Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai: 30 năm đồng hành cùng người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai không ngừng lớn mạnh, là cầu nối trong tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động.
Những năm 1986-1995, khi Nhà nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều xí nghiệp quốc doanh trong tỉnh bị thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Thời gian này, vấn đề lao động việc làm trở nên cấp thiết. Tình trạng thất nghiệp tăng ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Để tạo việc làm cho người lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã lập đề án đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập Trung tâm Đào tạo-Giới thiệu việc làm. Năm 1992, Trung tâm được thành lập với chức năng, nhiệm vụ là thông tin, tư vấn, đào tạo và giới thiệu việc làm cho người lao động. Trung tâm đã nhiều lần đổi tên gọi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Đến năm 2014, đơn vị được đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, cung ứng lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động, tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2010, Trung tâm được giao bổ sung thêm nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các trường dạy nghề và các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên tiến hành điều tra, nắm bắt nguồn lao động có nhu cầu tìm việc làm để xây dựng các giải pháp cung ứng giới thiệu kịp thời. Trung tâm cũng đã làm tốt vai trò cầu nối giữa “người tìm việc-việc tìm người”, kết nối cung-cầu lao động giữa doanh nghiệp, trường nghề, người lao động trong tỉnh và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Người lao động tham gia Hội chợ việc làm huyện Đak Đoa. Ảnh: Đinh Yến
Người lao động tham gia Hội chợ việc làm huyện Đak Đoa. Ảnh: Đinh Yến
Đối với công tác xuất khẩu lao động, Trung tâm đã liên kết với các đơn vị uy tín trong nước để tổ chức tư vấn, giới thiệu đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại một số nước như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức... Từ năm 1992 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 167 phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động. Ngoài ra, đơn vị còn tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho trên 200.000 người; giới thiệu việc làm cho 40.000 lượt người, cung ứng gần 20.000 lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tư vấn và giới thiệu đưa 2.694 người đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, giai đoạn 2007-2012, Trung tâm đã đưa 710 lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc. Thu thập thông tin vị trí việc làm tại 10.600 lượt doanh nghiệp với trên 100.000 vị trí việc làm trống. Trung tâm đã thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 41.555 người với số tiền chi trả gần 471 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ học nghề cho 315 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-cho biết: Tính riêng từ năm 2021 đến nay, huyện Đak Đoa phối hợp với Trung tâm tổ chức 3 hội chợ việc làm. Tại các hội chợ, 25 doanh nghiệp đã trực tiếp tư vấn, tuyển dụng lao động; hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức ủy quyền sơ tuyển lao động cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Theo đó, 400 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong số hơn 3.000 lượt người tham gia hội chợ. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhiều năm liền được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Việc làm tặng bằng khen, giấy khen; UBND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc và là cơ quan văn hóa; Công an tỉnh công nhận cơ quan đảm bảo an ninh trật tự.

Là lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xét trúng tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, anh Rơ Châm Phone (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho hay: Từ năm 2012 đến năm 2015, tôi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Công việc hàng ngày là thiết kế các dịch vụ nhà hàng, tiệc cưới. Hàng tháng, tôi thu nhập 60 triệu đồng. Nhờ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc mà cuộc sống của gia đình tôi khá giả hơn. Hiện tôi đang học thêm tiếng Hàn, khi có điều kiện sẽ tiếp tục đăng ký đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc.
Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-nhấn mạnh: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hình thành mạng lưới kết nối thị trường việc làm trên toàn quốc. Tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng mà không phải mất chi phí về tài chính và tiết kiệm được thời gian. Tăng cường hợp tác thông qua các chương trình thị trường lao động, có sự tham gia, đóng góp của các tổ chức tư nhân về dịch vụ việc làm và các tổ chức khác. Tiếp tục khai thác và thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ việc làm cho từng nhóm lao động phù hợp với điều kiện của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ viên chức, người lao động để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động trong thời kỳ mới.
ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.