20 năm trước, là một người lính xuất ngũ trở về quê, ông Dương Khắc Kiểm từng làm Phó ban Thể thao của xã Nghiêm Xuyên. Khi đó, xã có ý định mở giải thể thao, ông được giao nhiệm vụ tổ chức và nghĩ ra môn thể thao nào phải vừa hào hứng lại vừa văn minh. “Tôi đã nghĩ ngay đến bóng đá nữ, cái ý tưởng mà tôi đã ấp ủ từ nhiều năm trước”, ông Kiểm nhớ lại.
Cứ khoảng 15 giờ chiều hàng ngày, ông Kiểm lại đóng các đồ đạc cần thiết như cờ, giày thể thao vào chiếc thùng sắt, buộc chục quả bóng vào đầu xe đạp ra sân để huấn luyện đội bóng đá nữ của làng Nghiêm Xá. |
Thế rồi xã cũng đã đồng ý cho ông thành lập ra hai đội bóng mang tên gọi Thanh Xuân và Tuổi Trẻ để phục vụ cho giải thể thao của xã, với sự tham gia của 30 em gái có tuổi từ 13 đến 20. Kỷ niệm về những ngày đầu thành lập đội bóng ông Kiểm nhớ mãi không quên: “Cách đây 20 năm, dân làng ăn còn chưa no nói gì đến thể thao, bóng đá. Tôi phải đến tận nhà các em vận động. Mưa dầm thấm lâu, hai năm sau thì xã cũng đã hình thành được hai đội bóng đá nữ”.
Từ đó “bầu Kiểm” trở thành huấn luyện viên không công và duy trì đội bóng đá nữ xã Nghiêm Xuyên cho tới tận hôm nay. Hình ảnh ông già với vầng trán cao, dáng người nhỏ bé, nước da đen sạm và mái đầu bạc phơ hàng ngày vẫn cùng đám cháu gái trong làng ra sân tập bóng không còn xa lạ đối với người dân làng Nghiêm Xá. Có những gia đình ông Kiểm dạy cách đá bóng từ thế hệ mẹ đến con.
Ông tự tay căng lưới, chuẩn bị các đồ dùng, dụng cụ tập luyện cho các cháu.
Khác với bóng đá nam, thầy Kiểm luôn quan tâm, theo sát và chỉ bảo cặn kẽ từng chi tiết, kỹ năng cho các cháu để tránh xảy ra những chấn thương không đáng có.
Khi các cháu đã quen dần với trái bóng, bầu Kiểm sẽ hướng dẫn thêm nhiều kỹ năng khó.
Sau một thời gian theo thầy Kiểm học chơi bóng, chân sút Tạ Phương Thuỷ đã thực hiện khá thuần thục kỹ năng sút bóng cầu môn.
Các cô gái làng Nghiêm Xá say sưa với trái bóng tròn và sân cỏ.
Sau khi huấn luyện những kỹ năng cơ bản, bầu Kiểm chia đội bóng làm 2 phe đá đối kháng.
Thông Thiện/laodong