Trái Đất có thể đã là một hành tinh "chết", khí quyển bị bào mòn và không sống được nếu không có một thiên thể dốc cạn năng lượng để bảo vệ vào 4 tỉ năm trước.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Jim Green, Giám đốc bộ phận Khoa học hành tinh của NASA, khẳng định mặt trăng – vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất – từng là một vật thể không gian mạnh mẽ hơn nhiều so với ngày nay và là "thần hộ mệnh" của Trái Đất non trẻ.
Trái Đất ngày nay sở hữu một từ quyển mạnh mẽ và bầu khí quyển đủ dày giúp bảo vệ chúng ta và muôn loài khỏi bức xạ Mặt Trời độc hại. Nhưng 4 tỉ năm trước nó không đủ mạnh như thế và bầu khí quyển thì chỉ mới chập chững hình thành.
Trái Đất và mặt trăng - ảnh: NASA |
Mặt Trời của 4 tỉ năm trước cũng trẻ trung và hung hãn hơn nhiều so với ngày nay. Với các đặc điểm đó, lẽ ra bầu khí quyển non nớt của Trái Đất đã bị xói mòn và bề mặt hành tinh đã cháy rụi. Sự sống sơ khai – được cho là hình thành trong khoảng 3,8-4,1 tỉ năm trước – có thể không tồn tại nổi.
Nhưng NASA phát hiện mặt trăng bé nhỏ của chúng ta khi đó cũng… có từ quyển! Từ trường mạnh mẽ phát ra từ thiên thể này đã cộng hưởng với từ trường non yếu của Trái Đất để tạo nên lớp bảo vệ đủ mạnh, che chở bầu khí quyển đang phát triển cho đến khi địa cầu đủ mạnh. Từ trường mặt trăng ngày đó ước tính mạnh ngang với từ trường Trái Đất ngày nay.
Tuy nhiên theo thời gian, khi từ quyển và khí quyển Trái Đất dần "trưởng thành", từ quyển của mặt trăng cũng ngày một suy yếu. "Đến nay, nó hoàn toàn không có từ quyển" – tiến sĩ Jim Green cho biết.
Ngày càng nhiều nghiên cứu củng cố giả thuyết mặt trăng hình thành từ sự kiện "hành tinh Theia" kích cỡ Sao Hỏa va chạm trực diện với Trái Đất. 2 hành tinh gần như hợp nhất vật chất, trong đó các phần đá bụi dư thừa bị mắc kẹt trong quỹ đạo Trái Đất để rồi hình thành mặt trăng. Có vẻ cú va chạm ấy là điều may mắn đối với chúng ta.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
Theo Anh Thư (NLĐO, NASA, New Scientist)