Bé gái 11 tuổi tử vong khi rơi từ tầng 39: Giật mình đi nào các bố mẹ ơi!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu chuyện cô bé 11 tuổi ngã từ tầng 39 và lá thư tuyệt mệnh đang gây bão mạng suốt 2 hôm nay. Tôi muốn nhân sự việc ấy để kêu gọi một cái giật mình từ các bậc làm bố mẹ.

 

 Lá thư tuyệt mệnh được cho là của bé gái 11 tuổi trước khi rơi từ tầng 39 - Chụp màn hình
Lá thư tuyệt mệnh được cho là của bé gái 11 tuổi trước khi rơi từ tầng 39 - Chụp màn hình



Hãy trò chuyện với con, đừng để iPad làm việc đó

Theo một báo cáo khảo sát của UNICEF từ 402 em học sinh trong 2 độ tuổi 11-14 và 15-17 thì tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam rơi vào khoảng 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Ước tính có khoảng 3 triệu trẻ em vị thành niên cần được hỗ trợ y tế, tư vấn điều trị tâm lý nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó được đáp ứng. Vậy 80% trẻ vị thành niên còn lại thì sao? Liệu cha mẹ hay thầy cô có biết và thực sự để tâm đến những đứa trẻ đó?

12 năm làm người giải đáp thắc mắc cho lứa tuổi mới lớn của một tờ báo, tôi đọc hàng ngàn bức thư của các em trên khắp Việt Nam, những câu chuyện trầm cảm, căng thẳng của các em luôn là vì sức ép học hành, mối quan hệ bạn bè không như ý và cả sự đổ vỡ của cha mẹ. Đau xót là nhiều bậc cha mẹ đã không nhận ra con mình đang trầm cảm cho đến khi những đứa trẻ đó chọn cách tự tử hoặc tự hành hạ ngược đãi bản thân.


 


Tôi vẫn luôn tha thiết kêu gọi các bậc làm cha làm mẹ về việc hãy để con tự hào về mình chứ đừng bắt con phải khiến mình tự hào nữa. Bằng việc hãy trở thành ông bố bà mẹ hạnh phúc trước nhất. Chỉ khi bạn là một bà mẹ hạnh phúc, con bạn mới hạnh phúc. Chỉ khi bạn là một ông bố hạnh phúc, con bạn mới hạnh phúc.




Chẳng thể nói những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình lao động vất vả, cha mẹ bươn chải mưu sinh để tồn tại giữa các đô thị mà mức tiêu dùng đắt đỏ như Hà Nội - TP.HCM mới là những đứa trẻ dễ trầm cảm. Mà ngay cả với những gia đình khá giả cũng không được miễn trừ việc con cái họ trầm cảm. Những tưởng điều kiện đầy đủ là con cái sống vui, vô tư, hồn nhiên nhưng hóa ra không phải. Như những đứa trẻ ngày ngày cắm mặt vào iPad điện thoại thông minh vì chính cha mẹ chúng cũng đang bận rộn với điện thoại.

Tôi luôn không tin vào việc một đứa trẻ nghiện chơi điện thoại hơn là nói chuyện, đi chơi cùng cha mẹ chúng. Nếu có thì cũng là bởi đứa trẻ đó đã có quá nhiều thời gian bên điện thoại thông minh hơn thời gian bên bố mẹ. Còn nếu không, như những đứa trẻ nhà tôi, chúng vẫn thích được nói chuyện với bố mẹ, sẵn sàng bỏ máy điện thoại xuống để cùng tranh luận nhí nhố với bố hay lắng nghe từng câu chuyện ngốc xít của mẹ. Bố mẹ luôn hấp dẫn con cái hơn là chiếc điện thoại một khi bạn yêu chúng, bạn dành thời gian cho chúng nhiều hơn thời gian chúng dùng điện thoại.

Việc nhiều cha mẹ mất đi sức hấp dẫn với con so với điện thoại thông minh chỉ là điểm khởi đầu cho sự cô đơn của lũ trẻ. Cái lúc chúng chơi một ván games hoành tráng đi nữa thì vẫn là lúc chúng cùng cực cô đơn vì trước mặt chúng chỉ là một màn hình vô tri, lạnh lẽo. Trẻ càng cô đơn thì càng tìm đến mạng xã hội, điện thoại thông minh. Là còn chưa kể, ngay trên YouTube, những thứ tinh vi núp dưới danh nghĩa “Chuyện có thật” đang đầu độc lũ trẻ từ 9-13 tuổi mà đang tò mò vô cùng. Tôi đã từng giật mình khi nghe một câu chuyện có thật như thế trên YouTube con gái tôi xem. Trong đó là câu chuyện về một đứa trẻ quanh năm suốt tháng bị bố mẹ bỏ rơi phải làm bạn với máy tính. Và đứa trẻ đó đã vài lần tìm cách tự tử. Dù nghe xong tôi biết chắc đến 99% là câu chuyện bịa nhưng nó lại có sức lây lan khủng khiếp đến những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự. Và bao nhiêu đứa trẻ trong số cả triệu lượt xem kia sẽ quyết định nhảy từ tầng 39 xuống?

Đừng nghĩ “trẻ con thì biết cái gì”

Sức ép học hành, những “con nhà người ta” có thể khiến những đứa trẻ bị trầm cảm. Chúng ta thường lên án những bậc phụ huynh kiểu đó. Nhưng có những nguyên do trầm cảm khác mà nhiều cha mẹ vô tình tạo ra cho trẻ mà vẫn nghĩ mình không sai. Như chuyện “bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi con”, “mẹ già và xấu đi vì sinh con và nuôi con vất vả”, “có để yên cho bố làm việc không? Bố không làm việc thì cả nhà chết đói nhăn răng ra đấy”… Có bố mẹ nào thấy quen không? Lũ trẻ bị trầm cảm đôi khi cũng từ những câu nói đó. Chúng tự suy diễn ra rằng mình chính là nguyên nhân của mọi điều tồi tệ ấy. Và chỉ vài thất bại nhỏ thôi có thể khiến chúng không còn thiết sống nữa. Tôi chẳng thấy cách giáo dục con kiểu đó sẽ giúp con trân trọng và yêu thương cha mẹ hơn. Ngược lại, càng yêu thương cha mẹ, lũ trẻ càng muốn chết quách đi cho rồi để cứu lại bố mẹ.

Lại còn kiểu nhiều bậc cha mẹ cố giữ rịt lấy cuộc hôn nhân nhạt toẹt của mình để rồi cãi vã, đánh đập, sỉ nhục nhau thường xuyên trước mặt con. Rằng: Nếu không vì con, tôi đã bỏ quách cô rồi. Rằng: Tôi nhịn anh vì các con thôi. Hay kể cả những cuộc ly dị chóng vánh, đứa trẻ không được chuẩn bị tâm lý, lúc ở nhà bố thì nhớ mẹ, lúc ở nhà mẹ thì nhớ bố. Còn chưa kể, như vị trưởng ban phụ huynh dạo trước, kỳ thị những mẹ đơn thân, những gia đình không hạnh phúc và nói những lời mai mỉa trước mặt lũ trẻ khiến chúng cảm thấy tồi tệ khi được sinh ra trong một gia đình khuyết.

“Trẻ con thì biết cái gì” là cơn cớ cho những trầm cảm mà lũ trẻ phải tự giấu trong lòng. Chúng không được nhận sự lắng nghe từ cha mẹ. Chúng không biết chia sẻ với ai. Chúng lạc lõng bơ vơ suốt tuổi ấu thơ. Thầy cô trên lớp chỉ mải mê với thành tích học tập của lớp mà chẳng đủ thời gian (dù có muốn đi chăng nữa) để nhìn sâu vào mắt từng học trò. Nên những đứa trẻ càng bơ vơ từ nhà đến trường, từ trường về nhà.

Có nhiều lúc, tôi thầm nghĩ thế hệ 7X, 8X chúng ta ngày xưa còn có anh Chánh Văn, anh Cỏ Cú, anh Bồ Câu, anh Xương Rồng… để viết thư tâm sự. Còn lũ tuổi mới lớn bây giờ tìm anh nào trên mạng xã hội ngổn ngang tin tiêu cực? Hỏi bố thì bố đang bận với những dòng tin trên Facebook hay những trận đá bóng xứ sở xa tít. Hỏi mẹ thì mẹ đang bận với sinh thuận tự nhiên hay những bạt ngàn hàng giảm giá của Black Friday. Đến cả chất lượng hôn nhân cũng kém dần đi bởi sự bận rộn với màn hình điện thoại thì mong gì con có thời gian chất lượng bên cha mẹ?

Vậy thì hôm nay, nhân một câu chuyện đau lòng đã xảy ra thì chúng ta hãy biết giật mình. Cha mẹ hãy trò chuyện với con nhiều hơn chút nữa. Dừng lại những rao giảng đạo đức hay “con nhà người ta” hoặc những kế hoạch cho con học tiếng Anh, đi du học… Hãy trò chuyện với con và đừng vừa nói vừa liếc mắt vào điện thoại nữa. Hãy trò chuyện với con bằng việc trở thành một nhân vật trong những câu chuyện của con. Tôi vẫn luôn tha thiết kêu gọi các bậc làm cha làm mẹ về việc hãy để con tự hào về mình chứ đừng bắt con phải khiến mình tự hào nữa. Bằng việc hãy trở thành ông bố bà mẹ hạnh phúc trước nhất. Chỉ khi bạn là một bà mẹ hạnh phúc, con bạn mới hạnh phúc. Chỉ khi bạn là một ông bố hạnh phúc, con bạn mới hạnh phúc. Mà muốn thế, cần lắm mỗi người bớt một ly bia, bớt một cú vuốt điện thoại, nhìn sâu vào mắt con mình khi trò chuyện…

 

Theo Hoàng Anh Tú (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.