Cái nôi Cửu An anh hùng đã sinh ra người Anh hùng Đỗ Trạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Cửu An ngày nay là cái nôi chính của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, hiện còn dày đặc các di tích thời đó như: Gò Đồn ở thôn An Điền Bắc (nơi đóng đồn của nghĩa quân), Gò Kho ở thôn An Điền Nam (nơi tích trữ lương thực), Gò Trại ở thôn An Điền Nam (nơi lập các doanh trại của nghĩa quân). Qua thời Văn Thân-Cần Vương chống Pháp, nhân dân Cửu An đã trực tiếp tham gia ba đội nghĩa quân do chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Hảo chỉ huy đánh Pháp xâm lược suốt mấy năm phối hợp cùng nghĩa quân Bình Định của ông Mai Xuân Thưởng. Rồi đến phong trào Duy Tân (1906-1908) chống sưu thuế, nhân dân Cửu An tham gia cùng nhân dân vùng An Khê kéo xuống Bình Định đấu tranh.

Cái nôi yêu nước và cách mạng Cửu An-An Khê tất yếu đã sinh ra con người ưu tú tiêu biểu Đỗ Trạc.

Cái may của chúng tôi là chuyến về thăm Cửu An lần này lại gặp dịp phát hành sách “Lịch sử truyền thống cách mạng xã Cửu An” do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2015. Vừa đến trụ sở xã, chúng tôi đã thấy cán bộ, nhân viên cơ quan cùng một số cụ già trải qua 2 cuộc kháng chiến đang xúm nhau từng nhóm xem sách và xem ảnh. Các cụ rất chú ý ảnh đồng chí Đỗ Trạc-người Bí thư chi bộ đầu tiên của Đảng bộ An Khê được thành lập ngày 25-1-1945 tại huyện An Khê.
 

Tượng đài Đỗ Trạc được xây trước UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: K.N.B
Tượng đài Đỗ Trạc được xây trước UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: K.N.B

Từ quyển sách với hình ảnh nổi bật của đồng chí Đỗ Trạc, các cụ lớn tuổi hồi tưởng lại những hình ảnh hoạt động năng nổ của đồng chí Đỗ Trạc, nhất là gương hy sinh kiên cường bất khuất trước kẻ thù khi bị bắt. Đồng chí không khai báo một lời, bảo vệ được tổ chức cách mạng trước những ngọn đòn tra tấn cực kỳ hiểm độc và man rợ. Đồng chí chết đi sống lại nhiều lần. Giặc Pháp còn dùng cả các thủ đoạn thâm độc nhằm dụ dỗ mua chuộc đồng chí đầu hàng, nhưng không được. Cuối cùng kẻ thù chịu thất bại, phải đưa đồng chí ra xử bắn tại sân vận động thị trấn.

Hình ảnh Đỗ Trạc hiên ngang trước mũi súng lưỡi lê của giặc Pháp như còn in đậm trong ký ức các cụ với các khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” làm kẻ thù, nhất là bọn lính chế độ cũ người Việt hết sức khâm phục. Nhân dân bị cưỡng ép tập trung đến sân vận động để xem hành quyết anh Đỗ Trạc, phải ngoảnh mặt đi nơi khác để giấu những giọt nước mắt tiếc thương đồng chí. Bà con, cán bộ, nhất là lớp người kinh qua kháng chiến chống Pháp, tuy tuổi đã cao (85-90) nhưng vẫn còn minh mẫn tự kể lại công lao của đồng chí Đỗ Trạc-người con Cửu An đầu tiên đã mang luồng gió mới thổi về một vùng quê đói nghèo hiu hắt-vùng Cửu An-An Khê đang sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Qua 7 năm học ở Kon Tum và Huế, Đỗ Trạc mang tư tưởng tiến bộ cách mạng về thức tỉnh đồng bào ở quê nhà. Khi thôi học (1941), Đỗ Trạc không theo con đường thường tình của xã hội lúc bấy giờ là đi học để đi về làm tổng lý hay làm viên chức trong bộ máy cai trị của Pháp, mà anh hướng mình vào con đường khác, ở lại thị trấn để có điều kiện tiếp xúc với giáo viên, công chức và lớp thanh niên tiến bộ, tuyên truyền các tư tưởng cách mạng để giác ngộ họ.


Ai cũng bàn tán khen anh là người đầu tiên có sáng kiến lập tổ chức thanh niên tiến bộ mang tên Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê. Anh sớm tìm đường về Quảng Ngãi-Bình Định bắt liên lạc với Việt Minh sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945). Anh sớm được cơ sở Việt Minh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ in tài liệu, tin tức và in báo Chơn Độc Lập cho cơ quan Việt Minh bí mật tỉnh. Từ đó anh hiểu được thêm chương trình của Mặt trận Việt Minh. Đến tháng 7-1945, Đỗ Trạc được lãnh đạo Việt Minh Quảng Ngãi bố trí trở về An Khê gấp rút chuẩn bị thực lực để khởi nghĩa giành chính quyền, củng cố lại Đoàn Thanh niên. Khi được tin Việt Minh Bình Định báo cho biết là Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, Bảo Đại chuẩn bị thoái vị, Đỗ Trạc cùng các thủ lĩnh thanh niên cấp tốc huy động lực lượng nhân dân thị trấn và vùng nông thôn nổi dậy biểu tình giành chính quyền ngày 20-8-1945, chỉ sau Tổng khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội một ngày...

Có cụ cao tuổi tỏ ra hiểu biết sử Đảng bộ An Khê đã nhớ lại: Cả An Khê thời đó sau khởi nghĩa thành công 3 tháng, cán bộ cấp tỉnh về chọn người ưu tú kết nạp Đảng để lập chi bộ Đảng đầu tiên. Đỗ Trạc là người được kết nạp trước để cùng 2 đảng viên tiếp theo là Ngô Thành và Hồ Thượng Hiền lập chi bộ Đảng ở An Khê.

Khi có chi bộ Đảng, với cương vị Bí thư, Đỗ Trạc cùng chi bộ lãnh đạo toàn diện phong trào An Khê, khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, vừa gấp rút chuẩn bị đi vào kháng chiến chống giặc Pháp tái chiếm toàn tỉnh. Ngoài trách nhiệm phụ trách chung, Đỗ Trạc chú trọng lo xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang huyện: Đại đội tự vệ vũ trang của thị trấn và dân quân du kích ở các thôn xã.

Ngày 25-6-1946, các phòng tuyến ta ở Tây và Nam Gia Lai bị địch tấn công chọc thủng. Do thế địch mạnh, vũ khí tối tân, quân ta phải vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng, Đỗ Trạc bám sát mặt trận chỉ đạo lực lượng vũ trang tự vệ và dân quân phối hợp với quân chủ lực, tác chiến dọc quốc lộ 19, từ đèo Mang Yang đến đầu đèo An Khê. Khi toàn huyện bị giặc Pháp chiếm đóng, anh bố trí cán bộ cơ sở hợp pháp bí mật ở lại địa bàn nắm tình hình, ổn định tư tưởng nhân dân. Là người cán bộ chủ chốt ở huyện, Đỗ Trạc vừa lo công việc chung ở cơ quan huyện (lúc này đang đóng ở Vĩnh Thạnh giáp ranh với An Khê) vừa lo trở lại bám chiến trường để chỉ đạo đánh địch phối hợp với quân chủ lực. Anh chỉ đạo khôi phục lại cơ sở chính trị, phát triển cơ sở bí mật trong các giới, vừa tổ chức du kích mật ở thôn, xã... Các đồn bốt của địch luôn bị quân chủ lực cùng dân quân du kích bao vây, pháo kích.

Đến đầu năm 1947, phong trào địa phương phát triển mạnh, Trung đoàn 95 đang chuẩn bị chiến trường, tiến tới tiêu diệt cứ điểm lớn là Tú Thủy, thì anh Đỗ Trạc lo chỉ đạo nhân dân và lực lượng bán vũ trang đẩy mạnh chiến tranh du kích sôi nổi hỗ trợ cho quân chủ lực. Chẳng may đầu tháng 1-1947, anh về công tác cơ sở ở thôn An Xuân (thuộc xã Tú An ngày nay) bị lính đồn Tú Thủy phục kích bắt được. Biết Đỗ Trạc là cán bộ quan trọng, chúng đưa về đồn hỏi cung dồn dập, tra tấn cực kỳ dã man làm thân hình biến dạng, không còn nhận ra con người thật của anh nữa. Kẻ thù đã đụng phải tinh thần gang thép kiên trung ở anh, chúng phải chùng tay. Giặc Pháp phải đem anh ra xử bắn để uy hiếp tinh thần nhân dân địa phương. Nhưng cái chết hiên ngang, bất khuất của anh đã nung nấu lòng căm thù địch trong nhân dân và nêu một tấm gương thật cao đẹp: hy sinh vì lý tưởng, vì Tổ quốc để cán bộ nhân dân Cửu An-An Khê noi theo, và lưu truyền mãi đến ngày nay...

Rời trụ sở xã, đoàn chúng tôi được các cụ đưa đi thăm một số di tích tại địa phương trước khi trở về An Khê. Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp chúng tôi hiểu sâu thêm về vai trò của đồng chí Đỗ Trạc-một ngọn cờ tiêu biểu trong những ngày đầu xây nền đắp móng cho phong trào cách mạng ở Cửu An-An Khê, người xứng đáng được nhân dân địa phương tôn vinh là “Anh hùng Đỗ Trạc”!

Lê Anh Dũng-Nguyên Hà

Có thể bạn quan tâm