Đức Cơ làm gì để "đánh thức" tiềm năng du lịch?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đức Cơ được thành lập cho đến nay đã tròn 30 năm (1991-2021). Đây là huyện biên giới có 35 km đường biên tiếp giáp với huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Dân số toàn huyện có trên 75 ngàn người, trong đó có khoảng 50% là đồng bào dân tộc Jrai. Hiện bà con còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo như: cồng chiêng, nhà rông truyền thống, tượng nhà mồ, các lễ hội dân gian...
Tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú
Từ TP. Pleiku đi chưa đầy 65 km là đến trung tâm huyện Đức Cơ và thêm chừng 20 km nữa sẽ đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh theo quốc lộ 19. Hiện nay, quốc lộ 19 rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách. Bên kia biên giới, quốc lộ 18 tiếp giáp với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tỏa ra khắp các tỉnh Đông Bắc Campuchia và đến Thủ đô Phnom Penh.
Huyện Đức Cơ là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ nói chung và ngành “công nghiệp không khói” nói riêng, nhất là du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với những điểm đến đầy hấp dẫn như: suối Đôi, rừng gỗ hương, cây đa di sản làng Ghè, thác Ia Xeh, thác Glong; các làng dệt thổ cẩm của người Jrai... Các di tích lịch sử văn hóa tâm linh như: Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ, Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Biên phòng, đường hành lang Bắc-Nam của Quân Giải phóng… Đặc biệt, Đức Cơ còn là trung tâm của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Xác định thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương, năm 2017, huyện Đức Cơ lập kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành thế mạnh đặc thù, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với việc quy hoạch du lịch chi tiết tại các điểm, khu du lịch, huyện đã tập trung nguồn lực tại chỗ và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của kinh tế du lịch... Đồng thời, huyện tăng cường hợp tác, gắn kết với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng các sản phẩm đặc thù, tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch.
Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Đức Thụy
Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Đức Thụy
Làm gì để khai thác hiệu quả tiềm năng?
Tiềm năng và kế hoạch phát triển du lịch đã có. Tuy nhiên, nếu không có những việc làm cụ thể thì dù tiềm năng vô hạn, kế hoạch rất hay thì du lịch Đức Cơ cũng không thể cất cánh. Với sự hiểu biết về ngành “công nghiệp không khói” có hạn, người viết bài này có vài đề xuất mang tính chất tham khảo. Theo đó, trên cơ sở tiềm năng vốn có mà từ lâu chưa được khai thác hiệu quả và từ kế hoạch đã định, huyện Đức Cơ nên có quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch cụ thể lại lần nữa, tất nhiên phải phù hợp với quy hoạch chung toàn ngành của tỉnh; xác định cho được vị trí, vai trò, lợi thế của ngành du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Qua quy hoạch cụ thể, huyện sẽ phân tích, đánh giá sao cho tương đối chính xác “vốn” về tiềm năng, nguồn lực, thị trường. Về điều này, chúng tôi cho rằng Đức Cơ đã hội đủ các yếu tố đó, khó chăng là… vốn đầu tư. Mấy năm lại đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn, trong đó có ngành du lịch. Vì vậy, thông qua quy hoạch có thể xác định quy mô đầu tư theo kiểu… nhà nghèo, có trọng tâm, trọng điểm, dễ triển khai và khai thác có hiệu quả.
Chúng ta cũng nên nghĩ đến việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn mới. Vậy có gì mới ở nông thôn mới Đức Cơ? Xin nêu một ví dụ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nôm na là cái mà chỉ có ở nơi này, không có ở nơi khác. Du khách về nông thôn, nhất là xã, làng nông thôn mới trong vùng đồng bào Jrai sẽ hiểu, sẽ biết và giao lưu với cộng đồng, thưởng thức văn hóa phi vật thể, ẩm thực, mua sắm gì ở đó. Điều này gần như còn bỏ ngỏ. Có chăng ở đâu đó, du khách có ghé về nông thôn theo kiểu tự phát, cũng “một đi không trở lại”, trong khi chúng ta luôn ngợi ca đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều nét văn hóa vật thể và phi vật thể-đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những việc nhỏ nhưng không thể bỏ qua
Đức Cơ là chiến trường ác liệt trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, để lại bao chiến tích. Ngoài việc tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ, Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Biên phòng, đường hành lang Bắc-Nam của Quân Giải phóng thì cũng cần phục dựng các mô hình hoặc thực địa về những nơi đóng quân của Quân Giải phóng, những hành lang xuyên rừng già, những bến đò chuyển quân… Mỗi một điểm đến, chủ nhà cần cung cấp thông tin chính xác, ngắn gọn cho du khách. Muốn có thông tin ấy, cần có một hội thảo thống nhất nội dung không trái với lịch sử đã được ghi nhận, có người chỉ dẫn chuyên nghiệp. Không chỉ các địa chỉ văn hóa lịch sử kháng chiến mà cả những điểm đến khác cũng cần làm như vậy. 
Bia di tích Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Ảnh: Hồng Thương
Bia di tích Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Ảnh: Hồng Thương
Việc ký kết hợp đồng, hợp tác với ngành chức năng, tuyên truyền, quảng bá cũng là vấn đề quan trọng. Một phần tiềm năng và đặc điểm của Đức Cơ như đã trình bày, nếu biết và làm tốt công tác quảng bá, lan tỏa rộng rãi sẽ thu hút một lượng du khách đáng kể về thăm lại chiến trường xưa. 
Việc nữa là môi trường và cây xanh. Nhiều điểm tham quan du lịch của huyện Đức Cơ mà người viết bài này đã có dịp ghé thăm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là rác thải nhựa. Một mặt do ý thức kém của các thành phần du khách đem lại, mặt khác phải nói đến là trách nhiệm của chủ nhà. Nếu mạnh dạn giao cho chính quyền, đoàn thể địa phương, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình tại các điểm đến đảm trách việc bảo đảm vệ sinh, có thu phí phù hợp, công khai minh bạch, có kiểm tra, giám sát, tất sẽ vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nhiều điểm tham quan, dã ngoại không còn hoặc không có cây xanh. Chúng ta không thiếu các loài cây bản địa, kể cả cây ăn quả đã thích nghi với môi trường, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, tạo thành những cụm, những thảm rừng và có “sơ yếu lý lịch” cho cây sẽ tạo cảnh quan xanh, mát cho du khách.
Với khuôn khổ có hạn, trong bài viết này nêu lên cũng chỉ là vài ý kiến nhỏ theo chủ quan của tác giả. Mọi sự thành công trong ngành “công nghiệp không khói” là ở nơi chủ thể-huyện Đức Cơ!
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.