựa lên đường.

Đi bộ sao cho đến đỉnh đèo là rạng sáng. Giải lao mười lăm phút lại thêm nửa tiếng để... trèo lên, dô ta, ta hãy trèo lên... chỗ có củi. Cơm nước xong là vung búa vung rựa nhại thơ Phan Chu Trinh rằng: Làm trai đứng trên đỉnh Cù Mông. Vùng vẫy cho ra củi đốt than. Vung rựa chặt bay dăm bảy khúc...

Ngừng lấy hơi, nhấp ngụm rượu, tôi kể tiếp:

- Hôm ấy vung tay hạ một cây kơnia, rựa của tôi bị gãy đôi. Vậy là cả bọn kéo nhau lội bộ về. Anh biết không... trưa nắng chang chang, nóng và bén như thủy tinh. May mà đã được trui rèn nên cái gọi là tia cực tím chỉ đủ để trí tôi đen như heo mọi chứ chả mùi mẻ chi. Đang lê lết thì...

- Sao nữa... chú mày rê ra quá.

- Đi ngược với bọn tôi là một anh trai cũng đen như củ súng. Nhìn qua biết ngay lính bại trận đang trên đường về quê. Thấy anh đi chân trần tôi thương cảm quá nên băng qua...

Tôi hỏi:

- Sao chân trần vậy anh?

- Từ Huế vào, dép bị đứt nên vậy bồ ơi.

- Lết bộ mấy ngày rồi?

- Hai tuần rồi mới vô được tới đây. Về tận Vĩnh Long chắc trên hai tuần nữa.

Tôi thả đôi dép trong chân mình:

- Anh mang đôi này mà về... tôi cũng như anh chả có gì để giúp. Mong anh về đến nhà bình an.

Nghe đến đây độc giả ái mộ, gần bảy mươi đẹp và ngon cơm hơn tôi xa lắc, chồm qua bàn ôm vai tôi mà rằng:

- Bà mẹ ơi... nhà dzăn ơi... tao là cái thằng mày cho đôi dép nè... Cái chi tiết cho dép này mày chưa viết nên tao không biết, chứ biết là tao tìm mày từ khuya rồi...

 

Theo NGUYỄN TRÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...