Chăm sóc bàn chân đúng cách để khỏe mạnh lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người xưa đặc biệt quan tâm tới việc chăm sóc bàn chân bởi chúng không chỉ là bộ phận quan trọng, giúp người ta lao động, đi lại trong thời đại còn ít phương tiện hỗ trợ, mà còn là nơi chứa nhiều kinh mạch, huyệt đạo, là con đường dẫn khí huyết lưu thông khắp cơ thể.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Hoàng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3), dù là thời xưa hay thời nay, bàn chân luôn cần được quan tâm chăm sóc đúng cách để góp phần cải thiện sức khỏe.

Nơi tập trung nhiều kinh mạch và huyệt đạo

Giải thích vì sao đôi bàn chân lại có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, bác sĩ Hoàng cho biết y học cổ truyền (YHCT) quan niệm có 12 đường kinh chính là những con đường dẫn khí huyết lưu thông khắp cơ thể, trong số này có đến 6 đường kinh khởi đầu hoặc kết thúc ở bàn chân.

Bàn chân chứa nhiều huyệt quan trọng, liên hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Ảnh: Shutterstock

Bàn chân chứa nhiều huyệt quan trọng, liên hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Ảnh: Shutterstock

Chúng bao gồm kinh tỳ, vị liên quan chủ yếu đến chức năng tiêu hóa; kinh thận, bàng quang thì liên quan chức năng sinh dục, bệnh lý xương khớp, ù tai...; kinh can, đởm liên quan đến một số vấn đề nội tiết, giấc ngủ, đau nửa đầu, đau hông sườn, rối loạn kinh nguyệt…

Bác sĩ nói thêm rằng bàn chân cũng chứa nhiều huyệt quan trọng, liên hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Thông qua xoa bóp các huyệt này có thể điều chỉnh các rối loạn khắp cơ thể.

Cùng quan điểm này, trong bài viết trên chuyên trang sức khỏe Healthline đăng hồi tháng 4.2023, bác sĩ Dustin Martinez - chuyên gia trị liệu thần kinh cột sống tại Los Angeles (Mỹ), cho biết một nghiên cứu từ năm 2014 của Đại học Ulster (Anh) chỉ ra rằng bấm huyệt chân có thể giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống theo nhiều cách.

"Bấm huyệt chân giúp tăng lưu lượng máu đi khắp cơ thể, từ đó giúp bạn giảm căng thẳng, lo lắng và hạ huyết áp. Khi căng thẳng được làm dịu, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy thư thái tinh thần", bác sĩ Martinez nói rõ.

Một số nghiên cứu đã được bình duyệt khác cũng ủng hộ việc quan tâm hơn đến bàn chân. Trong 4 nghiên cứu khoa học được công bố lần lượt vào các năm 2015 (của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Teknologi MARA, Malaysia), 2018 (Đại học Ege, Thổ Nhĩ Kỳ), 2019 (nhóm chuyên gia từ Trung tâm chống ung thư Léon-Bérard, Pháp) và năm 2020 (của nhóm chuyên gia từ Đại học Khoa học Y tế Kerman, Iran) đều công nhận những lợi ích khi xoa bóp các huyệt ở chân, như giúp thư giãn và giảm căng thẳng, giúp cải thiện giấc ngủ, cải thiện tiêu hóa, giảm đau mãn tính…

Với đặc trưng khí hậu và thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, bác sĩ khuyến nghị mọi người nên cố gắng vệ sinh chân sạch sẽ hằng ngày. Ảnh: Shutterstock

Với đặc trưng khí hậu và thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, bác sĩ khuyến nghị mọi người nên cố gắng vệ sinh chân sạch sẽ hằng ngày. Ảnh: Shutterstock

Chăm sóc bàn chân đúng cách

Với đặc trưng khí hậu và thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, bác sĩ Trần Hoàng khuyến nghị mọi người nên cố gắng vệ sinh chân sạch sẽ hằng ngày. Cần cắt móng chân gọn gàng, giữ khô ráo bàn chân, đặc biệt là kẽ ngón.

Nếu da chân quá khô, bị nứt nẻ cần bôi kem dưỡng ẩm. Bên cạnh đó, cũng nên đi giày vừa chân, dùng vớ thoáng khí và nữ giới cũng nên hạn chế mang giày cao gót thường xuyên.

Ngoài ra, nếu muốn thực hiện những biện pháp chăm sóc, trị liệu bàn chân như ngâm hoặc mát xa bàn chân, tốt nhất là có sự hướng dẫn từ nhân viên y tế, đặc biệt là với người có bệnh đái tháo đường.

Tương tự, khi muốn tự bấm huyệt trị bệnh, cũng cần có hướng dẫn cụ thể từ nhân viên y tế để chọn huyệt phù hợp với cơ địa và bệnh lý.

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.