Những ngư phủ bên hồ Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) được chặn dòng tích nước, cuộc sống của nhiều người dân xã biên giới Ia Mơr đã được cải thiện đáng kể nhờ khai thác nguồn lợi thủy sản phong phú.
Đang vá lại vài chỗ bị rách trên tấm lưới để chiều kịp ra hồ đánh cá, anh Trần Tự Lập (làng Krông) trần tình: “Mùa mưa, nước lớn rồi cành cây khô trôi nhiều mắc vào lưới nên bị rách suốt”. Hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất biên giới Ia Mơr song cuộc sống của gia đình anh Lập cũng chỉ trông vào vài sào điều và nguồn thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê mỗi ngày. Rồi như bao hộ dân trong làng, khi hồ thủy lợi Ia Mơr tích nước, anh Lập cũng sắm cho mình chiếc cần câu để mỗi khi rảnh rỗi ra hồ câu cá về cải thiện bữa ăn hàng ngày. Sau đó, nhận thấy nguồn thủy sản ở hồ khá phong phú, anh đầu tư mua lưới, thuyền để đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập. Cứ 5 giờ chiều, anh Lập lại dong thuyền thả 2 tay lưới xuống hồ đến 3 giờ sáng hôm sau thì thu lưới, gỡ cá. “Vào mùa khô, mỗi tối tôi thả tay 2 lưới, sáng ra thu về khoảng 20 kg cá. Còn mùa mưa, lượng nước nhiều, việc đánh bắt khó khăn nên chỉ được khoảng 5-6 kg/đêm”-anh Lập cho hay. Anh Lập thường đánh bắt được cá trắng, rô phi, cá lóc, cá chạch, cá lăng bò... Cá lên tới bờ, anh bán luôn cho các thương lái nên giá cũng khá rẻ, cá trắng 15 ngàn đồng/kg, cá rô phi khoảng 20 ngàn đồng/kg.
  Người dân đánh bắt cá ở hồ thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: A.H
Người dân đánh bắt cá ở hồ thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: A.H
Không riêng anh Lập mà nhiều hộ dân trong xã cũng từng bước cải thiện cuộc sống nhờ khai thác có hiệu quả nguồn thủy sản phong phú từ hồ thủy lợi Ia Mơr. Chị Rơ Mah Chuốt (làng Krông) chia sẻ: “Lúc trước, gia đình mình chỉ tập trung trồng điều, mì và lúa 1 vụ. 2 năm trở lại đây, vợ chồng mình mua lưới về để đánh bắt cá, mỗi tối cũng kiếm được 150-300 ngàn đồng”. Việc thả lưới, thu lưới đều do chồng chị Chuốt làm, còn chị đảm nhận việc gom cá bán lại cho thương lái ở các xã lân cận. “So với việc trồng lúa, mì thì đánh bắt cá không quá vất vả lại không tốn nhiều chi phí. Nhờ nguồn tôm cá dồi dào ở hồ thủy lợi Ia Mơr, cuộc sống của gia đình mình ngày càng thoải mái hơn. Tiền bán cá mỗi ngày, mình để dành một ít phòng khi đau ốm, còn lại dùng chi tiêu hàng ngày, mua áo quần cho con”.
Cũng nhờ có công trình thủy lợi Ia Mơr mà đời sống của gia đình anh Đặng Tuấn Thiện (làng Klăh) ngày một khấm khá hơn. Anh Thiện quê ở Tây Ninh nhưng “bắt vợ” rồi ở rể tại làng. Vốn có chút kiến thức về công việc khai thác, đánh bắt cá từ ngày còn ở quê nên khi hồ thủy lợi chặn dòng, anh đã đầu tư mua lưới về thả, kiếm thêm thu nhập thay vì chỉ trông vào 1 ha điều và lúa. Từ 1 tay lưới ban đầu, giờ anh Thiện đã sở hữu 20 tay lưới lớn nhỏ. Anh Thiện cho hay: “Mùa khô, tối nào mình cũng thả hết 20 tay lưới. Bắt đầu ra hồ buông lưới từ 3 giờ chiều cho đến 6 giờ tối thì xong và 2 giờ sáng hôm sau tiến hành thu lưới, gỡ cá cho đến tận 7 giờ sáng. Mỗi đêm, mình thu được khoảng 70 kg cá, bán luôn tại bờ cho thương lái từ TP. Pleiku xuống cũng được 900 ngàn đồng cho đến hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước lớn không thể dong thuyền ra xa nên mỗi tối mình chỉ thả vài tay lưới, lượng cá chỉ khoảng 8-10 kg”. Cũng theo anh Thiện, hơn nửa tháng nay, thay vì thả lưới, anh chuyển sang giăng vó để khai thác cá cơm. Cứ 5 giờ chiều, anh lại dong thuyền đi đốt đèn treo lên các chiếc cột giữa vó để dụ cá vào, khoảng 3 giờ sáng hôm sau thì ra cất vó. “Với 4 chiếc vó, bình quân mỗi tối mình thu được khoảng 10 kg cá cơm. Hôm nào trời nắng ráo thì mình đem về phơi khô bán với giá 70 ngàn đồng/kg, còn nếu gặp trời mưa mình bán luôn tại bờ với giá 12 ngàn đồng/kg”-anh Thiện thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, công trình thủy lợi Ia Mơr có đầu mối nằm trên suối Ia Mơr. Vào mùa mưa, nước từ các dòng suối: Rung, Tải, Cát, Mơr đổ về hồ kèm theo lượng thủy sản phong phú. Nhờ đó, cuộc sống của người dân cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Hy vọng công trình sau khi hoàn thành đưa vào khai thác không chỉ giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, nước sản xuất mà còn tạo điều kiện để người dân có thêm nghề đánh bắt thủy sản nhằm phát triển kinh tế.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.