Trải nghiệm cung đường di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi những cánh rừng cao su đồng loạt nhuộm sắc đỏ, hoa cà phê trắng muốt bên đồi, hoa pơ lang thắp lửa trên những cung đường dốc đứng, cao nguyên Gia Lai như mặc áo hoa để đón mùa mới, đón những bước chân du khách tìm đến trong bao la xuân.

Ai đó nói rằng, vừa chạm vào vùng cao nguyên rộng lớn này đã có cảm giác như đi giữa mùa thu châu Âu với những rừng cây lá đỏ. Nếu đến Gia Lai bằng xe đò, hướng từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) sang hay từ Bình Định lên hoặc xuôi đường Trường Sơn từ TP. Kon Tum xuống, cao nguyên Gia Lai như bức tranh đa sắc bồng bềnh trôi qua cửa kính xe, gây ấn tượng thị giác ngay từ cái nhìn đầu tiên. Còn chọn đường bay thẳng từ Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai nhìn từ trên cao quyến rũ từ trong sương, trong mây.

Cao nguyên đa sắc

Gia Lai nằm trên cung đường di sản Tây Nguyên nhưng là vùng đất của “bản sắc thị giác” bởi mỗi địa phương mang một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu. Sẽ không có nơi nào ở Tây Nguyên có những lễ hội văn hóa gắn với di sản thiên nhiên đặc trưng, mang đến ấn tượng mạnh về thị giác như vậy. Từ lễ hội đua thuyền độc mộc trên dòng Pô Cô huyền thoại, lễ hội hoa dã quỳ gắn với núi lửa Chư Đang Ya hùng vĩ đến lễ hội cỏ hồng ở thảo nguyên Glar. Và, “Gia Lai còn là điểm đến mới mẻ, giàu cảm xúc, mang đến nhiều trải nghiệm”-ông Phạm Hoàng Trực-Công ty Gotour Travel (tỉnh Bình Định) nhận xét như vậy.

Còn theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, Gia Lai có đủ loại hình đáp ứng đa dạng khách du lịch. Nếu là người yêu thích văn hóa, một ngày sống chậm ở Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (huyện Kbang), khám phá di sản văn hóa thế giới từ “bảo tàng sống” là cộng đồng Bahnar nơi đây, đồng thời khám phá những cánh rừng già, những ngọn thác hùng vĩ giấu mình trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng sẽ là tuyến đi đọng lại nhiều cảm xúc.

  Thác 50 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang). Ảnh:     Phan Nguyên
Thác 50 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên


Nếu vẫn dạt dào nguồn cảm hứng với văn hóa, cung du lịch phía Đông vẫn còn những địa điểm quyến rũ nằm ở thị xã An Khê. Đó là điểm du lịch khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá bên thềm sông Ba cổ. Di chỉ này vừa được công nhận di tích quốc gia và đang hoàn chỉnh hồ sơ để được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Bước chân trên vùng đất cổ xưa với lớp lớp chuyện cổ về lịch sử nguồn gốc của mình, có ai không tự hào về điều đó. Chính vùng đất cửa ngõ nối miền Trung với Tây Nguyên hùng vĩ là cái nôi của lịch sử loài người chứ không phải nơi nào khác của Việt Nam và của cả vùng Đông Nam Á. Điều này đã được các nhà khảo cổ học trong nước và thế giới khẳng định qua các cuộc khai quật và hội thảo quốc tế.

Cung du lịch trekking khám phá núi, sông, rừng, thác như chinh phục đỉnh Chư Nâm-nóc nhà phía Tây Gia Lai; chiêm ngưỡng thác 50-đệ nhất thác của khu vực Tây Nguyên lại là món mới đầy sức hút với khách du lịch trẻ thích phiêu lưu, mạo hiểm. Đặc biệt, trải qua 1 năm khó khăn do Covid-19, mọi người tìm đến với tự nhiên như trở về dưới mái nhà xưa. Do vậy, du lịch xanh vẫn là điểm cộng cho Gia Lai trên bản đồ du lịch Việt Nam để tiếp tục quyến rũ du khách.

Không chỉ có di sản thiên nhiên mà di sản do con người tạo ra cũng đang tạo sự cộng hưởng để tăng sức hấp dẫn. Hàng thế kỷ trước, người Pháp đã tạo ra những đồn điền chè rộng lớn trên vùng cao nguyên đất đỏ. Ngày nay, những đồng chè trăm tuổi ở Bàu Cạn hay ở Biển Hồ trà đều trở thành điểm đến xanh được nhiều người yêu chuộng. Đồng chè trăm tuổi sẽ được kết nối để trở thành những loại hình du lịch đồn điền hay du lịch canh nông hấp dẫn và phù hợp xu thế.

Đặc biệt, hàng thông trăm tuổi ở Biển Hồ chè còn được ví như “bản tình ca mùa đông” phiên bản Gia Lai, thậm chí còn đẹp hơn cả bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc. Chùa cổ Bửu Minh gắn với lịch sử di cư của người Việt trên cao nguyên, chùa Minh Thành-một tuyệt tác kiến trúc tôn giáo ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên là những điểm du lịch tâm linh có sức hút riêng trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Hướng đến 1 triệu lượt khách

Sự thay đổi thói quen dịch chuyển của người dân và du khách theo hướng tìm về với thiên nhiên trở thành cơ hội cho du lịch Gia Lai vốn có thế mạnh về loại hình du lịch xanh dựa vào di sản thiên nhiên và thành quả của ngành nông nghiệp lâu đời. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Du lịch Gia Lai hướng đến đón 1 triệu lượt khách trong năm 2021 và đến năm 2025 phấn đấu đạt 2,1 triệu lượt khách”.

   Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên


Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch lạc quan với con số dự kiến này. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ngành du lịch đã kịp thời triển khai các giải pháp, kịch bản ứng phó để vượt qua khó khăn. Gần 30 doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu với mức giảm giá dịch vụ 20-50% và sẽ tiếp tục giữ mức giá kích cầu này trong năm 2021 để kích thích khách nội địa. Sự vào cuộc của một số địa phương trong việc tổ chức các lễ hội, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người đã góp phần thu hút du khách theo tinh thần “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Ông Nguyễn Đức Hoàng đánh giá: “Tuy gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng một số địa phương cố gắng tổ chức lễ hội theo kế hoạch phát triển du lịch năm 2020 của tỉnh. Sức hút từ lễ hội đã giúp du lịch Gia Lai tăng đáng kể lượng khách trong những tháng cuối năm, đạt 800 ngàn lượt trong năm 2020, không sụt giảm nhiều so với năm 2019 là 845 ngàn lượt”.

Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021, theo ông Nguyễn Đức Hoàng, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu tại các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; tổ chức các đoàn famtrip với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí để khảo sát, quảng bá các điểm du lịch mới. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác, kết nối tour, tuyến để đưa khách du lịch đến Gia Lai và ngược lại; tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch quy mô quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh.

“Phát triển du lịch trở thành một trong những trụ cột về kinh tế đã được tỉnh đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Với những quyết sách và các chính sách ưu tiên của tỉnh cho phát triển ngành “công nghiệp không khói”, du lịch đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển”-ông Nguyễn Đức Hoàng khẳng định.
 

NGUYÊN BÌNH
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.