''Các ổ dịch COVID-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt''

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Với nỗ lực cao nhất của chính quyền, nhân dân cũng như các lực lượng chống dịch tại tất cả các địa phương, có thể nói cho đến hôm nay 6/2 tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt."

 Dãy phố gồm 29 hộ dân ở khu 2 phường Thạch Khôi, Thành phố Hải Dương trong diện thực hiện cách ly y tế để phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Dãy phố gồm 29 hộ dân ở khu 2 phường Thạch Khôi, Thành phố Hải Dương trong diện thực hiện cách ly y tế để phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)


Đợt dịch COVID-19 thứ ba bùng phát tại Việt Nam kể từ ngày 27/1 đến nay đã xuất hiện tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Gia Lai và Bình Dương. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 394 ca.

Phó giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, người trực tiếp tham gia Đoàn công tác chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương nhận định tình hình các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được “khóa chặt.”

Như vậy, trong vòng 10 ngày qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế và các đơn vị có liên quan, dịch bệnh đang được kiểm soát.

Phó giáo sư Trần Như Dương đã có những chia sẻ chi tiết về công tác khoanh vùng, dập dịch trong những ngày qua.

Các ổ dịch nguy hiểm nhất đã được khoá chặt

- Phó giáo sư có những đánh giá như thế nào về tình hình dịch COVID-19 hiện nay?

Phó giáo sư Trần Như Dương: Đợt dịch lần này cho đến nay đã ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh thành phố, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh Hải Dương.

Có thể nói ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, tất cả các địa phương đã rất nỗ lực và trách nhiệm với tinh thần cao nhất. Để đối phó với dịch bệnh, các tỉnh/thành phố đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng chống dịch và huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia chống dịch với những biện pháp quyết liệt, đúng đắn, mau lẹ.

Bên cạnh đó Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động một lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai với số lượng lên đến hàng nghìn người.

Với nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cũng như các lực lượng chống dịch tại tất cả các địa phương, có thể nói cho đến hôm nay 6/2 tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt.

Các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được “khóa chặt,” không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại Sân bay Vân Đồn, ổ dịch tại Công ty Poyun, Chí Linh, Hải Dương. Ngoài ra các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay.

 

Phó giáo sư Trần Như Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Phó giáo sư Trần Như Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)


Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng việc chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. Chính vì vậy tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất.

“Kẻ thù vô hình” đã nguy hiểm hơn nhiều

- Bộ Y tế vừa có chiến lược điều chỉnh trong chiến lược đối phó với dịch trong tình hình mới. Là một chuyên gia dịch tễ hầu như trực tiếp chỉ đạo tại mọi ổ dịch trong 1 năm qua. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó giáo sư Trần Như Dương: Đợt dịch lần này chúng ta phải đối mặt với kẻ thù vô hình nguy hiểm hơn nhiều, đó là biến chủng của virus ở Anh. Biến chủng này có đặc điểm là lây lan rất nhanh và mạnh.

Thực tế ở Việt Nam cũng thấy đúng như vậy, bên cạnh đó số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao, cho nên để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn.

Để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới chúng ta phải thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm, nếu như trước đây chủ yếu ta làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu 5 thì đến “chiến trường” ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cho phép làm gộp mẫu từ 10-12 mẫu trong một lần xét nghiệm để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm mẫu rất lớn.

Gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm.

Thay đổi thứ hai, là trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà bởi vì trên thực tế nhiều trẻ em rất nhỏ ở các trường mẫu giáo đã trở thành F1 khi trong trường có ca mắc bệnh.

Việc cách ly trẻ nhỏ tại khu cách ly tập trung rất phức tạp đòi hỏi cha mẹ phải đi theo chăm sóc rồi chế độ ăn cũng không thể đáp ứng được. Chính vì vậy Bộ Y tế đã cho phép nhóm trẻ dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà chặt chẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: chỉ được một người trông, người trông phải có sức khỏe tốt và không có các yếu tố nguy cơ bị bệnh tăng nặng đi kèm.

Trẻ từ 6 tuổi trở lên cũng được áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung một cách phù hợp dễ áp dụng hơn mà vẫn đảm bảo an toàn.

Thay đổi thứ ba, là việc giải tỏa lưu thông hàng hóa từ khu vực có dịch bởi vì việc lưu thông hàng hóa trong vùng dịch là rất khó khăn, chính vì vậy phải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không được ngăn sông cấm chợ. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn việc kiểm soát an toàn y tế cho hàng hóa, phương tiện và lái xe tham gia chở hàng. Lái xe được phép ra, vào, nhưng phải áp dụng các biện pháp chống dịch, phòng hộ cá nhân và xét nghiệm định kỳ khi tham gia vận chuyển hàng hóa qua vùng dịch. Điều này sẽ giúp cho hàng hóa được lưu thông dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại gỡ khó cho nhân dân trong vùng dịch.

- Đối với việc thay đổi chiến lược gộp mẫu, điều này có đảm bảo khả năng sàng lọc người nhiễm COVID- 19 không, cơ sở khoa học của việc này?

Phó giáo sư Trần Như Dương: Chiến lược gộp mẫu hoàn toàn có cơ sở khoa học vững chắc và rõ ràng. Có rất nhiều nghiên cứu quốc tế cũng như nhiều nước đã áp dụng chiến lược này.

Tại Việt Nam với sự thận trọng và khoa học, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương triển khai nghiên cứu, phát triển quy trình chuẩn từ rất sớm của việc gộp mẫu.

 

 (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
(Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)


Kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã khẳng định việc gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm là hoàn toàn khả thi, chính xác, tin cậy với độ nhậy và độ đặc hiệu cao tương đương như khi ta làm mẫu đơn. Chính nhờ có những căn cứ khoa học rõ ràng như vậy mà Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện trong toàn quốc.

- Như ông vừa cho biết việc cách ly F1 tại các cơ sở cách ly tập trung rất là vất vả, tốn kém, vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc cho cách ly F1 tại nhà?

Phó giáo sư Trần Như Dương: F1 là người đã tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính nên nguy cơ bị mắc bệnh là rất cao, và có thể nói F1 chính là nguồn lây tiềm tàng nhất. Nếu để cách ly F1 tại nhà có 2 nguy cơ lớn mà chúng ta phải đối mặt.

Thứ nhất, việc cách ly tại nhà thường rất khó triệt để và khó kiểm soát, chỉ cần người F1 lơ là vi phạm quy định cách ly thì nguồn bệnh sẽ lây ra cộng đồng.

Nhưng nguy cơ thứ hai còn nguy hiểm hơn rất nhiều và thuộc phạm vi y đức đó là khi để F1 tại nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình thì nguy cơ F1 sẽ làm lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình là rất lớn.

Các tổng kết của thế giới thấy, nếu để F1 trở thành F0 ở trong cùng một nhà thì có thể làm lây cho 80% đến 100% thành viên trong gia đình.

Như các bạn đều biết, các gia đình ở Việt Nam có nhiều thế hệ cùng sinh sống: Người già có, trẻ con có, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền… khi bị lây nhiễm sẽ gây bệnh nặng và tử vong cho những người trong cùng gia đình. Nhiều nước áp dụng việc này và đã có những hậu quả lớn. Đây cũng chính là vấn đề y đức mà chúng ta phải quan tâm và tôn trọng vì chúng ta phải nghĩ đến việc bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người. Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ vừa làm vừa suy nghĩ tổng kết kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp nhất mà vẫn đảm bảo được an toàn.

Vui Tết nhưng cần giữ an toàn

- Là người lăn lộn trong cả năm 2019 và hiện nay vẫn đang trực tiếp chỉ đạo truy vết tại Hải Dương. Trước thềm năm mới Tân Sửu, ông có nhắn nhủ gì với người dân trong dịp Tết để đảm bảo an toàn với dịch?

Phó giáo sư Trần Như Dương: Tết đang đến rất gần song tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên mỗi người dân đón Tết vui tươi nhưng cần nhớ giữ an toàn cho mình và cho mọi người.

Mọi người, mọi nhà nhớ thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế đó là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, không tụ tập, giữ khoảng cách và khai báo y tế. Không nên đi đến những vùng đang có dịch.

Người dân cần lưu ý tới một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cũng cần thay đổi như thay vì đi từng nhà gặp gỡ trực tiếp để chúc Tết thì hãy trở thành công dân thời 4.0 - chúc Tết qua mạng, qua các ứng dụng Internet, nhắn tin, gọi điện… Thay vì mừng tuổi bằng tiền mặt hoặc bằng bao lì xì thì có thể gửi thiếp chúc mừng qua mạng.

Tôi nghĩ trong lúc này mọi người cũng đều thông cảm và đều hiểu rằng trong lúc này an toàn mới là quan trọng nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư Trần Như Dương!.

 

Theo PV (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?