Báo động "chất" Hoàng Anh Gia Lai ở tuyển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai chiếm số lượng lớn ở tuyển Việt Nam, nhưng không phải "kép chính" không thể thay thế. 

Công Phượng thi đấu mờ nhạt trước Thái Lan. Ảnh: AFP
Công Phượng thi đấu mờ nhạt trước Thái Lan. Ảnh: AFP
Hành trình của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020 có dấu ấn không nhỏ của các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai. 8 cầu thủ thuộc biên chế đội bóng phố Núi đều đã được vào sân tại giải đấu trên đất Singapore. Ngoại trừ Minh Vương chỉ có 30 phút ra sân ở trận gặp Lào, phần còn lại ít nhiều đã ghi được dấu ấn chuyên môn. Tuy nhiên, tất cả đều không ổn định và không có điểm rơi phong độ chính xác.
Từ những quân bài tưởng như không thể thay thế, họ dần đánh mất vị trí khi trở thành "điểm đen" cho đối phương khai thác. Điển hình, Hồng Duy được đánh giá là một trong những hậu vệ biên chơi tốt nhất vòng bảng nhưng lại có pha trượt chân vô duyên "mở đầu" cho thất bại của tuyển Việt Nam trước Thái Lan.

Văn Thanh - Hồng Duy chỉ là lựa chọn thứ yếu nếu Trọng Hoàng - Văn Hậu trở lại. Ảnh: AFP
Văn Thanh - Hồng Duy chỉ là lựa chọn thứ yếu nếu Trọng Hoàng - Văn Hậu trở lại. Ảnh: AFP
Tương tự, Văn Thanh - cầu thủ có số lần đoạt bóng cao nhất tuyển Việt Nam tại vòng bảng - cũng xử lý lóng ngóng trước sức ép của tuyển Thái Lan. Huấn luyện viên Park Hang-seo không trách Thanh và Duy nhưng ông dường như dè chừng hơn trong việc sử dụng họ. Minh chứng là việc Hồ Tấn Tài thế chỗ Văn Thanh ở trận bán kết lượt về, còn với Hồng Duy, anh được giữ bởi cánh trái không còn lựa chọn khả dĩ hơn.
Các cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai có kỹ năng cá nhân tốt nhưng rất khó để kiểm soát phong độ. Tuấn Anh chơi cực hay trước Malaysia nhưng dường như "mất hút" trước tuyến tiền vệ Thái Lan. Đối thủ đẳng cấp là một chuyện nhưng chính "nhô" cũng chuyền hỏng, rồi phán đoán sai và liên tục rơi vào tình trạng đuổi theo bóng. Việc Tuấn Anh không thể điều tiết được trận đấu cũng là nguyên nhân khiến anh chỉ được vào sân 13 phút ở trận lượt về.
Ông Park lý giải rằng "đó là thay đổi về mặt chiến thuật" nhưng rõ ràng Tuấn Anh "được" chọn để thay thế ngay cả khi anh có sung sức bậc nhất trên sân (vào sân ở phút 69). Đó có thể xem là một thất bại.

Tuấn Anh vào sân chỉ 13 phút ở trận bán kết lượt về. Ảnh: AFP
Tuấn Anh vào sân chỉ 13 phút ở trận bán kết lượt về. Ảnh: AFP
Người đồng đội của Tuấn Anh tại câu lạc bộ là Xuân Trường cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh là cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội thứ 2 tại vòng bảng, dù thường chỉ vào sân từ ghế dự bị. Nhãn quan chiến thuật và khả năng chuyền bóng của Trường "híp" không cần bàn cãi nhưng điểm yếu tranh chấp khiến anh không được lựa chọn ở 2 trận đấu gặp Thái Lan. Ngay cả khi cần "tất tay", ông Park vẫn e ngại việc tung Xuân Trường vào sân.
Riêng với bộ đôi tiền đạo Văn Toàn và Công Phượng, họ đã không hiểu ý huấn luyện viên Park Hang-seo hoặc quá bản năng trong cách đá dẫn đến sai ý đồ chiến thuật. "Tôi đưa Công Phượng và Văn Toàn vào sân để 2 cầu thủ ấy đá biên. Nhưng có lẽ do quá nôn nóng nên họ đã bó vào trung lộ", ông Park nói sau trận bán kết lượt về.
Vị chiến lược gia người Hàn Quốc không đổ lỗi hay trách móc gì Công Phượng và Văn Toàn, ông chỉ đang giải thích lý do bộ đôi Hoàng Anh Gia Lai đá không hiệu quả khi đối mặt với những trung vệ cao to bên phía Thái Lan. Lối đá ban bật bóng ngắn, tự do di chuyển từ biên vào trung lộ vốn là sở trường của Toàn và Phượng. Khi phải đặt vào lối đá có phần khuôn mẫu của ông Park, cả hai không thực sự thích nghi tốt.

 Văn Toàn chưa bao giờ là
Văn Toàn chưa bao giờ là "kép chính" dưới thời ông Park. Ảnh: AFP
4 năm huấn luyện viên Park Hang-seo cầm quyền tại tuyển Việt Nam, Công Phượng và Văn Toàn là trụ cột nhưng hiếm khi đóng vai "kép chính". Nhìn rộng hơn, đó là thực trạng chung của quân Hoàng Anh Gia Lai khi lên tuyển. Có nhiều lý do để biện giải cho vấn đề này, từ sự ăn khớp trong chiến thuật đến tình trạng sức khỏe.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế, đó vẫn là thực trạng đáng báo động với một câu lạc bộ lớn như Hoàng Anh Gia Lai. Các cầu thủ phố Núi được kỳ vọng nhưng chưa đáp ứng được và họ cần thay đổi để có được sự công nhận xứng đáng với tài năng. Phía trước sẽ là những trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, cơ hội để tất cả các cầu thủ thể hiện, rèn luyện.
MINH TRIẾT (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.