Cây xanh đô thị: 'Điểm nhấn' của Buôn Ma Thuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TP. Buôn Ma Thuột được biết đến là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, đây là thành quả từ tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo tỉnh thời gian qua. Trong bối cảnh hiện nay, địa phương đang phát triển cây xanh đô thị trên nguyên tắc kế thừa, phát huy giá trị bản sắc.

Thành quả của tầm nhìn

Thấy rõ được vai trò và tầm quan trọng của cây xanh đối với đời sống con người và hạ tầng đô thị, trong nhiều thập kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột luôn quan tâm đến việc phát triển hệ thống cây xanh. Nhờ vậy, hiện nay Buôn Ma Thuột được đánh giá là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, với 25.750 cây, tỷ lệ cây xanh toàn thành phố là 17,21 m²/người, nội thành là 8,27 m²/người và đang tiếp tục tăng lên, đóng góp tích cực vào việc lọc sạch không khí, giảm bụi giao thông, chống biến đổi khí hậu, giảm ngập úng và tạo điểm nhấn đô thị.

Dạo quanh thành phố có thể dễ dàng nhận thấy, trên khắp các tuyến đường nội thị đều có những hàng cây xanh mướt, rợp bóng mát được trồng thẳng tắp, dưới bóng cây là nơi để người dân, du khách đến vui chơi, nghỉ mát, chụp ảnh lưu niệm. Điển hình nhất là đường vào sân bay Buôn Ma Thuột, đường Phan Đình Giót, đường Trần Quang Khải… Có thể khẳng định, cùng với những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cây xanh đô thị của Buôn Ma Thuột là kết quả của tầm nhìn xa chiến lược của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và thành phố trong nhiều thập kỷ, là minh chứng cho quá trình phát triển.

Hàng me cổ thụ tại đường Phan Đình Giót thu hút nhiều người dân đến tham quan.

Hàng me cổ thụ tại đường Phan Đình Giót thu hút nhiều người dân đến tham quan.

Lồng ghép đề án vào quy hoạch

Thế nhưng, qua thời gian, cây xanh đô thị đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể: nhiều loại cây như: xà cừ, bàng, si, sấu… có phần rễ phát triển mạnh đã phá vỡ kết cấu vỉa hè; nhiều cây phần ngọn phát triển cao ảnh hưởng đến an toàn lưới điện; một số loại cây khác do đặc tính sinh học hoặc do kỹ thuật trồng không đúng dẫn đến cây phát triển nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ...

Trước thực trạng này, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã từng bước đầu tư xây dựng vỉa hè bằng đá tự nhiên và hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các trục đường chính. Đối với những loại cây có phần rễ phát triển mạnh, tiến hành mở rộng bồn cây đảm bảo sự phát triển của cây và tạo mỹ quan. Hằng năm, Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đều tiến hành chặt hạ những cây có độ nghiêng lớn, lệch tán, mục gốc, cây còi cọc, kém phát triển và trồng thay thế. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã chặt hạ 115 cây, trồng thay thế 43 cây, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Hệ thống cây xanh là "quả ngọt” từ tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua nhiều thập kỷ.

Hệ thống cây xanh là "quả ngọt” từ tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua nhiều thập kỷ.

Theo ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, hệ thống cây xanh đô thị của địa phương là sự kế thừa và phát huy theo lịch sử hình thành phát triển, với các chủng loại cây đa dạng mang đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, như: sao, giáng hương, cẩm lai, kơ nia, bằng lăng tím. Hiện nay, trong bối cảnh nỗ lực xây dựng thành phố thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên mang bản sắc riêng, Buôn Ma Thuột đang tích cực thực hiện đầu tư các công trình hoa viên, công viên giai đoạn 2021 - 2025; lập đề án phát triển cây xanh đô thị lồng ghép vào các chương trình quy hoạch xây dựng đô thị và quy chế quản lý kiến trúc của thành phố.

Đối với các khu đô thị mới xây dựng, đô thị đã hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, yêu cầu chủ đầu tư trồng cây xanh theo quy hoạch, dự án được duyệt, hoàn thiện các không gian sinh hoạt cộng đồng trong đô thị và khu dân cư. Trong quá trình xây dựng các khu dân cư mới, triển khai đồng bộ về hệ thống hoa viên, tiểu hoa viên, cây xanh phục vụ người dân trong khu vực. Đối với những khu phố cũ, thực hiện việc chỉnh trang, đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm không gian cho cây xanh phát triển, tăng cường hệ thống cây xanh công viên, xây dựng hiện đại và bền vững các chức năng trung tâm công cộng hướng tới lợi ích cộng đồng… Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo các xã, phường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào việc trồng cây xanh nhằm tạo dựng môi trường sống "xanh – sạch – đẹp, bản sắc".

Tin tưởng rằng, với quy hoạch hợp lý, khoa học bằng tầm nhìn xa của chính quyền thành phố và sự hưởng ứng của người dân, thời gian tới, hệ thống cây xanh đô thị sẽ phát huy hơn nữa vai trò nội tại, góp phần bảo vệ con người, bảo vệ môi trường và là ấn tượng khó quên cho du khách khi đến với “Buôn Ma Thuột - Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên”.

Có thể bạn quan tâm