Trong hơn 17.000 bài thuốc đông y, chỉ có duy nhất 1 bài thuốc có nấm linh chi. Loại nấm này không có nhiều tác dụng như đồn thổi.
Nhập viện sau 3 tháng uống linh chi (!?)
BV Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn T. (61 tuổi) từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng suy thận độ 4, suy gan nặng.
Bác sĩ phải chỉ định lọc máu cấp cứu, tuy nhiên từ 21/10 đến nay, tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục nặng lên. Hiện bệnh nhân T. đang hôn mê, phải thở máy, tiên lượng dè dặt.
Gia đình cho biết, ông T. có tiền sử bị viêm gan B và suy thận độ 3. Ba tháng nay, ông T. uống nấm linh chi liên tục. Tuy nhiên 1 tháng trở lại đây, da ông T. ngày càng vàng, điều trị tại tuyến dưới nhưng bệnh ngày càng nặng thêm nên từ 16/10, gia đình chuyển ông T. đến BV 108.
Thầy thuốc Nhân dân - bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. cần xem xét kĩ nguyên nhân.
Thứ nhất, cần xem nấm ông T. uống có phải nấm linh chi hay không. Thứ hai, sản phẩm nấm linh chi đó có nguồn gốc rõ ràng, có chất bảo quản độc hại hay không, nếu có dễ gây nhiễm độc.
|
Trong 17.000 bài thuốc đông y, nấm linh chi chỉ có tên trong duy nhất 1 bài thuốc, chỉ được coi như một loại trà |
Trường hợp thứ ba, nếu loại nấm ông T. uống có nguồn gốc rõ ràng, an toàn nhưng vì quá tin tưởng vào nấm linh chi, chỉ uống nấm kéo dài mà ngưng dùng các loại thuốc điều trị viêm gan B và suy thận thì bệnh nặng lên là do lỗi của bệnh nhân. Đây là sai lầm rất nghiêm trọng.
TS Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết thêm, để xác định chính xác nguyên nhân khiến tình trạng bệnh nhân nặng lên cần xem xét nhiều khía cạnh, trong đó có chế độ ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra cần xem loại nấm ông T. uống có phải linh chi hay loại nấm khác.
Nấm linh chi chỉ như một loại trà
BS Hướng cho biết, nấm linh chi về cơ bản lành tính, có vị đắng, tính hàn. Trên thế giới có 6 loại linh chi, dựa theo màu sắc gồm: linh chi đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, tím.
Tại Việt Nam mới tìm ra và nuôi trồng được linh chi vàng và đỏ. Gần đây, thêm một người dân ở Tây Nguyên tìm được linh chi đen.
“Tôi khẳng định linh chi là 1 loại trà để giải độc gan thận thôi chứ không phải một vị thuốc chữa bệnh. Trong 17.000 bài thuốc đông y, duy chỉ có 1 bài thuốc có linh chi”, BS Hướng nhấn mạnh.
Ông cũng nói rõ, nhiều người nói nấm linh chi có thêm tác dụng tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa ung thư, chữa được bệnh nọ, bệnh kia nhưng đây đều là những lời nói quá, thần thánh hoá. Nấm linh chi chỉ tốt vừa phải.
“Uống linh chi cũng như uống nước trà nhưng nghĩ nó là thần dược, không uống thuốc men gì cả thì bệnh nặng là đương nhiên”, BS Hướng nói.
Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, linh chi vốn là loại nấm mọc trên cây lim, nếu mọc trên những cây khác thì tác dụng không còn nhiều, trong khi ở Việt Nam, rừng lim đã không còn, chỉ còn rất ít cây đơn lẻ. Theo đó, những loại nấm linh chi được nuôi trồng cũng chỉ có tác dụng vừa phải.
TS Phùng Tuấn Giang cũng cho biết, hầu hết linh chi đưa về Việt Nam chỉ còn bã, không còn nhiều tác dụng. Nấm linh chi được nuôi cấy cũng có tác dụng không bằng nấm tự nhiên.
“Để giữ lại các tinh chất quý trong nấm linh chi, khi hái cần phải đúng thời điểm, tốt nhất là thời điểm lúc ra hoa khi nấm có lớp phấn bên ngoài (bào tử nấm). Trong khi hầu hết nấm linh chi ở Việt Nam đã qua giai đoạn này, lấy ở giai đoạn muộn cũng chỉ như gỗ thôi”, TS Giang chia sẻ.
Để hiệu quả tối ưu, lớp vỏ cứng của bào tử nấm cần được tách bỏ vì khi uống gây táo bón, khó tiêu hoá. Sau đó, phải dùng công nghệ nano hoá, bào chế thành các viên nhỏ.
TS Giang cũng khuyến cáo người dân không nên đun nấu nấm linh chi lấy nước uống, vì cách này chỉ lấy được 30% dưỡng chất, 70% dưỡng chất còn lại không tan trong nước. Muốn tan phải sử dụng thêm các công nghệ để bào chế.
Dù lành tính nhưng không nên uống quá nhiều nấm linh chi, có thể gây hạ đường huyết, co cơ, chuột rút, hạ huyết áp.
Thúy Hạnh (VIE)