Gia Lai: Chú trọng giải quyết thủ tục hành chính về đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.
Điểm sáng cơ sở
Ia Grai là một trong những địa phương giải quyết tốt hồ sơ đất đai với tỷ lệ hồ sơ bị trễ hẹn trong 9 tháng năm 2019 chỉ chiếm 0,01%. Theo ông Lương Đình Thảo-Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện, trong 9 tháng, đơn vị tiếp nhận và giải quyết  9.647 hồ sơ nhưng chỉ có 45 hồ sơ bị trễ hẹn.
Để đạt được kết quả này, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; ứng dụng công nghệ thông tin vào trao đổi, liên hệ khi giải quyết công việc; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đúng quy định, quy trình về thời hạn giải quyết đối với từng loại hồ sơ. Số hồ sơ bị trễ hẹn chủ yếu là do lỗi hệ thống, một số ít trường hợp đã giải quyết xong nhưng quên thực hiện thao tác kết thúc quá trình xử lý.
 Bộ phận một cửa UBND huyện Chư Prông chủ động giải quyết hồ sơ sớm cho người dân mà không cần đợi đến ngày hẹn.                         Ảnh: H.T
Bộ phận một cửa UBND huyện Chư Prông chủ động giải quyết hồ sơ sớm cho người dân mà không cần đợi đến ngày hẹn. Ảnh: H.T
Bên cạnh đó, hệ thống bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn huyện chưa được hoàn thiện, đồng bộ; mức độ biến động đất đai và chủ sử dụng đất trong thời gian gần đây là rất lớn, dẫn đến việc thẩm tra, giải quyết hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Hiện có khoảng 50% số xã trên địa bàn huyện vẫn còn sử dụng bản đồ địa chính dạng giấy, chưa có bản đồ số, gây khó khăn trong công tác giải quyết hồ sơ. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đồng thời phối hợp tuyên truyền cho người dân nắm bắt các quy định của pháp luật về đất đai; tập trung tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại nhằm giải quyết tốt hồ sơ đất đai trên địa bàn”-Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Ia Grai thông tin.
Tương tự, 9 tháng qua, VPĐKĐĐ huyện Chư Prông tiếp nhận, giải quyết 9.388 hồ sơ liên quan đến đất đai nhưng chỉ có 43 hồ sơ bị trễ hẹn (chiếm 0,45%). Theo ông Nguyễn Đình Thi-Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện, ngay từ đầu năm, đơn vị đã kiện toàn lại bộ máy tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể theo đúng sở trường cho từng cá nhân và gắn việc thực hiện nhiệm vụ với xếp loại thi đua, khen thưởng để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giải quyết công việc. Mặt khác, đơn vị cũng thống nhất quy chế làm việc, đặc biệt là giải trình, xin lỗi người dân khi hồ sơ bị trễ; chủ động trả kết quả ngay sau khi giải quyết xong chứ không đợi đến ngày hẹn. “Thực tế, những hồ sơ bị trễ hẹn ngoài do lỗi hệ thống còn do những yếu tố khách quan như: nhân lực của đơn vị ít nhưng khối lượng công việc nhiều; hồ sơ địa chính không thống nhất phải mất nhiều thời gian xác minh. Ngoài ra, địa bàn huyện Chư Prông rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông cũng khiến cho việc giải thích, tuyên truyền các quy định về đất đai gặp khó. Tới đây, đơn vị sẽ khắc phục những tồn tại nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trễ hẹn; tăng cường chỉnh lý hồ sơ địa chính; quản lý, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo sát sao để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật; phối hợp các ngành chức năng giải quyết từng vướng mắc, kiến nghị và tăng cường giải quyết sớm hồ sơ cho người dân”-ông Thi cho biết.
Có thửa đất nằm tại thôn Cát Tân (xã Ia Bang) nhưng vì địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thôn Phù Cát (xã Ia Vê) nên ông Tô Trọng Ninh không thể làm hồ sơ vay vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, mới đây, ông đã đến bộ phận một cửa của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông để đăng ký đính chính thông tin cho thửa đất. Nhờ có sự phối hợp nhanh gọn giữa các đơn vị liên quan, chỉ trong 1 ngày, hồ sơ của ông đã được giải quyết. “Theo quy định, phải 10 ngày sau tôi mới được trả kết quả hồ sơ. Nhưng sau khi biết nhà tôi cách trung tâm huyện đến 20 km, các cán bộ chuyên môn đã hỗ trợ giải quyết hồ sơ ngay trong ngày nên tôi không phải mất nhiều thời gian chờ đợi”-ông Ninh bày tỏ.
Nâng cao chất lượng giải quyết công việc
Ngoài huyện Chư Prông và Ia Grai, hiện nay, nhiều chi nhánh VPĐKĐĐ trong tỉnh cũng đã làm tốt công tác phối hợp giải quyết hồ sơ đất đai trên địa bàn; đặc biệt, nhiều địa phương không có hồ sơ bị trễ hẹn như huyện Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, Kbang, Krông Pa. Nhờ đó, kết quả giải quyết hồ sơ về đất đai trên toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2019 đạt nhiều kết quả tích cực với tổng số 100.461/111.854 hồ sơ được giải quyết đúng hẹn, 4.236 hồ sơ bị trễ hẹn (chiếm 3,79%). Ông Trịnh Hữu Tùng-Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh-cho rằng, có được kết quả trên chủ yếu là nhờ sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công việc chuyên môn, tổ chức hành chính, đặc biệt là có sự thống nhất trong toàn tỉnh về thủ tục, phương pháp giải quyết cùng một loại hồ sơ. Bên cạnh đó, hàng năm, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, giao ban định kỳ hàng tháng để nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong hệ thống VPĐKĐĐ.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, hiện nay, hoạt động của các chi nhánh VPĐKĐĐ trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ về đất đai trên địa bàn. Cụ thể, việc đo đạc, lập bản đồ địa chính chưa hoàn thiện; việc xây dựng cơ sở dữ liệu điều chỉnh chưa được thực hiện; nhiều công đoạn của quy trình xử lý còn làm thủ công... Bên cạnh đó, việc vận chuyển hồ sơ trả kết quả bằng đường bưu điện thường mất 2-3 ngày cũng ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ. “Hiện nay, VPĐKĐĐ tỉnh đang rà soát toàn bộ hệ thống hồ sơ địa chính, từng bước đề xuất, kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng VPĐKĐĐ thành đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên để chủ động trong công tác chuyên môn; từng bước đầu tư, đề nghị các cấp hỗ trợ trang-thiết bị, cơ sở vật chất cho các chi nhánh hoạt động, nhất là kho lưu trữ, máy móc phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng tổ chức các hoạt động giao ban, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay”-ông Tùng cho hay.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.