Bế Khắc Duy-Đi đúng hướng sẽ thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù sớm phải rời ghế nhà trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nhờ lòng đam mê, sự cần cù và lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, Bế Khắc Duy (SN 1993, ở tổ dân phố 2, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) vẫn là một người thành công trong cuộc sống với một cơ sở làm cửa sắt, inox, kính có thương hiệu.
 
Trong một lần tham dự hoạt động do Đoàn Thanh niên thị trấn Phú Thiện tổ chức, tôi rất ấn tượng khi gặp Bế Khắc Duy-Bí thư chi đoàn tổ dân phố 2. Dáng người nhỏ nhắn nhưng Duy rất lanh lẹ và hoạt bát. Tôi càng bất ngờ hơn khi biết chàng trai này còn là một điển hình trong việc phát triển kinh tế gia đình.

 

Anh Bế Khắc Duy. Ảnh: T.T
Anh Bế Khắc Duy. Ảnh: T.T

Duy tâm sự, khi đang học lớp 10, vì điều kiện gia đình khó khăn nên anh đành xin nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế,  lo cho các em của mình được tiếp tục học tập. Sau khi nghỉ  học, Duy đi học nghề làm cửa sắt. Nhưng mới chỉ học được 4 tháng, Duy phải bỏ dở để về phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Xong việc, Duy quay lại với lớp học nghề. Một thời gian sau, Duy lần lượt xin vào làm ở các cơ sở sản xuất cửa sắt, inox và kính. Tại những nơi này, Duy đều rất tận tâm làm việc.

Anh suy nghĩ, những nơi này vừa là chỗ để làm việc, vừa là nơi để học thêm cho tay nghề vững. Thấy Duy tận tâm, say nghề,  các chủ cơ sở sản xuất rất quý mến và tin tưởng, sẵn sàng truyền đạt những bí quyết trong nghề cho anh.  

Sau 5 năm đi làm thợ cho các cơ sở sản xuất, khi tay nghề đã vững, Duy quyết định xin nghỉ để ra làm riêng. Lúc này, Duy mới nhận thấy những khó khăn mà anh sẽ phải đối mặt. Nếu mở tiệm ở thị trấn Phú Thiện thì sẽ rất khó tồn tại vì trên địa bàn đã có nhiều cơ sở làm ăn lâu năm, đã có thương hiệu thì anh khó cạnh tranh. Suy nghĩ mãi, Duy quyết định thuê đất mở cơ sở ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) bởi qua các lần đi khảo sát, anh thấy đây là vùng đất giàu tiềm năng, dân cư khá đông đúc, đời sống khá giả, bà con xây dựng nhà cửa rất nhiều. Đã vậy, ở đây mới chỉ có một cơ sở sản xuất cửa sắt.

Sau khi quyết định, Duy đầu tư mua máy móc, thuê đất dựng nhà và mở xưởng tại xã Pờ Tó. Từ nhà anh đến địa điểm mở xưởng cách hơn 40 km nhưng Duy sắp xếp mọi việc gia đình để toàn tâm với công việc mà bấy lâu nay đam mê theo đuổi. Cơ sở sản xuất hoàn thành, Duy dành nhiều thời gian gặp gỡ, chào hàng với các gia đình chuẩn bị làm nhà. Khi đã có khách hàng, Duy tập trung làm thật tốt sản phẩm, giao hàng đúng thời gian, giá cả hợp lý. Đặc biệt,  khi các khách hàng trong vùng có nhu cầu sửa chữa hay làm mới, dù là việc nhỏ nhất, Duy cũng đều tận tình mang máy móc đến nơi  phục vụ khách hàng. Nhờ sự tận tình và chu đáo đó mà cơ sở của Duy ngày càng có nhiều khách đến đặt hàng.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Bế Khắc Duy:

- Muốn khởi nghiệp thành công phải có sự đam mê.

- Trong kinh doanh quan trọng nhất là chữ “Tâm”.

- Luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với tinh thần năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, Duy luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm cũng như tham khảo trên các phương tiện truyền thông để cải tiến mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi trình độ tay nghề được nâng cao, thương hiệu được tạo dựng, khách hàng gần xa đã tìm đến cơ sở của Duy để đặt hàng. Các sản phẩm của anh làm ra rất đa dạng và giá cả hợp lý nên khách hàng rất thích. Tuy mới mở vào cuối năm 2015, ban đầu chỉ có một mình vừa làm thợ, vừa làm chủ, đến nay, Duy đã có thêm 2 thợ với công việc ổn định. Mỗi năm, trừ chi phí, Duy thu về khoảng 150 triệu đồng.

Chia tay trong buổi chiều muộn, Duy chia sẻ: “Mỗi người có một đam mê khởi nghiệp riêng. Tuy nhiên, thành công hay không là do mình có chọn đúng nghề và có thật sự đam mê với công việc đã chọn”.

Thành Trung

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.