Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, nhưng đến nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng. Thậm chí, tại các trung tâm du lịch hàng đầu cả nước hầu như vẫn vắng bóng các đoàn khách lớn. Thực tế này cho thấy, việc vận hành của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất cần những cách tiếp cận và tư duy mới, nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều thay đổi.
|
Ngày hội khinh khí cầu bên sông Hoài, hoạt động nổi bật hưởng ứng lễ khai mạc năm Du lịch quốc gia-Quảng Nam 2022. Ảnh: VGP |
Chủ trương mở cửa du lịch toàn diện của Chính phủ là kịp thời và đúng đắn trong bối cảnh Việt Nam thích ứng tốt với trạng thái bình thường mới. Trên bình diện quốc tế, nhiều quốc gia đã tăng tốc mở cửa đón khách với các điều kiện thông thoáng. Nếu chậm chân, chúng ta có thể bỏ lỡ thời cơ. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức lễ phát động mở cửa du lịch tại Quảng Ninh, tổ chức Năm Du lịch quốc gia tại Quảng Nam để kích cầu du lịch.
Ðể đón khách quốc tế, ngay từ đầu năm, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Lâm Ðồng, TP Hồ Chí Minh... đều có nhiều hoạt động chuẩn bị về sản phẩm, lưu trú và các dịch vụ liên quan. Dịch bệnh khiến nhu cầu của khách du lịch có nhiều thay đổi song yếu tố an toàn vẫn được đề cao. Khách du lịch có xu hướng đi theo nhóm nhỏ; du lịch ít tiếp xúc, du lịch đến những không gian rộng như du lịch biển, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp... lên ngôi; du khách tự tìm kiếm và đặt hàng trực tiếp thay vì thông qua các hãng lữ hành...
Hầu hết các doanh nghiệp, các địa phương có những điểm đến hấp dẫn đều đã xây dựng, cải tiến những tour du lịch phù hợp với nhu cầu mới. Chẳng hạn như các tour khám phá thiên nhiên bằng xe đạp, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp đang “nở rộ” ở Hà Nội, Quảng Ninh, các tỉnh Tây Bắc cũng như miền Tây Nam Bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lớn ở Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Ðà Nẵng, Ðà Lạt (Lâm Ðồng)... cũng sẵn sàng cơ sở hạ tầng để các vị khách được hưởng những không gian biệt lập, an toàn trong các khu nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, đáp ứng nhu cầu “không chạm”, các ngành, doanh nghiệp, địa phương đều tăng cường ứng dụng công nghệ trong thực hiện các thủ tục xuất- nhập cảnh, quảng bá, đặt tour du lịch, đặt phòng, đặt xe, bán vé các điểm tham quan... qua phần mềm, internet. Ðây chính là bước chuyển mình rất lớn của ngành du lịch.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn khá thưa thớt. Các trung tâm du lịch lớn chủ yếu vẫn phục vụ khách nội địa. Ðiển hình như Hà Nội, một trong hai trung tâm du lịch hàng đầu cả nước hầu như chưa có đoàn khách quốc tế lớn nào. Sau một thời gian dài “ngủ đông”, phần lớn khách sạn đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành giải tán hoặc ngừng hoạt động. Ðể chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và nhiều doanh nghiệp khác đã tuyển nhân sự, khởi động lại “cỗ máy” kinh doanh du lịch. Duy trì nguồn chi phí để vận hành “cỗ máy” ấy trong khi vắng khách khiến nhiều doanh nghiệp hết sức lo lắng.
Về nguyên nhân khách quan, số ca bệnh trong nước hằng ngày vẫn ở mức cao khiến khách quốc tế dè dặt. Ðồng thời, cũng chưa thể đánh giá hiệu quả của ngành du lịch bởi thời gian mở cửa mới chỉ hơn nửa tháng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng cho thấy không ít bất cập, đòi hỏi bản thân ngành du lịch phải nhanh chóng xây dựng những cách tiếp cận hợp lý, tập trung một số mũi nhọn cho giai đoạn phục hồi, thích ứng với điều kiện dịch Covid-19.
Có thể thấy, để bán một mặt hàng, trước hết, cần sự quảng bá, giới thiệu mặt hàng đó đến khách hàng. Ngành du lịch mở cửa từ giữa tháng 3, các doanh nghiệp, hãng lữ hành, cơ sở lưu trú và các địa phương đều nỗ lực tung ra những sản phẩm mới, với nhiều ưu đãi. Song, trên thực tế ngành du lịch nước ta vẫn chưa có một chiến dịch quảng bá thật sự hấp dẫn, tạo dấu ấn và xứng tầm để giới thiệu những đặc trưng của du lịch Việt Nam trong giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch bệnh - điều mà khách trong nước và quốc tế rất cần vào lúc này.
Từ cuối năm 2021, Tổng cục Du lịch ra mắt chuyên trang “Live Fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) dành cho khách quốc tế tại địa chỉ https://vietnam.travel. Ngành du lịch đã đầu tư đáng kể để xây dựng chuyên trang này. Song đây chỉ là phiên bản cải tiến về công nghệ so với các trang giới thiệu du lịch khác. Trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm, khách quốc tế còn dè dặt, cần thật sự quyết liệt hơn trong chủ động tìm kiếm nguồn khách, thông qua việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến; tăng cường ký kết hợp tác với đối tác truyền thông lớn, tương tự như việc Hà Nội ký hợp đồng làm phim quảng bá với CNN để đưa thông tin tới những đối tượng khách hàng tiềm năng trên thế giới.
Bên cạnh đó, cần tận dụng các nền tảng mạng xã hội để nhanh chóng và linh hoạt tiếp cận khách hàng. Chưa kể, một trang web dù có hấp dẫn đến mấy, nhưng lập ra để đợi khách truy cập thì ít nhiều vẫn mang tính bị động. Hiện nay, một số cơ quan vẫn trông chờ vào Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hanoi 2022 tổ chức từ 31/3 đến 3/4. Tuy nhiên, đối tượng quan tâm nhất đến hội chợ là khách du lịch nội địa và người Việt Nam có nhu cầu đi nước ngoài đến săn tìm các tour, vé máy bay giá rẻ chứ không phải khách nước ngoài.
Chiến dịch truyền thông đáng lẽ đã phải triển khai ngay từ khi chuẩn bị mở cửa. Dù muộn còn hơn không, thông tin truyền thông, quảng bá cần đẩy mạnh, tìm đến khách qua truyền thông số, mạng xã hội; kênh bán hàng, tiếp thị trực tiếp của các hãng lữ hành, hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng truyền thông quốc tế... Ðối với nội dung quảng bá, chúng ta đã xây dựng những sản phẩm du lịch đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của khách do đại dịch Covid-19.
Ðiều cần làm là “chào hàng” những sự thay đổi ấy một cách nổi bật nhất, hấp dẫn nhất. Trong truyền thông, slogan du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng. Slogan “Việt Nam vẻ đẹp bất tận” đã được sử dụng tới 10 năm. Khoảng thời gian này chưa phải là quá lâu so với một số quốc gia trên thế giới. Nhưng ngay trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều chuyên gia đã đề xuất du lịch Việt Nam cần một slogan mới để phù hợp hơn với giai đoạn hiện nay. Ðiều này rất cần được ngành du lịch xem xét.
Cùng với xây dựng chiến lược quảng bá, việc lựa chọn thị trường trọng điểm trong thời điểm này cũng hết sức quan trọng. Tổng cục Du lịch định hướng các doanh nghiệp đến khai thác các thị trường trọng điểm năm 2022 khu vực Ðông Bắc Á, Ðông Nam Á, châu Âu, Australia, ưu tiên những thị trường có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc-xin với Việt Nam. Một số địa phương cũng xác định mục tiêu tương tự khi triển khai kế hoạch khôi phục du lịch.
Cùng với mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3, Chính phủ cũng đã quyết định miễn thị thực cho công dân 13 nước, gồm: Ðức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Tuy nhiên, định hướng này phần nào tỏ ra bất cập bởi lẽ hai thị trường truyền thống trong khu vực Ðông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc đang rất khó khai thác. Phía Hàn Quốc là số ca Covid-19 ở mức cao hàng đầu thế giới, trong khi chúng ta chưa thể tiếp cận thị trường Trung Quốc do chính sách “zero Covid” của nước này.
Ðối với châu Âu, chiến sự tại Ukraine xảy ra ngoài dự đoán. Một số nước châu Âu lại đang chịu sự ảnh hưởng của giá cả leo thang, dòng người tị nạn, hạn chế của việc thực hiện các chuyến bay quốc tế... gây ảnh hưởng đến điều kiện, tâm lý cũng như nhu cầu du lịch. Bởi vậy, cần mở rộng miễn thị thực sang một số thị trường tiềm năng khác và phải có sự “xoay trục” hợp lý trong lựa chọn thị trường để tập trung chiến dịch quảng bá, bán hàng.
Chẳng hạn như khi đại dịch mới xảy ra, nhiều hãng lữ hành hướng đến khai thác thị trường Ấn Ðộ (thời điểm đó Ấn Ðộ chưa trở thành “điểm nóng” về dịch bệnh) do đây là thị trường lớn, có một bộ phận dân cư thu nhập khá và chưa được chú ý khai thác. Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động để có thể trở lại tập trung khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này khi dịch bệnh ở Ấn Ðộ không còn nghiêm trọng nữa.
Ðối với hỗ trợ các doanh nghiệp, hai năm dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp giải tán, hoặc ngừng hoạt động. Trong hai năm đó, nhiều lần du lịch “mở ra”, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại phải “đóng lại”. Mỗi lần đóng-mở như thế là một lần doanh nghiệp bị thiệt hại khi phải đầu tư xây dựng, quảng bá sản phẩm mới nhưng không thể khai thác.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp còn hoạt động đều cạn kiệt nguồn lực nên chủ yếu tập trung trong xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm du lịch mà yếu ở khâu tuyên truyền, quảng bá. Cùng với đó, hai năm “ngủ đông” khiến nhiều nhân lực ngành du lịch đã chuyển sang làm việc ở những lĩnh vực khác, trong đó, có một lượng không nhỏ nhân lực chất lượng cao.
Từ đầu năm 2022, khi các hoạt động du lịch nội địa được khôi phục, chuẩn bị đón khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, các điểm đến... đã tổ chức tuyển nhân sự trở lại nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đông hơn, lượng khách nội địa cũng tăng lên vào mùa du lịch hè, vấn đề nhân lực du lịch sẽ càng trở nên nan giải. Ðối với đón khách quốc tế, chất lượng nhân lực du lịch sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu du lịch, khả năng quay trở lại của khách.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn này cần tập trung vào công tác quảng bá và bổ sung kịp thời nguồn nhân lực. Tranh thủ khi lượng khách chưa lớn, các cơ quan chức năng cần khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhân lực du lịch, nhất là việc đón khách trong trạng thái thích ứng với dịch bệnh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp “lên sàn” để chào hàng sản phẩm của họ qua các kênh thông tin khác nhau với chi phí thấp nhất, hoặc hỗ trợ hoàn toàn khâu quảng bá.
Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu khách, trong đó có 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022. Nếu chủ động đưa ra những cách tiếp cận mới, nhanh chóng khắc phục những bất cập, có chiến lược quảng bá, bán hàng hợp lý, cùng với nâng cao sức cạnh tranh thông qua chất lượng, dịch vụ, mục tiêu 5 triệu khách quốc tế là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể vượt mức đặt ra.
Theo GIANG NAM (NDĐT)