Trường Trung cấp Y tế tỉnh Gia Lai: "Đói"... học viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù cơ sở hạ tầng quy mô và khang trang nhưng Trường Trung cấp Y tế Gia Lai đang chịu cảnh đìu hiu vì gặp khó trong công tác tuyển sinh. 
Trường Trung cấp Y tế tỉnh Gia Lai được thành lập năm 1978. Ngôi trường này từng góp công lớn trong việc đào tạo nhân lực cho ngành Y tế tỉnh. Hiện nhà trường có 3 ngành đào tạo gồm: điều dưỡng, dược sĩ và y sĩ. Trường còn đào tạo sơ cấp đối với cô đỡ thôn làng (6 tháng) và nhân viên y tế thôn làng (3 tháng). Nhưng thực tế ngôi trường này đang rơi vào cảnh thiếu vắng người học.
 Khu ký túc xá của trường mới xây nhưng phải bỏ hoang. Ảnh: N.T
Khu ký túc xá của trường mới xây nhưng phải bỏ hoang. Ảnh: N.T
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng đang rơi vào tình trạng thiếu sinh viên. Cụ thể, năm học 2019-2020, trường có 300 chỉ tiêu nhưng đến đầu tháng 9-2019 mới tuyển được hơn 90 sinh viên, đa số đăng ký học ngành Sư phạm Mầm non. Không tuyển sinh đủ số lượng, nhà trường buộc phải ngưng đào tạo giáo viên THCS. Năm học 2018-2019, nhiều giáo viên 2 bộ môn Vật lý và Hóa học không tham gia giảng dạy vì không có lớp; không ít giáo viên khác xin chuyển công tác.

Giai đoạn 2012-2017, số lượng học viên của trường giảm dần theo năm. Cụ thể, năm 2012 trường có 537 học viên thì đến năm 2017 chỉ còn 70 học viên. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, nhà trường không tuyển thêm được học viên nào! Ông Lê Trọng Nguyên-Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường Trung cấp Y tế tỉnh) cho biết: “Năm học 2017-2018, nhà trường có 440 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 70 học viên, trong quá trình học thì rơi rụng dần và giờ chỉ còn 52 học viên. Tháng 9 này, các em tốt nghiệp là hết học viên. Năm học 2018-2019, nhà trường có 20 hồ sơ nộp xét tuyển nhưng không đến nhập học”. Còn ông Võ Gia Bắc-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Y tế tỉnh-cho biết: “Vì vướng một văn bản của Bộ Y tế quy định về việc không tuyển những người có trình độ trung cấp y tế vào làm việc ở các cơ sở y tế nên học sinh không đăng ký học tại trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết với các đơn vị đào tạo ngoài tỉnh để tuyển thêm học sinh, sinh viên. Chúng tôi nghe thông tin là trường sẽ được sáp nhập với Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai thành Trường Cao đẳng Cộng đồng”.
Để cứu vãn ngôi trường có bề dày lịch sử trên 40 năm, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có dự án nâng cấp trường lên hệ cao đẳng đã được triển khai với quy mô 1.000 sinh viên. Khuôn viên của trường ở xã Trà Đa (TP. Pleiku) cũng được mở rộng từ hơn 3 ha lên hơn 5 ha để đạt chuẩn cùng số tiền đầu tư gần 15 tỷ đồng. Một khu ký túc xá với quy mô 16 phòng, đủ chỗ cho khoảng 150 học viên được xây dựng cùng một số khoa phòng, thiết bị được nâng cấp, mua mới. “Chúng tôi đã cùng lãnh đạo tỉnh ra làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cơ bản, giá trị xây dựng cùng trang-thiết bị đạt 35 tỷ đồng là đủ điều kiện để nâng cấp lên thành trường cao đẳng. Lãnh đạo Bộ cũng ủng hộ. Nhưng sau trường được chuyển sang Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý thì điều kiện nâng cấp là 100 tỷ đồng. Chúng tôi gặp khó vì điều này”-ông Nguyên nói.
Hiện tại, khu ký túc xá vừa mới xây xong của trường bị bỏ hoang. Tình trạng này khiến 25 cán bộ, nhân viên, trong đó đa số có trình độ bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I bất an. Một số cán bộ và nhân viên đã nộp đơn xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. 
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.