Bình Định: Người dân đổ xô đi mua lộc đầu năm tại hội chợ Gò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng ngàn người dân tập trung về chợ Gò (H.Tuy Phước, Bình Định), phiên chợ chỉ họp một lần vào sáng mùng 1 Tết, để mua trầu cau, rau muống, quả sung, muối... nhằm cầu tài lộc đầu năm.

Rạng sáng mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 1.2) hàng ngàn người dân ở Bình Định lại nô nức đi chợ Gò (khu phố Phong Thạnh, TT.Tuy Phước, H.Tuy Phước) để cầu tài lộc đầu năm.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên phần lễ tại hội chợ Gò không được tổ chức, người đi chợ cũng ít hơn so với các năm trước.

 

Người dân ở Bình Định đi chợ Gò vào sáng mùng 1 Tết để mua trầu, cau. Ảnh: Hoàng Trọng
Người dân ở Bình Định đi chợ Gò vào sáng mùng 1 Tết để mua trầu, cau. Ảnh: Hoàng Trọng


Hầu hết người dân đi chợ Gò đều mua lá trầu, quả cau, quả đu đủ, quả sung hay một ít muối hạt, ít gạo, rau muống… để lấy lộc đầu năm. Tất cả đều mong ước năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong việc làm ăn và gia đình thuận hòa, hạnh phúc.

Cụ Lê Thị Hường (87 tuổi, P.Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã có hơn 60 năm bán trầu, cau, gạo, muối... tại chợ Gò vào mỗi dịp Tết đến.

“Mua bán đầu năm không cốt kiếm lời mà lấy lộc đầu năm và vui xuân là chính. Nhưng chắc tôi bán hết năm nay cũng nghỉ thôi, vì tuổi cao sức yếu lắm rồi. Con cháu cũng khuyên tôi nghỉ bán nhưng cứ đến ngày mùng 1 Tết lại nhớ chợ Gò. Từ nhỏ tôi đã đi chợ Gò vui chơi xuân, xem hát bội, chơi các trò chơi dân gian vui lắm”, cụ Hường nói.

 

Hầu hết các mặt hàng nông sản
Hầu hết các mặt hàng nông sản "cây nhà lá vườn" quanh vùng chợ Gò đều được mua bán vào sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Hoàng Trọng


Theo cụ Hường kể, mỗi một mặt hàng được mua bán tại chợ Gò đều có ý nghĩa liên quan đến các quan niệm dân gian. Trong đó, trầu, cau là 2 mặt hàng được mua nhiều nhất tại phiên chợ Gò vì có quan niệm dân gian là mua trầu, cau là mua cái lộc đầu năm hoặc vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Tương tự, mua muối vì có câu được truyền miệng “đầu năm mua muối, cuối năm xây nhà”, mua rau muống vì “muốn” gì được nấy, mua đu đủ vì muốn no đủ, mua mãng cầu là vì cầu cho sung mãn, mua quả sung là vì sung túc suốt năm…


 

 Mua rau muống đầu năm vì quan niệm
Mua rau muống đầu năm vì quan niệm "muốn gì được nấy". Ảnh: Hoàng Trọng


Nhiều người cao tuổi sống gần khu vực chợ Gò cho rằng phiên chợ này có từ thời Tây Sơn. Thời đó, khu vực gần chợ Gò ngày nay là tiền đồn của nghĩa quân Tây Sơn để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn cho phép mở hội tại chợ Gò để người dân và quân lính vui xuân, vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Chợ Gò còn là nơi để các binh sĩ nhà Tây Sơn có thời gian hẹn hò với vợ, người yêu, gia đình trong ngày đầu năm mới. Vì vậy, chợ Gò được dân gian xem là chợ hẹn hò.

Tuy nhiên, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng nguồn gốc Hội chợ Gò đã gắn liền với quá trình lập làng, xây dựng quê hương của người Việt. Chợ Gò ra đời từ những hình thức sinh hoạt dân gian, gắn liền với nền văn minh nông nghiệp, với tín ngưỡng cầu tài lộc, may mắn vào đầu năm. Chưa có tư liệu lịch sử nào chứng minh chợ Gò gắn với hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn.


 

 Đến gần trưa mùng 1 Tết, người đi chợ Gò ít dần. Ảnh: Hoàng Trọng
Đến gần trưa mùng 1 Tết, người đi chợ Gò ít dần. Ảnh: Hoàng Trọng


Chợ Gò được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”, bởi mỗi năm chỉ nhóm họp một lần duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.

Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng nét độc đáo ở Hội chợ Gò từ xưa đến nay vẫn còn được giữ gìn. Đó là người bán không nói thách và người mua không mặc cả, không đặt nặng vấn đề kinh doanh lời lỗ. Sự mua bán ở chợ Gò chỉ là dịp người ta trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang thịnh vượng.

 

Theo Hoàng Trọng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gây quỹ tặng quà Tết cho thiếu nhi khó khăn

Gây quỹ tặng quà Tết cho thiếu nhi khó khăn

(GLO)- Để có kinh phí giúp đỡ các em thiếu nhi trong dịp Tết Nguyên đán 2022, một số tổ chức Đoàn, câu lạc bộ đã linh hoạt triển khai các hoạt động gây quỹ. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của của đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và người dân. Những phần quà nhỏ nhưng đong đầy yêu thương đã đem đến niềm vui cho các mảnh đời khó khăn.
Hối hả chợ huyện vùng sâu chiều 29 tết Nhâm Dần

Hối hả chợ huyện vùng sâu chiều 29 tết Nhâm Dần

(GLO)- Trái hẳn với không khí nhộn nhịp của những ngày trước, phiên chợ quê nơi phố huyện Kông Chro chiều cuối năm đã trở nên vắng vẻ và hối hả hơn. Khi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chỉ còn được tính bằng giờ cũng là lúc cả người bán lẫn người mua cùng “chạy đua“ để kịp đón Tết với gia đình.
Tết ấm cho người nghèo vùng biên

Tết ấm cho người nghèo vùng biên

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với các cấp, các ngành, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh, góp phần giúp các đối tượng yếu thế ở khu vực biên giới đón Tết đầm ấm, sum vầy.
Cây nêu Việt Nam cao 10m trên đất châu Phi xa xôi

Cây nêu Việt Nam cao 10m trên đất châu Phi xa xôi

Khởi đầu cho nhiều hoạt động chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, tại vùng đất Nam Sudan xa xôi, các cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam (BVDC2.3) đã hoàn thành nghi thức dựng cây nêu truyền thống. Những người lính mũ nồi xanh Việt Nam tại châu Phi đã cảm nhận được không khí của ngày Tết truyền thống đang đến thật gần.
Người giữ sắc đào Nhật Tân trên vùng quê mới

Người giữ sắc đào Nhật Tân trên vùng quê mới

Ông là Chu Đức Lợi, sinh ra và lớn lên ở làng Nhật Tân (nay là phường Nhật Tân, thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) nổi tiếng bởi nghề trồng hoa đào cảnh. Ông kể, mãi đến năm 1998 khi tròn tuổi 40 ông mới phải duyên với vợ ông là Dương Thị Chúc kém ông 10 tuổi ở quê lụa Hà Tây. Hai năm sau, vợ chồng ông vào lập nghiệp trên vùng quê mới Nam Ban, Lâm Hà mang theo bí quyết và kinh nghiệm của nghề trồng đào truyền thống lâu đời Nhật Tân.
Chợ hoa Hàng Lược ngày đầu hoạt động

Chợ hoa Hàng Lược ngày đầu hoạt động

Ngày 20/1/2022, còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi và Hàng Khoai bắt đầu hoạt động phục vụ người dân Thủ đô. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, năm nay chợ hoa không còn cảnh nhộn nhịp người dân như mọi năm.