(GLO)- Mạo hiểm về vườn làm nông dân sau 14 năm gắn bó với Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah trong vai trò kỹ sư nông nghiệp, anh Nguyễn Đức Thêm đã trở thành người đầu tiên đưa mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu-công nghệ trồng rau sạch hiện đại nhất hiện nay về với huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.
Các loại rau xà lách, dưa leo, cải cay dùng để ăn sống là món khoái khẩu của gia đình chị Trương Thị Thu Huyền (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah). Tuy nhiên, vì lo ngại về độ an toàn với các sản phẩm bày bán ở chợ nên chị rất hạn chế, thậm chí không dám mua về ăn. Từ ngày biết đến vườn rau thủy canh của anh Nguyễn Đức Thêm (thôn 1, thị trấn Phú Hòa), chị trở thành khách hàng thân thiết. Chị Huyền chia sẻ: “Vài tháng nay, từ ngày vườn rau của anh Thêm cho sản phẩm, tuần nào tôi cũng ghé mua các loại rau sạch và tham quan. Rau ở đây rất đậm màu, đậm vị, dày lá, cây cứng cáp, thơm ngon chứ không mềm, mỏng và nhạt vị như một số loại rau thủy canh tôi đã dùng qua trước đây”.
|
Rau muống thủy canh được anh Nguyễn Đức Thêm ươm trồng thành công. Ảnh: B.L |
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa: “Chúng tôi luôn khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch. Do vậy, chúng tôi đang cùng anh Thêm kêu gọi bà con nông dân trên địa bàn tham quan, học hỏi mở rộng mô hình này để tiến tới thành lập tổ nghề nghiệp, tạo điều kiện kêu gọi nguồn vốn của các dự án, hỗ trợ nông dân sản xuất”. |
Hiện đại là điều ai cũng nhận thấy khi đến tham quan vườn rau thủy canh hồi lưu đầu tiên ở Chư Pah của nông dân Nguyễn Đức Thêm. Với diện tích hơn 1.000 m2, vườn rau được bao bọc bởi nhà lưới cùng với hệ thống bể, bơm, giàn ươm và ống trồng thủy canh rất kỹ lưỡng, công phu có vốn đầu tư lên tới 500 triệu đồng. Theo anh Thêm, đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều ưu điểm như không bị ảnh hưởng bởi thành phần đất, thời tiết, côn trùng gây hại. Một ưu điểm nữa của rau thủy canh là nói không với thuốc trừ sâu bệnh và các loại thuốc kích thích sinh trưởng khác. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho rau, anh Thêm còn ưu tiên ánh sáng tự nhiên bằng cách hạn chế phủ lưới chống nắng. Nhờ đó, các loại rau ở đây đều được khách hàng nhận xét là đậm màu, đậm vị, cây cứng cáp.
Nói thêm về công nghệ canh tác mà mình đã dày công nghiên cứu, anh Thêm cho biết: “Trồng rau thủy canh hồi lưu là mô hình công nghệ mới nhất hiện nay. Hệ thống thiết bị từ bể nước đến các giàn cây được trang bị đồng bộ và có đo chỉ số kiểm định bằng máy. Mô hình này giúp rau hấp thụ chất dinh dưỡng từ dòng nước chảy trong ống; đồng thời quang hợp nhờ ánh sáng, sức nóng tối đa nên cây rau cứng và giòn, ngon hơn loại rau thủy canh tĩnh. Hiện nay, tôi đang tập trung sản xuất các loại rau xà lách, rau muống, cải cay và dưa chuột… Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đa dạng các loại rau phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng hàng sạch chất lượng cao”.
Không chỉ vậy, vườn rau của anh Thêm còn ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua việc điều khiển bằng điện thoại thông minh. Chỉ cần nhấn lệnh bằng chiếc smartphone là hệ thống nước tưới cho cả vườn rau thủy canh tự động vận hành. Việc quản lý độ ẩm, pha trộn dinh dưỡng cho vườn rau cũng được anh thực hiện bằng máy móc hiện đại. Là một kỹ sư nông nghiệp, lại có vợ tốt nghiệp chuyên ngành Khuyến nông nên vợ chồng anh Thêm dành hết tâm huyết cho vườn rau thủy canh này. Hiện nay, bên cạnh cung cấp nguồn rau sạch ra thị trường trong và ngoài tỉnh, anh Thêm còn cung cấp các giàn rau thủy canh hồi lưu mi ni trồng trong nhà phố với mức chi phí chỉ 3-5 triệu đồng/giàn.
Trao đổi với chúng tôi về dự định sắp tới, anh Thêm bày tỏ: “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm cho những nông dân muốn canh tác rau sạch theo mô hình thủy canh hồi lưu. Mong muốn của tôi là thành lập một hợp tác xã sản xuất rau sạch ngay trên quê hương mình để có điều kiện kêu gọi vốn đầu tư, mở rộng diện tích. Tôi rất tâm đắc với câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Do đó, tôi chào đón tất cả anh em đến tham quan, học hỏi với ý định chuyển đổi cây trồng sang mô hình này”.
BẢO LAM