Cha mẹ dạy gì cho con?: Những giá trị làm người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những bài học làm người từ cha mẹ đã giúp cho nhiều thế hệ trưởng thành và còn nguyên giá trị trong mọi thời đại, xã hội.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thời trẻ (ngoài cùng bên phải) cùng cha mẹ (ngồi) và người thân trong gia đình
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thời trẻ (ngoài cùng bên phải) cùng cha mẹ (ngồi) và người thân trong gia đình



Nghị lực học tập

GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường CĐ, ĐH VN, kể lại: “Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, gia đình vất vả. Bố tham gia cách mạng từ rất sớm. Từ khi lấy mẹ tôi, bố đã dặn dò: Dù có cực nhọc, khổ sở thế nào, cũng phải cho con đi học. Chỉ có học, con người mới có thể trưởng thành. Không có trường học thì tìm cách tự học. Sau này, khi tôi còn nhỏ cho đến lúc lớn, mẹ đã nhắc đi nhắc lại lời căn dặn đó”.

Hình ảnh người cha ngồi trên lưng trâu nhưng lúc nào cũng cầm cuốn sách để đọc, hình ảnh người mẹ vất vả, chưa bao giờ đến trường nhưng vẫn biết chữ và có nhiều kiến thức do tự học đã có tác động lớn đến cuộc đời GS-TS Trần Hồng Quân. Ông tiếp tục chia sẻ: “Thời đó, do trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không có trường học nên những đứa trẻ 10 - 11 tuổi như tôi vẫn được đi theo các cơ quan của bố mẹ để làm những công việc như sắp xếp tài liệu, đưa thư. Đó chính là một cách để chúng tôi học chữ, tập đọc, tập viết, học đạo nghĩa… Đến năm 17 tuổi, đi bộ đội, nhớ lời dạy của cha, tôi tiếp tục tự mua sách học. Chúng tôi dựng lều bạt, ban ngày đi làm, buổi tối lại chong đèn học bên bờ suối. Học môn vật lý thì lại tự mày mò làm dây điện cuốn… Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi đều đọc sách và học”.

Theo GS Quân, thế hệ bây giờ có quá nhiều điều kiện tốt để học tập, học bất cứ đâu và học bất cứ thứ gì, nhưng ý chí tự học dường như không phải bạn trẻ nào cũng có. “Chính vì thế, bài học của cha mẹ dạy tôi, tôi lại nhắn nhủ tới con cháu mình, là phải luôn có ý chí, nghị lực trong học tập để làm chủ kiến thức, làm chủ cuộc sống”, GS-TS Trần Hồng Quân chia sẻ.


 


"Bài học của cha mẹ dạy tôi, tôi lại nhắn nhủ tới con cháu mình, là phải luôn có ý chí, nghị lực trong học tập để làm chủ kiến thức, làm chủ cuộc sống"-GS-TS Trần Hồng Quân


Yêu lao động

Đối với GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa - du lịch, tình yêu lao động đã được mẹ dạy từ khi còn rất nhỏ. GS Hiền cho hay: “Mẹ tôi dạy con phải biết yêu lao động, chăm chỉ lao động vì chỉ có lao động mới trở thành con người chân chính và làm chủ chính mình. 8 tuổi tôi đã được dạy để làm những công việc phù hợp như giã gạo, nuôi gà... Từ nhỏ, nhờ làm những công việc đó mà tôi nhận ra, nếu con người không chịu lao động thì cũng không thể có được niềm vui đón nhận thành quả do chính mình làm ra. Ai không lao động thì chỉ là con người vô dụng”.

Không chỉ được dạy bài học yêu lao động, GS Hiền còn nhớ mãi lời dạy “yêu học tập” của mẹ, dù mẹ không biết chữ. “Cứ thấy con cái chăm chỉ học tập, cầm sách đọc là mẹ tôi rất vui. Thấy mẹ vui, tôi lại càng hăng say, muốn làm cha mẹ vui lòng hơn nữa. Bên cạnh đó, hình ảnh mẹ đi họp hợp tác xã lúc bấy giờ cũng khiến tôi nhớ mãi về sự nghiêm túc và đúng giờ của mẹ và mọi người. Cứ kẻng một cái là mọi người đã tập trung đầy đủ, không bao giờ đến trễ. Đó là sự tôn trọng chính mình, tôn trọng người khác và tạo nên hiệu quả công việc”, GS Hiền kể.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cũng xúc động nhớ lại hình ảnh người cha hôm nào cũng đi làm từ 5 giờ rưỡi sáng, dù 7 giờ 30 cơ quan mới làm việc. Ông rưng rưng: “Ngày nào bố tôi cũng gọi các con dậy từ 4 rưỡi sáng, phân công công việc như quét nhà, rửa ấm chén, nấu ăn. Bố tôi bảo làm công việc của bố (phó phòng hành chính - quản trị - tài vụ) luôn phải đi sớm hơn người khác để chuẩn bị công việc. Đó là bài học về sự chăm chỉ, quý trọng thời gian, yêu lao động. Nếp nhà, nếp sống của bố mẹ tôi đã có tác động rất lớn tới công việc và cuộc sống của chúng tôi sau này”.

Theo GS Thuyết, dù nhà nghèo nhưng cha mẹ ông luôn răn dạy con phải sống trong sạch, liêm khiết, không dối trá, không nói bậy. “Bố tôi không bao giờ nhận quà của ai, và cũng không tặng quà cho cấp trên bao giờ. Lúc đó nhà tôi chật chội, chỉ có 18 m2. Dù nằm trong hội đồng phân phối nhà, được cơ quan cấp cho nhà ở Kim Liên nhưng bố tôi từ chối, nhường cho người khó khăn hơn”, GS Thuyết cho biết.

Những bài học làm người đó, đến giờ, GS Thuyết lại tiếp tục dạy cho con, cháu mình. Đó là tình yêu lao động, học tập và trở thành con người tử tế, có ích trong xã hội.

 

Mỹ Quyên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.