Bệnh viện Quân y 15 chú trọng xử lý chất thải y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15) đã quan tâm xử lý chất thải y tế nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng dân cư.
Bệnh viện Quân y 15 hiện có 15 khoa-phòng chuyên môn với quy mô gần 300 giường bệnh. Trung bình mỗi năm, bệnh viện khám và điều trị cho gần 40 ngàn lượt bệnh nhân. Lượng rác thải từ các hoạt động của bệnh viện khá lớn, mỗi năm lên đến trên 186 tấn. Trong đó, rác thải sinh hoạt chiếm trên 90%, rác thải có nguy cơ lây nhiễm chiếm trên 7% và rác thải nguy hại gần 3%. Để nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải, hàng năm, bệnh viện đều tổ chức các lớp tập huấn phân loại rác thải cho cán bộ, nhân viên y tế, đồng thời, chi trên 220 triệu đồng cho công tác thu gom, xử lý rác thải.
 Lò hấp rác trị giá hơn 7 tỷ đồng chuẩn bị được đưa vào hoạt động. Ảnh: H.T
Lò hấp rác trị giá hơn 7 tỷ đồng chuẩn bị được đưa vào hoạt động. Ảnh: H.T
Thiếu tá-bác sĩ Nguyễn Anh-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 15-cho biết, các loại rác thải sẽ được phân loại ngay tại khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế, sau đó được thu gom 2 lần/ngày về kho lưu trữ tạm thời. Từ đây, cứ 2-3 lần/tuần, rác thải sinh hoạt được Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai thu gom đưa đi xử lý; rác thải nguy hại được bệnh viện hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Hậu Sanh (tỉnh Bình Định) thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý. Riêng rác thải có nguy cơ lây nhiễm, bệnh viện xử lý bằng lò đốt với nhiệt độ cao 1.000-1.100 độ C để diệt sạch vi khuẩn, không tạo ra dioxin và được xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường.
Song song với hoạt động thu gom, xử lý các chất thải rắn, Bệnh viện Quân y 15 còn triển khai tốt hoạt động xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết thêm, nước thải từ bệnh viện được phân thành 3 loại, gồm: nước mưa, nước thải sinh hoạt (chủ yếu từ nhà vệ sinh, nhà tắm, căng tin...) và nước thải y tế (chủ yếu từ khu giặt giũ, quá trình vệ sinh có chứa chất tẩy rửa, vi khuẩn, các chất độc hại và quá trình xét nghiệm). Đối với nước thải sinh hoạt, bệnh viện xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại theo 2 hình thức chính là tự lắng và cặn lắng trước khi được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với nước thải y tế được tách rác, thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung để tiến hành xử lý theo đúng quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống thoát nước của thành phố. Riêng đối với nước mưa chảy tràn trên toàn bộ diện tích bệnh viện được quy ước là sạch nên thu gom bằng hệ thống thoát nước mưa của bệnh viện, sau đó xả trực tiếp vào cống thoát nước của thành phố.
Ngoài ra, bệnh viện cũng áp dụng các biện pháp quản lý khác nhằm hạn chế tối đa các tác động môi trường do quá trình hoạt động của đơn vị như: phòng cháy, chữa cháy, đề phòng sự cố tai nạn lao động, sự cố đối với hệ thống thu gom nước thải, kiểm soát tiếng ồn và các nguồn gây cháy nổ. Để thực hiện tốt các biện pháp này, bệnh viện đã tổ chức các lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy và thường xuyên giám sát, kiểm tra hệ thống trang-thiết bị, hệ thống điện, hệ thống thu gom nước thải nhằm kịp thời phát hiện và xử lý, tránh xảy ra trường hợp rủi ro.
Nhờ thực hiện các giải pháp trên, hoạt động thu gom, xử lý chất thải tại Bệnh viện Quân y 15 có nhiều chuyển biến tích cực. Anh Trịnh Xuân Hòa-Trưởng phòng Kinh doanh phụ trách mảng bảo vệ môi trường, Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Môi trường Nhân Hòa Gia Lai-cho biết: “Hàng năm, chúng tôi thực hiện quan trắc môi trường tại bệnh viện đều nhận thấy chất thải rắn tại đây được thu gom và xử lý đúng quy định; tiếng ồn, các chất ô nhiễm không khí đều nằm trong giới hạn cho phép; nước thải phát sinh từ bệnh viện không gây ô nhiễm môi trường nước của khu vực”.
Nói về công tác xử lý chất thải của đơn vị trong thời gian tới, Thiếu tá-bác sĩ Nguyễn Anh cho biết, ngoài thực hiện các giải pháp trên, bệnh viện sẽ đưa lò hấp rác vừa được Cục Quân y đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 7 tỷ đồng vào hoạt động. “Ưu điểm của lò hấp rác là không thải ra khói, không có bụi, không tiếng ồn và xử lý triệt để vi khuẩn, vi rút. Sau khi hấp, rác thải sẽ được nghiền nhỏ và chuyển về nhà xử lý để tái chế. Vì vậy, khi đưa lò hấp rác vào hoạt động sẽ hạn chế được ảnh hưởng của chất thải y tế đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh”-Thiếu tá Nguyễn Anh thông tin.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.