Cái giá cho niềm tin mù quáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai) vì nghe lời kẻ xấu dụ dỗ đã vượt biên sang Campuchia rồi từ đó đi tiếp qua Thái Lan. Họ ra đi với niềm tin mù quáng về cuộc sống sung sướng, giàu sang mà không phải lao động. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Những ngày tháng sống cơ cực, tủi nhục nơi đất khách là sự ám ảnh và là bài học đắt giá cho nhiều người.
 Ông Kpuih Ngang và vợ chăm sóc lại vườn cây của gia đình. Ảnh: L.A
Ông Kpuih Ngang và vợ chăm sóc lại vườn cây của gia đình. Ảnh: Lê Ánh
Cuối tháng 10 vừa qua, được sự giúp đỡ của lực lượng Công an, vợ chồng ông Kpuih Ngang (làng Bông, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đã trở về quê hương sau 1 năm lang bạt nơi xứ người. Ông Kpuih Ngang (68 tuổi) và vợ là bà Kpă Bler (61 tuổi) có 4 người con. Đứa con trai đầu của ông bà đã cùng vợ vượt biên sang Campuchia rồi đi tiếp qua Thái Lan từ năm 2017. Thương nhớ con, lo lắng cho con cộng với sự hiếu kỳ về “miền đất hứa” không phải làm cũng giàu sang, vợ chồng ông Ngang đã điện thoại cho con nhờ  tìm người dẫn đường qua Thái Lan. Để trả công cho các đối tượng môi giới, ông bà đã bán hết số cà phê thu hoạch trong vụ trước. Đây là tài sản ông bà định để dành phòng lúc tuổi già đau ốm. Ông Ngang ân hận cho biết: Tôi bán cà phê được 20 triệu đồng rồi đưa hết cho người dẫn đường. Sang đến Thái Lan mới thấy cuộc sống bên đó không sung sướng như mình nghĩ, phải lo đủ thứ: tiền nhà, tiền nước, tiền sinh hoạt. Con trai tôi đi làm phụ hồ mỗi ngày được 200 ngàn đồng tiền Việt, gia đình không đủ gạo ăn. Ra đường thì sợ cảnh sát Thái Lan bắt. Người ta thấy tôi già yếu nên không thuê lao động.
Về cùng đợt với gia đình ông Ngang còn có chị Rơ Mah Mlach (44 tuổi, làng Tôt Byơch, thị trấn Chư Sê). So với nhiều hộ dân trong làng, gia đình chị Mlach thuộc diện khá giả với hơn 5 sào cà phê, gần 2 sào lúa và 100 trụ hồ tiêu. Nhưng tháng 4-2018, nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, chị bỏ lại chồng con để một mình vượt biên. Chị Mlach bộc bạch: Tôi đi qua Thái Lan tưởng là sung sướng lắm, ai ngờ bị lừa. Hàng ngày, tôi phải đi nhặt rác để kiếm sống. Cuộc sống rất khổ cực, tối về phòng trọ thì nhớ chồng con, quê hương nên tôi tìm cách liên lạc với chính quyền Việt Nam xin được trở về.
Qua tiếp xúc, cả ông Kpuih Ngang và chị Rơ Mah Mlach đều nói không biết danh tính người dẫn đường cho họ vượt biên. Tất cả mọi liên lạc giữa họ với các đối tượng này đều qua điện thoại và mạng xã hội. Họ đều ân hận vì niềm tin đặt sai chỗ để rồi bị lợi dụng, vừa mất tiền vừa phải sống khổ cực nơi đất khách quê người.
Trung tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê-cho biết: Qua tiếp xúc với những người mới trở về, chúng tôi nhận thấy hầu hết bà con bị các đối tượng tại Thái Lan, Campuchia lừa phỉnh vượt biên để trục lợi. Mục đích chính của các đối tượng này là lấy tiền, sau đó bỏ mặc bà con. Họ phải tự tìm người quen, tự lo chi phí sinh hoạt. Do không am hiểu tiếng nói, văn hóa bản địa nên cuộc sống của những người vượt biên gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, chúng tôi biết vẫn có người tại Thái Lan muốn quay trở về Việt Nam nhưng chưa có cơ hội. Thời gian tới, lực lượng Công an sẽ làm tốt công tác nắm tình hình và tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu để không tin, không nghe theo lời lừa phỉnh của bọn phản động.
Giờ đây, vườn cà phê của gia đình ông Kpuih Ngang có bàn tay chăm sóc đã xanh tốt trở lại, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Chị Rơ Mah Mlach cũng đang sống hạnh phúc bên chồng con. Chính quyền, dân làng thì luôn bao dung đón nhận những người vượt biên quay trở về. Điều này sẽ khiến những ai còn ôm ấp niềm tin mù quáng về “miền đất hứa” không làm vẫn giàu sang phải nghĩ lại. Từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, biết chăm lo lao động để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Lê Ánh

Có thể bạn quan tâm