Bầu Đức nói gì sau thỏa thuận hợp tác 1 tỉ USD với Trường Hải?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bầu Đức khẳng định chỉ cần 3 năm thôi, sự hợp tác này sẽ đứng đầu bảng và "vô đối", không ai học, làm theo được nữa, mà muốn học cũng không được.

Chia sẻ với phóng viên sau Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL (bầu Đức) nói rằng ông không sợ quyền kiểm soát của mình tại HAGL bị ảnh hưởng.

 

Ông Đoàn Nguyên Đức phát biểu tại lễ ký kết hợp tác với Thaco tối 8-8.
Ông Đoàn Nguyên Đức phát biểu tại lễ ký kết hợp tác với Thaco tối 8-8.



Ông cảm thấy thế nào khi tìm được nhà đầu tư cùng tham gia tái cơ cấu và quản trị HAGL vượt qua giai đoạn khó khăn?

Tôi xúc động và trân trọng mối quan hệ này vì tới thời điểm này, HAGL như con tàu lớn đang ngập chìm trong nợ nần, chỉ có Thaco đồng ý cứu HAGL và cũng chỉ có Thaco mới đủ tiềm lực về vốn, công nghệ và quản trị để vực dậy HAGL.

Khi cần tiền cứu doanh nghiệp, sao ông không nghĩ tới Quỹ đầu tư hay một doanh nghiệp nước ngoài khác mà một nhà sản xuất ô tô trong nước như Thaco lại được ông "chọn mặt gửi vàng"?

Quỹ thì họ chỉ có tiền thôi. Cái tôi cần là quản trị nhưng phải là quản trị của doanh nghiệp lớn, đã có thành công và cần đối tác đồng hành. Còn doanh nghiệp nước ngoài thì không chắc phù hợp với một ngành đặc thù như của HAGL. Tìm được doanh nghiệp nước ngoài phù hợp là rất khó. Họ cũng chưa hiểu rõ Lào, Campuchia, Việt Nam để đầu tư.

Còn với Thaco, ông Dương (Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco - PV) qua bên Lào mới thấy sửng sốt, mới dám làm. Tận mắt chứng kiến mới biết và tin mình làm thật. Còn nếu chưa qua thì chắc cũng nghĩ mình là thằng chém gió! Ông Dương còn có những yếu tố quan trọng nhất định: tiền và quản trị. Vào HAGL việc đầu tiên là phải có tiền "tươi". Vào HAGL phải là người đã quản lý sản xuất công nghiệp ở quy mô lớn chứ không phải các doanh nghiệp có tiền là làm được.

Bởi vì, HAGL có tổng tài sản 53.000 tỉ đồng, con số không phải nhỏ; có 30.000 công nhân thì cũng đâu có nhỏ. Muốn cứu HAGL thì phải rất to mới cứu được. Tàu lớn đang chìm ngoài biển mà dùng các tàu nhỏ thì cứu nỗi gì?

Chọn người như ông Dương để hợp tác bởi ông Dương có ưu thế về quản trị và tài chính. Nghĩa là, HAGL đang gặp khó về hai vấn đề này?

Đúng là đang có vấn đề. Đây là cái thiếu của HAGL. Chúng tôi có nhiều thứ, có hàng ngàn cán bộ kỹ sư, có quỹ đất rất lớn, có một cơ sở hạ tầng đã hình thành nhưng lại thiếu quản trị và tài chính. Nếu có thêm 2 yếu tố này thì phát triển thành doanh nghiệp lớn thật sự không khó nữa.

Ông tin tưởng sự hợp tác mà như Thủ tướng gọi là "mối lương duyên" sẽ thành công?

Tôi khẳng định là chỉ cần 3 năm thôi, sự hợp tác này sẽ đứng đầu bảng và "vô đối", không ai học, làm theo được nữa, mà muốn học cũng không được.

Về nông nghiệp ở Việt Nam, HAGL là số 1. Chúng tôi có 80.000 ha đất nông nghiệp tại Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó có 38.000 ha cao su đã được 11 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch. Còn ở Myanmar là dự án về bất động sản phức hợp có vị trí đắc địa và quy mô lớn nhất hiện nay tại TP lớn nhất Myanmar là Yagoon.

Nhưng tôi lại bị điểm nghẽn là giá cả. Đầu tư cao su nhiều nhưng khi giá bán cao su đi xuống mạnh thì mất thanh khoản về mặt tài chính, mà do quy mô lớn nên cần sự hỗ trợ về quản trị và tài chính. Khi đã trục trặc rồi thì không đủ thời gian để tái tạo ra nữa và cần hỗ trợ những gì đang thiếu.

Và anh Dương cũng cần những thế mạnh mà HAGL đang có như quỹ đất lớn và những thành quả đã đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực… Hai bên bổ sung cho nhau là rất tốt. Chúng tôi xem đây là một điển hình tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác giữa 2 doanh nghiệp lớn hàng đầu của Việt Nam giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và cùng nhau thực hiện hoài bão to lớn

Thaco đã chính thức bỏ ra hơn 7.800 tỉ đồng để sở hữu 35% HAGL Agrico và 51% HAGL Myanmar? Ông có lo ngại quyền chi phối bị ảnh hưởng?

Tôi vẫn là người chi phối. Tôi đã nói từ đầu rồi, người ta sở hữu 35% thì sao tôi mất quyền được?

Nếu không tìm được Thaco, HAGL có đủ sức chèo chống với số nợ quá lớn?

Đương nhiên là được nhưng mất thời gian. Tôi có thể bán bớt tài sản trả nợ. Nợ 23.000 tỉ đồng trong khi tổng tài sản 53.000 tỉ đồng.

Phương Nhung thực hiện (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.