Gia Lai: Trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa được đảm bảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai các giải pháp, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa luôn được đảm bảo, không xảy vụ tai nạn nào liên quan đến giao thông đường thủy nội địa.   


Ngày 12-7, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai có Báo cáo số 68/BC-BATGT về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 (Chỉ thị 23) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

 Kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Anh
Kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Anh


Tỉnh Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, địa hình chủ yếu là đồi núi. Có 2 hệ thống sông chính là sông Ba và sông Sê San. Qua thống kê về số phương tiện và người lái, hiện toàn tỉnh có 21 phương tiện thuộc diện đăng kiểm, đăng ký quản lý đã được Sở Giao thông-Vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, phục vụ chủ yếu kiểm tra lòng hồ thủy điện, thủy lợi của chủ công trình. Có 216 phương tiện thủy nội địa tự phát, không có thiết kế, đăng ký, đăng kiểm; người lái phương tiện chưa qua đào tạo chuyên môn, không có giấy phép, chứng chỉ phù hợp; có 126 phương tiện thô sơ tự phát hoạt động đánh bắt cá trên các lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông, suối, vận chuyển hàng hóa, người vào các nương rẫy, đánh bắt cá.

Thực hiện Chỉ thị 23, trong 5 năm qua, Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ phát động ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn biên tập và phát hành tài liệu tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa và Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Phối hợp với địa phương cấp phát 1.500 tờ rơi, 1.000 áo phao, 15 dụng cụ nổi cá nhân. Liên đoàn Lao động tỉnh đã kêu gọi và hỗ trợ 2.000 phao cứu sinh cho học sinh đến trường an toàn khi đi qua sông, suối. Tổ chức khảo sát, kiểm tra, đo đạc và thiết kế mẫu định hình miễn phí cho 60 phương tiện tự phát; tổ chức kiểm tra làm thủ tục đăng kiểm cho 37 phương tiện theo thiết kế mẫu.

Ngoài ra, đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy định về quản lý hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật; đưa quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát các tuyến đường thủy nội địa địa phương làm cơ sở cho công tác quản lý và bảo đảm các điều kiện an toàn giao thông theo quy định; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các bến khách ngang sông, nhất là ở khu vực nơi có điều kiện kinh tế khó khăn; xây dựng cầu, đường dân sinh bảo đảm nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn của nhân dân thay thế cho các bến ngang sông không đảm bảo điều kiện.  

Tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện thủy theo quy định của pháp luật; ngăn chặn, cấm sử dụng các phương tiện tự đóng không đủ điều kiện hoạt động; quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng mới. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo ổn định, không có vụ tai nạn nào xảy ra.   

Tuy nhiên, về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, tại tỉnh Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn như: không có bộ máy chuyên trách quản lý đường thủy ở các cấp; công chức quản lý không có trình độ chuyên môn liên quan, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực đường thủy nội địa; không có lực lượng chức năng chuyên trách và phương tiện, công cụ, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, về luồng tuyến và bến thủy nội địa, hiện chưa có quy hoạch, đầu tư xây dựng, công bố tuyến đường thủy nội địa; chưa có bến thủy nội địa đăng ký hoạt động.

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới, Sở Giao thông-Vận tải tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực công chức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đường thủy nội địa; đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông các cấp và công chức chuyên môn làm công tác tham mưu, giúp việc ở cấp huyện, cấp xã trong lĩnh vực đường thủy nội địa. Đồng thời, đề xuất kiến nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp, hỗ trợ trong việc đăng kiểm phương tiện, đào tạo thuyền viên, người điều khiển phương tiện; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn và quản lý về lĩnh vực đường thủy cho cán bộ, công chức các cấp của tỉnh; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam giúp địa phương khảo sát, đánh giá, hướng dẫn việc quyết định tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng trên sông Sê San nối tỉnh Gia Lai với Kon Tum.

 

LỆ HẰNG

 

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.