Bất ổn các dự án ổn định dân cư: Cần lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng của dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bên cạnh những khu tái định cư bị người dân Tây Nguyên quay lưng, cũng có một số dự án thành công, người dân đã bám rễ vào nơi ở mới. Bà con đã có cái ăn, cái mặc, con cái được ăn học tử tế, tương lai phía trước cũng vì thế mà trở nên rộng mở, tươi sáng hơn. Đó là những dự án mà nhà đầu tư đã khảo sát kỹ, lắng nghe và đáp ứng tương đối đủ nguyện vọng của người dân vùng bị giải tỏa, di dời...
 
Khi không thiếu đói, bà con ở bon Bu P'răng 1, 2 tập trung phát triển cây trồng công nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Phan Tuấn
Khi không thiếu đói, bà con ở bon Bu P'răng 1, 2 tập trung phát triển cây trồng công nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Phan Tuấn
“Bám rễ” vào nơi ở mới
Năm 2019, gia đình ông Nông Văn khí là hộ gia đình đầu tiên chuyển đến khu tái định cư số 1, ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk để ở. Giờ đây khu tái định cư này đã hình thành bản làng với hơn 130 hộ dân đến sinh sống và số lượng đang ngày một nhiều lên. 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Nông Văn Khí chia sẻ: "Cuối năm 2019, gia đình tôi chuyển đến khu tái định cư số 1 để giao đất cho Nhà nước thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Đến khu tái định cư, gia đình ông được giao 1,1ha đất. Trong đó, có 1 sào đất ở, 5 sào đất trồng lúa và 5 sào đất trồng hoa màu".
“Ở nơi ở mới chúng tôi bắt tay vào trồng lúa, trồng cây dài ngày. Ở đây chắc chắn không thể thiếu cái ăn, cái mặc được. Nơi đây hạ tầng đường, điện, trường trạm được làm bài bản, bà con ra đồng có vài trăm mét, con em đến trường học hành thuận lợi”- ông Khí khẳng định.
Nói về nơi ở cũ ông Khí nhớ lại: "Gia đình tôi vào xã Cư Yang, huyện Ea Kar sinh sống từ năm 1987. Nơi ở cũ đất canh tác nhiều, song điều kiện sản xuất không thuận lợi, không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất, sản lượng thấp. Chưa kể, cơ sở hạ tầng không được đầu tư nên việc đi lại, giao thương hàng hóa khó khăn...".
Chia sẻ về khu tái định cư số 1, ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cư Elang cho biết, khu tái định cư số 1 có tổng diện tích hơn 370ha. Trong đó, đất ở tái định cư 65ha bao gồm các hạng mục: Đất công cộng; đất giáo dục; nhà văn hóa, sân thể thao; đất nhà ở tái định cư… Ngoài ra, khu tái định canh còn có 306ha đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa. Quy mô của khu tái định cư số 1 sẽ bố trí được 300 hộ dân sinh sống. 
Qua thực tế cho thấy, việc bố trí tái định cư cho người dân ở đây là thành công, người dân đã đến dựng nhà cư trú hơn 130 hộ và số lượng đang ngày một nhiều thêm. “Chỉ cần nhìn vào những căn nhà xây kiên cố là biết bà con đã bằng lòng với nơi ở mới, xác định dựng nhà để an cư lạc nghiệp. Do đất ở, gắn với đất sản xuất là điều kiện thuận lợi để bà con bắt đầu bám rễ với nơi ở mới” - ông Thanh cho hay. 
Bà con dần ổn định cuộc sống
Gần 10 năm đến nơi ở mới cũng là lúc cuộc sống của nhiều hộ dân thuộc các bon Bu P’răng 1 và Bu P’răng 2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có những đổi thay. Không chỉ có nhà ở, bà con còn được cấp đất để sản xuất, góp phần đổi thay cuộc sống từng ngày.
Hiện nay, bà con ở bon Bu P’răng 1 và bon Bu P’răng 2 (bon là địa giới hành chính ở vùng đồng bào ngang cấp với thôn, xóm ở tỉnh thành khác) đang bước vào vụ thu hoạch mắc ca, chuẩn bị thu hoạch cà phê. Ông Điểu B’lao một hộ dân ở bon Bu Prăng 1 chia sẻ: “Được cấp gần 2ha đất rẫy, tôi trồng mắc ca xen với cà phê và hồ tiêu”. Việc trồng xen tuy thu nhập không cao nhưng mỗi loại cây trong vườn cũng cho vài chục triệu đồng mỗi năm. Riêng mắc ca mỗi năm hai lần thu cũng được 50-60 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt thêm cây cà phê và hồ tiêu, gia đình sẽ có cuộc sống ổn định” - ông Điểu B’lao phấn khởi tâm sự.
Khi so sánh với nơi ở cũ, ông Điểu B’lao vui vẻ cho biết, đời sống bây giờ khá hơn rất nhiều, không phải lo chỗ ở, không còn cảnh kiếm ăn từng bữa là thấy vui rồi. Trước đây, đất đai, nhà cửa không ổn định, vì thế mà cuộc sống của nhiều hộ trong bon rất vất vả. 
Nói về Dự án tái lập hai bon Bu P’răng 1 và Bu P’răng 2, ông Nguyễn Hải Lý - Chủ tịch UBND xã Quảng Trực - khẳng định, cái được lớn nhất là đời sống bà con đã đổi thay rất nhiều. Ngoài được cấp 2ha đất rẫy để trồng cây dài ngày, mỗi gia đình còn được cấp 2 sào lúa nước. Chỉ cần làm tốt lúa nước bà con sẽ không còn lo thiếu đói. Khi đã có đủ lương thực, bà con cũng yên tâm chăm sóc cây trồng dài ngày. So sánh với dự án Làng thanh niên lập nghiệp ở cùng xã, mới thấy rõ những đổi thay ở các bon Bu P’răng 1 và Bu P’răng 2. Đến nay, các bon còn được đầu tư hội trường, công trình điện, nước, trường học. 
“Từ hạ tầng đến đất sản xuất được đầu tư khá bài bản đã tạo điều kiện rất lớn cho hơn 150 hộ dân ở các bon ổn định cuộc sống mới. Đời sống, sản xuất của người dân ở bon Bu P’răng 1, Bu P'răng 2 ổn định là cơ sở quan trọng để địa phương tính toán từng bước nâng cao hơn nữa thu nhập cho bà con" - ông Lý cho biết.
Qua thực tế cho thấy, để người dân an cư lạc nghiệp ở các dự án ổn định dân cư bên cạnh yếu tố về cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm thì việc gắn liền với đất sản xuất nhằm tạo kế sinh nhai là yếu tố hết sức quan trọng.
ANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.