Cần hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 13-6-2019, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Theo đó, từ ngày 1-7-2022, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng.

Tại Gia Lai, hầu hết doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã tích cực triển khai việc xuất hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, phần lớn vẫn chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn mỗi khi mua hàng.

Sử dụng hóa đơn điện tử là chính sách vừa có lợi cho doanh nghiệp lại vừa tăng cường tính minh bạch cho cơ quan thuế theo dõi, giám sát các hoạt động kinh doanh để tránh thất thu thuế. Đây cũng là cách để mỗi người dân tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh và chung tay xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Anh Nguyễn Hồng Phong (256 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ việc người bán xuất hóa đơn khi bán hàng. Hàng hóa đã tính thuế giá trị gia tăng rồi thì phải xuất hóa đơn, qua đó tránh thất thoát thuế, Nhà nước cũng kiểm soát được nguồn hàng. Việc xuất hóa đơn bán hàng là cần thiết, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, tránh hàng giả, hàng nhái. Đối với người tiêu dùng, hóa đơn chính là chứng từ pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi cần bảo hành sản phẩm hoặc có những vấn đề rủi ro phát sinh”.

Người tiêu dùng nên lấy hóa đơn mỗi khi mua hàng để bảo vệ quyền lợi chính mình, đồng thời góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Ảnh: Hà Duy

Người tiêu dùng nên lấy hóa đơn mỗi khi mua hàng để bảo vệ quyền lợi chính mình, đồng thời góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Ảnh: Hà Duy

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đại đa số người tiêu dùng do không phải hạch toán chi phí nên gần như không có thói quen lấy hóa đơn.

Ngày 1-12-2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Theo đó, từ ngày 1-1-2024, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán. Đây là giải pháp nhằm tránh thất thoát thuế và dễ quản lý xăng dầu. Song quan sát tại các cây xăng dầu, hầu như không người dân nào hỏi lấy hóa đơn sau khi mua hàng.

Thói quen không lấy hóa đơn của người tiêu dùng rõ ràng đang vô tình “tiếp tay” cho các cơ sở kinh doanh trốn thuế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung. Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế đang nỗ lực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Để khuyến khích người dân hình thành thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn chứng từ hợp pháp, Cục Thuế tỉnh cũng đã triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn”. Tại chương trình lựa chọn “Hóa đơn may mắn” quý IV-2023 được Cục Thuế tỉnh tổ chức vào ngày 30-1-2024 đã có 75 hóa đơn may mắn (trong tổng số gần 80.000 hóa đơn đủ điều kiện) được trao với tổng số tiền thưởng 200 triệu đồng.

Có thể nói, hóa đơn gắn liền với bên cung lẫn bên cầu. Bởi vậy, chỉ có chương trình “Hóa đơn may mắn” thôi là chưa đủ để tạo thói quen lấy hóa đơn mỗi khi mua hàng cho người tiêu dùng, mà các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được việc không lấy hóa đơn là vô tình gây thất thu thuế cho Nhà nước. Quan trọng hơn, việc lấy hóa đơn chính là cách người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình, được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại nếu xảy ra tranh chấp trong bảo hành sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, khiếu kiện về chất lượng hàng hóa.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.