Bỏ phố về quê xây dựng trang trại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thay vì rời nông thôn ra thành thị lập nghiệp, nhiều người lại bỏ phố về quê xây dựng trang trại. Trong họ hẳn có những suy tính, ấp ủ riêng song quyết định dịch chuyển “ngược” ấy cũng đã tác động nhất định đến sự phát triển của địa phương.
1. Trang trại nông nghiệp gắn với phát triển du lịch của ông Nguyễn Chất Sâm (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. “Năm 1992, tôi bị mê hoặc khi lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này. Khi đó, tôi là công nhân Nhà máy thủy điện Ia Ly. Sau này, tôi quyết định mua 15 ha đất ấy để làm trang trại”-ông Sâm cho biết. Kể từ năm 2018, ông Sâm đi-về giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai để vừa quản lý, điều hành công ty vừa chỉ đạo kiến tạo khu đất mà trong mắt số đông là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Bằng sự nhạy bén của người làm kinh doanh, ông Sâm đã nhìn ra tiềm năng, thế mạnh từ trong chính cái bất lợi. Đất nằm trên đồi cao, không có nước nên cây cối rất khó xanh tốt; ngược lại phía sau là núi, phía trước là hồ thủy điện Ia Ly nếu giải quyết được “bài toán” về nước sẽ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái. Cuối cùng, ông quyết định đầu tư 600 triệu đồng làm đường ống dài 3.000 m bằng cách cột ống vào sợi cáp. Cứ 50 m cột một vòng cho chắc chắn. “Để giảm áp lực, càng xuống thấp, tôi lắp ống nhỏ dần”-ông Sâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Chất Sâm (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) giới thiệu về trang trại của mình. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Chất Sâm (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) giới thiệu về trang trại của mình. Ảnh: Đinh Yến
Sau hơn 2 năm kiên trì, ông đã biến khu đất cằn thành vườn cây ăn quả và hệ thống nhà hàng, bể bơi, homestay, ruộng lúa, hồ để du khách chèo thuyền. Ngay cả hệ thống đường ống trên không cũng khiến nhiều người thích thú. Trang trại của ông Sâm chính thức mở cửa đón du khách trong dịp lễ Noel vừa qua. “Tôi kết nối với một số bạn bè trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên: bắt cá, chèo thuyền trên hồ, nghỉ tại homestay và ngắm bình minh trên núi… Mọi người đều rất thích. Năm nay, vườn cây ăn quả cho thu hoạch, khi đó du khách sẽ có thêm trải nghiệm mới mẻ và được thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn”-ông Sâm nói.
Theo ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, mô hình kinh tế của ông Sâm quy hoạch khá bài bản. Đặc biệt, ông Sâm đã có ý tưởng táo bạo đưa nguồn nước từ trên núi về trang trại, biến vùng đất cằn thành khu đất sản xuất nông nghiệp với hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trang trại của ông Sâm sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho địa phương. Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình trang trại này, kết hợp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trên nhiều kênh thông tin để thu hút du khách, nghiên cứu mở rộng hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng trong huyện, tạo sức hút với khách du lịch.
2. Gần 2 năm trở lại đây, Baucanfarm cũng được nhiều người biết đến là nông trại nuôi dê có quy mô lớn nhất ở huyện biên giới Chư Prông. Chủ nhân là anh Nguyễn Quốc Tú cùng 4 người bạn đang sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Trên diện tích 8 ha ở thôn Hòa Bình (xã Bàu Cạn), anh Tú và bạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi dê kết hợp với trồng cỏ, cây ăn quả và hồ sinh thái.
Hệ thống chuồng trại nuôi nhốt, khu vực chế biến thức ăn, nhà kho… được đầu tư rất bài bản. Trong đó, dãy chuồng rộng 700 m2, anh Tú nuôi gần 500 con dê sinh sản và dê thương phẩm; dãy chuồng còn lại rộng hơn 300 m2 nuôi 200 con dê giống. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, anh dành 1 ha đất để trồng cỏ. Diện tích còn lại, anh trồng các loại cây ăn quả: sầu riêng, mít, bơ, nhãn và măng tây. Nông trại hiện giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Phạm Văn Hùng (thôn Bình An, xã Bàu Cạn) cho biết: “Chỗ làm cách nhà không xa, công việc lại đều nên anh em chúng tôi rất phấn khởi. Làm ở đây cũng không nặng nhọc mà thu nhập ổn định”.
Ông Tú bên nông trại nuôi dê (2)
Anh Nguyễn Quốc Tú chăm sóc đàn dê. Ảnh: Anh Huy
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, nông trại nuôi dê của anh Tú và các cộng sự bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại, trang trại đã xuất bán 3 lứa dê giống, 4 lứa dê thương phẩm, mỗi lứa khoảng 150 con. Trung bình dê giống nuôi 2-3 tháng, nặng khoảng 15-20 kg/con với giá hiện tại 200 ngàn đồng/kg; còn dê thương phẩm nuôi 5-6 tháng đạt 50-60 kg/con, giá bán dao động 110-120 ngàn đồng/kg. “Chúng tôi dự định mở rộng quy mô nuôi lên hàng chục ngàn con để có thể cung cấp dê ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, kiến thiết, đầu tư xây dựng nông trại thành điểm tham quan lý tưởng với đồng cỏ trải dài, xanh mướt; hệ thống chuồng trại kiên cố, khoa học; khuôn viên với nhiều cây ăn quả và hồ nước bao quanh… để người dân vào thư giãn, vui chơi, tham quan”-anh Tú chia sẻ về dự định tương lai.
Trao đổi với P.V về Baucanfarm, ông Đoàn Văn Xuân-Bí thư Đảng ủy xã Bàu Cạn-cho rằng: “Mô hình đã tận dụng và phát huy tiềm năng đất đai của địa phương, tạo việc làm cho một số lao động tại chỗ. Mô hình này tạo điều kiện rất tốt để người dân tham quan, học hỏi và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương”.
ANH HUY - ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.